VĐV Nam-Bắc Triều Tiên thể hiện tinh thần Olympic với ‘ảnh t
SEOUL —
Khoảnh khắc hiếm hoi của tình hữu nghị liên Triều đã được ghi lại tại Thế vận hội Rio de Janeiro khi các vận động viên Nam và Bắc Triều Tiên cùng nhau chụp ảnh 'tự sướng.'
Các nhiếp ảnh gia tại Thế vận hội đã bắt được nụ cười của hai vận động viên thể dục, Lee Eun-ju của Hàn Quốc và Hong Un Jong của Bắc Triều Tiên, đang dùng điện thoại để tự chụp ảnh trong một buổi tập luyện trước khi cuộc thi đấu bắt đầu.
Bức ảnh lan truyền nhanh chóng trên Internet và được mọi người tán dương như nói lên tinh thần Olympic là xây dựng hòa bình và sự hiểu biết.
Trên Twitter, ông Eugene Cho, một người Mỹ gốc Hàn Quốc có cha mẹ sinh ra ở miền Bắc nói “ảnh tự sướng của các vận động viên Olympic đã mang lại cho tôi niềm hy vọng về viễn cảnh thống nhất trong tương lai.”
Cả nhà khoa học chính trị Ian Bremmer thuộc Hiệp hội Eurasia và tờ báo nhà nước Trung Quốc China Daily cũng tải lên trang twitter nhận xét tương tự rằng “đây là lý do tại sao chúng ta có Olympic”.
Ngay cả tạp chí thời trang Glamour của Mỹ cũng chia sẻ bức ảnh và tweet rằng “Hai vận động viên này xứng đáng được trao huy chương vàng về ngoại giao”.
Sự chia rẽ Olympic
Ảnh tự sướng nói lên tình hữu nghị liên Triều ở Rio hoàn toàn trái ngược so với những ví dụ về những chia rẽ cay đắng giữa hai đối thủ khác ở vùng Balkan.
Tin cho hay các giới chức ở Serbia đã căn dặn các vận động viên của mình không được xuất hiện cùng với các đối thủ của họ đến từ Kosovo. Quan hệ giữa hai nước Balkan vẫn căng thẳng kể từ khi Kosovo giành được độc lập từ tay Serbia vào năm 1999.
Và đội tuyển Olympic của Libăng đã từ chối đi chung xe buýt với vận động viên của nước đối nghịch Israel trên đường đến dự lễ khai mạc.
Khoảnh khắc về tình hữu nghị liên Triều diễn ra vào thời điểm có sự chia rẽ sâu sắc và căng thẳng tăng cao giữa các chính quyền tại Seoul và Bình Nhưỡng.
Ngoại giao thể thao
Sau vụ thử hạt nhân lần thứ tư của Bắc Triều Tiên hồi tháng Giêng, Hàn Quốc đã cắt đứt hầu như tất cả các mối quan hệ kinh doanh, trao đổi và giao tiếp với miền Bắc.
Ông Yoon Kang-ro, Chủ tịch Viện Ngoại giao và Hợp tác Thể thao Quốc tế tại Hàn Quốc, nói Thế vận hội đã cho hai miền Triều Tiên một cơ hội để tìm thấy một số điểm chung.
Ông Yoon nói: “Một tấm ảnh không tạo ra bước tiến đáng kể, nhưng tôi nghĩ đó là một điểm khởi đầu tốt”.
Ông Yoon lưu ý rằng đã có những ví dụ khác trong quá khứ khi mà ngoại giao thể thao đã được mang ra thử nghiệm, và trong một số trường hợp đã giúp cải thiện quan hệ trong một thời gian, trong khi lại thất bại trong một số trường hợp khác.
Bắc Triều Tiên đã tẩy chay Thế vận hội năm 1988 tại Seoul sau khi Ủy ban Olympic Quốc tế từ chối yêu cầu của Bình Nhưỡng, đòi cùng chủ trì các cuộc tranh tài.
Nhưng trong Thế vận hội năm 2000 tại Sydney, Australia, hai miền Triều Tiên đã cùng diễu hành với nhau trong lễ khai mạc.
Sự hợp tác trong các cuộc thi đấu ở Sydney phản ánh điểm nhấn vào chính sách mời gọi sự tham gia của miền Bắc do cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung đề xuất. Ông cũng là người khởi xướng các dự án hợp tác và hỗ trợ để xây dựng lòng tin với miền Bắc theo ‘chính sách Ánh Dương’.
Trong thập niên qua, quan hệ liên Triều lại xấu đi vì quyết định của miền Bắc một mực theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân và các hành động khiêu khích khác.
Nhưng ông Yoon nói thể thao có thể tạo ra một khởi đầu cho đối thoại vào lúc những con đường khác đã đóng lại.
Ông nói: “Thể thao vượt ra khỏi những khác biệt về chính trị, tôn giáo, văn hóa và mọi rào cản khác. Thể thao là một lĩnh vực trong đó không có rào cản”.
Vào năm 2014, một đoàn đại biểu cấp cao của Bắc Triều Tiên đến dự Đại hội Thể thao châu Á được tổ chức tại Hàn Quốc đã dẫn đến các cuộc đàm phán không chính thức giữa hai miền.
Và nếu miền Bắc tham gia tổ chức Thế vận hội Mùa đông với Hàn Quốc vào năm 2018, ông Yoon cho rằng cả hai bên sẽ phải hợp tác với nhau theo những cách có thể mở ra các kênh giao tiếp trong tương lai.