Thủ tướng Oli từ chức, gây bất ổn cho kinh tế và chính trị N
Thủ tướng Nepal hôm Chủ nhật đã tuyên bố từ chức, đẩy nền kinh tế và chính trị của quốc gia Nam Á này và một trình trạng bất ổn nữa.
Thủ tướng K.P.Oli từ chức chỉ vài phút trước khi quốc hội nước này biểu quyết bất tín nhiệm mà có khả năng ông sẽ thất bại.
Việc ông Oli từ chức đánh dấu lần thứ 23 chính phủ Nepal sụp đổ kể từ khi nền dân chủ đa đảng hình thành tại nước này vào năm 1990.
Phong trào bất tín nhiệm do những người chống đối theo chủ nghĩa Maoist đề ra. Những người này thôi ủng hộ ông Oli sau khi cáo buộc ông đã thất hứa với một thỏa thuận chia sẻ quyền hành.
Các đồng minh cũ của ông Oli cũng cáo buộc ông không giải quyết mối lo ngại chính trị của người thiểu số Madhesi, nhóm người kêu nài rằng việc thành lập nhà nước liên bang đã gạt họ sang bên lề bằng cách chia cắt lãnh thổ của họ.
Ông Prachanda, thủ lãnh phe Maoist nói với quốc hội hôm thứ Sáu rằng không giải quyết mối lo ngại này và không xây dựng lại nhà cửa bị các trận động đất hồi năm ngoái phá hủy như đã hứa “khiến chúng tôi không thể tiếp tục làm việc được với ông Oli.”
Ông Prachanda là người có nhiều khả năng sẽ lên làm thủ tướng. Ông Oli sẽ tiếp tục nhiệm vụ thủ tướng cho đến khi quốc hội tìm được người thay thế. Tiến trình này có thể mất nhiều ngày.
Tổng thống Vidhya Devi Bhandari theo trông đợi sẽ cho các chính đảng một tuần để chọn ứng cử viên cho chức thủ tướng. Nếu không có ứng cử viên nào được chọn, các nhà lập pháp sẽ bầu tân thủ tướng bằng cách biểu quyết ở hội trường quốc hội.
Hai nước láng giềng của Nepal là Trung Quốc và Ấn Ðộ đang tranh nhau tìm cách tạo ảnh hưởng đối với nước cộng hòa non trẻ này, ngoài sự lo ngại rằng bất ổn chính trị có thể đẩy quốc gia nằm trong số những nước nghèo đói nhất trên thế giới này trở thành nơi dung túng cho tội phạm và nổi dậy bạo động.