Page 1 of 1

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đình chỉ Công ước Châu Âu về Nhân quyền

PostPosted: Thu Jul 21, 2016 2:14 pm
by NewsReporter
VOA - Arts and Entertainment


Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ đình chỉ Công ước Châu Âu về Nhân quyền trong khoảng thời gian ba tháng thực thi tình trạng khẩn cấp mà nước này đã tuyên bố để thanh trừng những thủ phạm của cuộc đảo chính bất thành vào cuối tuần trước.


Phó Thủ tướng Numan Kurtulmas cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện những bước "như Pháp đã thực hiện theo Điều 15 của Công ước" cho phép những nước ký kết ngưng thực thi các nghĩa vụ của mình trong lúc đang có chiến tranh hoặc trong những tình trạng khẩn cấp công.


Ông Kurtulmas được hãng tin Hurriyet dẫn lời nói rằng: "Tình trạng khẩn cấp sẽ trao cho chính phủ một cơ hội tốt để chống lại những kẻ lập mưu đảo chính và quét sạch những thành viên của những tổ chức theo đường lối Gulen."


Những nhà lập pháp Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ chấp thuận tình trạng khẩn cấp kéo dài ba tháng do Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đề nghị, trong một hành động nhằm mở đường cho việc thanh trừng thêm nữa những đối thủ của ông sau khi âm mưu đảo chính hôm thứ Sáu tuần trước đã không lật đổ được ông và chính phủ của ông.


Ông Erdogan loan báo tình trạng khẩn cấp trong một bài diễn văn được phát sóng trên truyền hình tối ngày thứ Tư, sau những cuộc họp với hội đồng an ninh quốc gia và Nội các của ông.


Ông Erdogan cho biết mục đích của tình trạng khẩn trương là "để có thể thực hiện những bước hữu hiệu nhất nhằm khôi phục nền dân chủ và pháp trị." Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết lực lượng vũ trang sẽ không kiểm soát đất nước trong thời gian này.


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu trong một buổi họp báo sau các cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia và nội các tại Dinh Tổng thống ở Ankara, ngày 20 tháng 7 năm 2016.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu trong một buổi họp báo sau các cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia và nội các tại Dinh Tổng thống ở Ankara, ngày 20 tháng 7 năm 2016.



Mở rộng trấn áp


Hàng trăm người ủng hộ ông Erdogan đã đổ ra những địa điểm công cộng khắp Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm Quảng trường Taksim của thành phố Istanbul, nơi mà loan báo của ông được truyền hình trực tiếp trên những màn hình lớn. Đám đông vỗ tay hoan hô khi nghe thấy thông báo về tình trạng khẩn trương.


Tuyên bố này cho phép ông Erdogan mở rộng một cuộc đàn áp vốn đã rộng lớn mà những nhà quan sát nói là chủ yếu nhắm vào những thành viên của một phong trào tinh thần của ông Fethullah Gulen, người trước đây là một lãnh tụ Hồi giáo và đã sinh sống ở Mỹ suốt 17 năm qua.


Tổng số người bị câu lưu kể từ thứ Sáu tuần trước đã vượt hơn 9.000 người, trong đó có 6.000 quân nhân. Những người này đang bị câu lưu trong tình trạng mà ông Erdogan mô tả là "câu lưu trước khi xét xử." Theo một số ước tính, gần 50.000 công chức bao gồm thẩm phán và giảng viên, đã bị đình chỉ hoặc được lệnh phải từ chức.


Truyền thông nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Tư cho biết chính phủ đã cấm tất cả những giảng viên rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Lệnh cấm này được ban hành sau khi hơn 21.000 nhân viên của Bộ Giáo dục, trong đó có hơn 1.500 chủ nhiệm khoa trong các trường đại học, đã bị đình chỉ vào ngày thứ Ba.


"Việc hành quyết không qua xét xử đã bắt đầu." Ông Beyza Ustun, một quan chức của Đảng Dân chủ Nhân dân cánh tả với thành viên đa phần là người Kurd, nhận định như vậy. Phát biểu của ông phản ánh mối lo ngại mà những người thuộc những nhóm thiểu số của Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ trước điều mà họ xem là mối đe dọa ngày càng lớn đối với quyền của họ.


Ông Erdogan hôm thứ Tư nói với đài al-Jazeera rằng một số người bị câu lưu sau cuộc đảo chính bất thành đã bắt đầu thú tội và cung cấp điều mà nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói là những thông tin liên kết vụ đảo chính bất thành với ông Gulen. Ông nói ông tin rằng một thế lực nước ngoài có thể đã dính líu, và nói nếu Mỹ quyết định không dẫn độ ông Gulen thì đó sẽ là một sai lầm lớn. Ông Erdogan cũng nói rằng ông sẽ chấp thuận án tử hình nếu nó được quốc hội phê chuẩn.


Ông Erdogan, người thuộc Đảng Công lý và Phát triển, là đảng đã thắng dễ dàng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái, mô tả việc ông đánh bại cuộc đảo chính là một thắng lợi của nền dân chủ. Nhưng những chiến thuật nặng tay của ông, nhất là sau cuộc đảo chính bất thành, đã gây nên căng thẳng với Washington.


Dù lên án âm mưu đảo chính, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng Washington muốn "đoan chắc rằng khi biện pháp ứng phó với cuộc đảo chính được thực hiện, nó phải hoàn toàn tôn trọng nên dân chủ mà chúng ta đang ủng hộ."


Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi ông Erdogan bảo đảm rằng những cuộc điều tra và truy tố những người gây nên cuộc đảo chính phải được tiến hành theo cách củng cố niềm tin của công chúng vào những định chế dân chủ và pháp trị.