TT Thổ Nhĩ Kỳ đi thăm TT Nga để hàn gắn quan hệ song phương
MOSCOW —
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tin rằng nước ông đang bước vào “một thời kỳ mới” trong các quan hệ với Nga.Ông Erdogan phát biểu như vậy hôm thứ Ba sau cuộc gặp gỡ đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ cuộc đảo chính hôm 15 tháng 7 ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan đã quay sang Nga trước làn sóng chỉ trích của phương Tây sau cuộc đảo chính, và trong một cố gắng nhằm hàn gắn các quan hệ với Nga sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một chiến đấu cơ của Nga dọc biên giới Syria hồi năm ngoái.
Tổng thống Putin nói với ông Erdogan: “Ông đến thăm Nga hôm nay giữa lúc tình hình chính trị trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn, điều đó cho thấy là chúng ta đều muốn mở đối thoại và khôi phục các quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.”
Ông Alexander Baunov thuộc Trung tâm Carnegie ở Moscow nói: "Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng cho cả hai nước, bởi vì cả hai đều phải mặc cả với phương Tây. Đối với ông Putin, cuộc mặc cả là về các lệnh trừng phạt của phương Tây và về việc bình thường hóa các quan hệ, cũng hối thúc tăng cường thương mại. Đối với ông Erdogan, thì sau chiến dịch trấn áp cuộc đảo chánh, ông đã bị các chính khách, các nhà báo và truyền thông phương Tây chỉ trích quá nặng nề. Cho nên với ông, mặc cả với phương Tây bao gồm việc chứng minh rằng ông có thể xích lại gần Nga hơn và tách ra khỏi phương Tây."
Ông Erdogan đã nổi giận sau khi phương Tây chỉ trích ông về cuộc trấn áp quy mô đối với những người bị quy là thành phần chống đối sau cuộc đảo chính bất thành.
Nga đã nhanh chóng lên án phe âm mưu đảo chánh. Hơn 270 người đã thiệt mạng trong cuộc đảo chánh bất thành do một số thành phần trong quân đội thực hiện. Ông Erdogan quy trách nhiệm cho một giáo sĩ Thổ Nhĩ Kỳ sống lưu vong ở Mỹ là chủ mưu cuộc đảo chính.
Nhà phân tích Victor Mizin thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Moscow, nói ông Erdogan coi phản ứng của phương Tây là một hành động phản bội.
Ông Mizin nói: “Ông Erdogan dường như cũng xoay trục về hướng Đông theo cách của riêng ông, để thúc đẩy quan hệ với các nước như Azerbaijan, Iran, và Kazakhstan".
Nhưng quan hệ với Nga là quan trọng nhất về mặt chiến thuật, không riêng đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Mizin nhận định: “Điều rất quan trọng đối với Nga là lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ trở lại với Nga và nối lại quan hệ hữu nghị. Thổ Nhĩ Kỳ từng là mũi nhọn của NATO chống lại Liên Xô trong quá khứ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nơi nhiều thiết bị tình báo hoặc radar được thiết đặt để theo dõi các hoạt động quân sự của Nga”.
Dự kiến các cuộc đàm phán tay đôi ở St. Petersburg sẽ tập trung vào nỗ lực hồi phục các quan hệ kinh tế đã bị cắt đứt, sau khi một chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiếc SU-24 của Nga, giết chết viên phi công và dẫn tới cái chết của một phi công khác trong một cố gắng nhằm giải cứu phi công lâm nạn.
Sự cố này đã khởi động làn sóng chỉ trích lẫn nhau, đưa đến các biện pháp cấm vận của Nga, và những lo sợ về nguy cơ bùng nổ cuộc xung đột rộng lớn hơn giữa Nga với một thành viên của NATO. Moscow cáo buộc Ankara là hỗ trợ cho khủng bố, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo Nga là vi phạm không phận của họ và đánh bom các mục tiêu dân sự bên trong Syria.
Nga áp đặt các biện pháp chế tài kinh tế lên Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả cấm nhập khẩu thực phẩm và cấm công dân Nga du lịch sang Thổ Nhĩ Kỳ, trong một đòn giáng gây thiệt hại nhiều tỉ đôla cho Ankara và cho ngành du lịch rất quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng vào cuối tháng 6 vừa rồi, hai nước đã xích lại gần nhau nhanh chóng một cách đáng ngạc nhiên sau khi ông Erdogan ngỏ lời xin lỗi Nga, là điều Moscow trông chờ đã lâu. Ông Erdogan bày tỏ hối tiếc và chia buồn với gia đình của hai phi công trong một bức thư gửi cho Tổng thống Putin. Gần đây hơn, ông Erdogan tố cáo các phi công lái chiếc F-16 là có dính líu trong âm mưu đảo chính. Các phi công này đã bị bắt giữ.
Giới phân tích chính trị nói trong khi ông Erdogan hoàn toàn đảo ngược vị thế đối nghịch với Nga là do bị thiệt hại kinh tế vì các biện pháp cấm vận thương mại từ Moscow, quan hệ căng thẳng giữa ông và các đồng minh phương Tây ở Châu Âu và với Hoa Kỳ cũng là nguyên nhân dẫn tới cuộc gặp mặt tay đôi với ông Putin.
Theo lời nhà phân tích Mizin, những lời kêu gọi của một thiểu số bên trong Thổ Nhĩ Kỳ, đòi Ankara mưu tìm quan hệ đối tác chiến lược với Nga để thay thế các quan hệ với Mỹ và với EU, khó có thể được ủng hộ rộng rãi. Tuy nhiên cùng lúc cũng không thực tế nếu tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị loại ra khỏi liên minh NATO như lời kêu gọi của một số chuyên gia, nhất là những người thuộc cánh bảo thủ, bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ là một nước “quá quan trọng”, theo nhà phân tích Nga.
Trong khi theo trông đợi, các cuộc đàm phán Nga-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dẫn tới một số tiến bộ trong lĩnh vực kinh tế, cuộc xung đột ở Syria vẫn là một đề tài gây bất đồng.
Chiến dịch đánh bom của Nga để hậu thuẫn Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã tác động làm nguội lạnh các quan hệ giữa Moscow và Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ vốn vẫn hậu thuẫn các nhóm nổi dậy trong cuộc nội chiến ở Syria đã kéo dài 5 năm, và muốn thấy ông Assad bị đẩy ra khỏi vị thế cầm quyền.