Bài diễn văn của Hillary Clinton: người hân hoan, kẻ chỉ trí

PostFri Jul 29, 2016 7:14 am

VOA - Arts and Entertainment


Sau khi bà Hillary Clinton đọc bài phát biểu nhận sự đề cử của đảng Dân chủ làm ứng cử viên tổng thống hôm qua, thứ Năm, thì những phản ứng đã được đoán trước: các thành viên của Đảng Dân chủ rất thích bài phát biểu, trong khi các nhân vật nổi bật thuộc đảng Cộng hòa chẳng phải là fan hâm mộ.


Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama nói: “Thật xúc động và được truyền cảm hứng vì bài diễn văn đầy sức mạnh của vị tổng thống kế tiếp của chúng ta”.


Tổng thống Barack Obama viết trên trang Twitter: “Một bài phát biểu tuyệt vời. Hillary đã vượt qua nhiều thử thách. Bà đã sẵn sàng. Bà sẽ không bao giờ bỏ cuộc”.




Ông Obama nói thêm rằng đó là lý do tại sao bà Clinton nên lên nắm quyền sau khi ông rời khỏi Tòa Bạch Ốc vào tháng Giêng tới.


Đại biểu Silda Wall Spitzer ở New York nói với VOA:


“Thật là một buổi tối đáng nhớ, vô cùng đáng nhớ. Tôi cho rằng nếu thế giới không biết bà Hillary Clinton là ai, thì bây giờ họ có một số ý niệm về con người tuyệt diệu này như thế nào, bà ấy sẽ mang đến toàn những điều tốt lành cho đất nước này trong cương vị một lãnh đạo, bà ấy đúng là nhân vật hiện giờ có thể đưa đất nước chúng ta tiến tới phía trước”.


Mặt khác, cố vấn chính sách cấp cao của ông Trump là ông Stephen Miller miêu tả bài phát biểu của bà Clinton là “một tập hợp những lời sỉ nhục và lời lẽ khoa trương sáo rỗng”.


Ông Miller nói trong một bản tuyên bố:


“Đây là một bài phát biểu từ một thế giới tưởng tượng, không phải là thực tế mà chúng ta đang sống hôm nay”.


Theo ông, bà Clinton nói về sự đoàn kết nhưng lại có một kế hoạch hành động gây chia rẽ người Mỹ.


“Kế hoạch ân xá triệt để của bà ấy sẽ khiến công dân Mỹ mất công ăn việc làm, mất các nguồn lực và lợi ích, nhất là những công dân của chúng ta thuộc thành phần dễ bị tổn thương nhất, và thay vào đó chỉ có lợi cho công dân của các nước khác. Việc bà thậm chí từ khước dùng cụm từ ‘Hồi giáo cực đoan’, không đề cập đến thảm họa ở Libya của bà ta, hoặc vụ email bất chính của bà, tất cả những điều đó cho thấy bà ít quan tâm tới sự an toàn của người dân Mỹ”.


Các đại biểu tại Trung tâm Wells Fargo vào đêm cuối của Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ, 28/7/2016.

Các đại biểu tại Trung tâm Wells Fargo vào đêm cuối của Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ, 28/7/2016.


Trong khi một bộ phận trong đại hội toàn quốc đảng Dân chủ ở Philadelphia ăn mừng những thành tựu của chính quyền Tổng thống Obama và cương lĩnh được chấp thuận tại đó, bao gồm nhiều chính sách tương tự như dưới thời Tổng thống Obama, các thành viên đảng Cộng hòa tìm cách trình ra rằng nhiệm kỳ tổng thống của bà Clinton về cơ bản cũng sẽ chỉ là một nhiệm kỳ kế tiếp của ông Obama mà thôi.


Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio, người đã rút khỏi cuộc tranh đua để giành sự đề cử của đảng Cộng hòa hồi tháng 3, viết trên trang Twitter: “những thay đổi cơ bản mà bà Hillary đưa ra cũng y như chương trình hành động của ông Obama. Mà còn tăng thêm thuế, thêm nhiều quy định và những cái gọi là ‘đột phá thông minh’ gì gì đó”.


Ông Rubio cũng lưu ý những lời la ó của một nhóm nhỏ bên trong hội trường, những người ủng hộ đối thủ của bà Clinton, Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders, trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ. Ông Rubio gọi hành vi gây gián đoạn của nhóm này trong bài phát biểu của bà Clinton là một “thảm họa”.


Những lời la ó gồm cả các khẩu hiệu như “đừng có chiến tranh nữa”, nhưng người xem truyền hình khó biết được những gì xảy ra, thay vào đó họ chỉ nghe những câu tung hô “Hillary” và “USA” át lời những người phản đối.


Ông Kyle Kondik thuộc Trung tâm Chính trị của trường đại học Virginia nói những phần mạnh mẽ nhất trong bài phát biểu của bà Clinton là những đoạn phát biểu tấn công ông Trump, cho rằng ông không có hội đủ các tiêu chuẩn cần thiết để làm tổng thống.


Ông Kondik nói: “Tôi cho rằng rốt cục thách thức lớn nhất của ông Trump trong cuộc bầu cử này là thuyết phục mọi người rằng ông có đủ khả năng để làm tổng thống, và tôi nghĩ bà Clinton đã đưa ra những lập luận khá thuyết phục, là ông Trump không có các khả năng đó”.


Nhưng ông Kondik cho rằng bà Clinton đã thất bại trong việc giải quyết những nghi vấn dai dẳng về việc vấn đề sử dụng hệ thống email tư thời bà còn làm ngoại trưởng, điều khiến cho nhiều cử tri đặt câu hỏi liệu bà có đáng tin cậy hay không.


Cựu Chủ tịch Hạ viên Newt Gingrich mô tả bài phát biểu của bà Clinton là “một bài phát biểu mạnh mẽ và khéo léo”, nhưng nói thêm rằng nó tương phản hẳn với bài phát biểu của ông Trump trong đại hội đảng Cộng hòa hồi tuần rồi.


Ông Gingrich nói với kênh truyền hình Fox News: “Ông ấy nói chúng ta đang trong tình huống khó khăn và đây là những điều to lớn mà tôi sẽ làm để đưa chúng ta ra khỏi tình huống khó khăn. Còn bà ấy nói chúng ta đang trong tình trạng khá lạc quan và đây sẽ là vài điều bổ sung mà tôi sẽ làm để giữ cho chúng ta đi theo đúng hướng. Do đó, đây là những bài phát biểu hoàn toàn khác và thu hút những thành phần hoàn toàn khác nhau”.


Bà Carmen Morris, cũng có mặt lắng nghe bài phát biểu, nói với VOA rằng bà Clinton đã chứng minh sự tận tụy và quyết tâm của mình, và rằng người Mỹ cần làm theo lời kêu gọi của bà là hãy làm việc cùng với nhau.


Bà Morris nói: “Chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức, những điều chúng ta cần điều chỉnh đúng hơn, chúng ta cần phải làm mọi thứ tốt hơn và chúng ta cần thoát ra khỏi một số những vấn đề còn tồn tại trong xã hội, như những vụ giết người vô nghĩa. Bà Clinton nhận thức được những vấn đề đó. Đó là điều rất quan trọng đối với tôi”.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Văn Nghệ Và Điện Ảnh - Arts and Entertainment

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1350 guests

cron