Tổng thống Mỹ hối thúc người dân nhận lãnh trách nhiệm cá nh
WASHINGTON —
Tổng thống Barack Obama và người tiền nhiệm George W. Bush đã đến tham dự lễ tưởng niệm 5 cảnh sát bị giết hại tại Dallas. Tổng thống ca ngợi các nhân viên công lực về công tác khó nhọc mà họ đang làm để giữ an toàn cho cộng đồng, nhưng ông cũng lưu ý rằng các thành kiến vẫn còn tồn tại và phải được giải quyết.
Tổng thống Obama đã thực hành quá đủ cho bài phát biểu hôm thứ Ba tại Dallas. Ông đã từng an ủi những người đưa tang ở Orlando, Florida hồi tháng trước... ở Charleston, South Carolina trong năm ngoái... và một vài vụ khác trước đó.
“Tôi đã phát biểu tại quá nhiều buổi lễ tưởng niệm trong nhiệm kỳ tổng thống này.”
Ông nói xã hội đặt quá nhiều gánh nặng lên vai cảnh sát và nhận lãnh quá ít trách nhiệm về những hành động của mình.
“Chúng ta có thể kiểm soát cách thức chúng ta phản ứng với thế giới. Chúng ta có thể kiểm soát cách thức chúng ta đối xử với nhau”.
Cựu Tổng thống George W. Bush cũng tìm cách kêu gọi mặt tốt nơi mọi người.
“Chúng ta biết rằng chúng ta có được một đất nước nhân đạo, công bằng mà chúng ta muốn xây dựng, một đất nước mà chúng ta thấy trong những giấc mơ đẹp nhất, chính là nhờ vào sự bảo vệ của những người mặc đồng phục, nam cũng như nữ.”
Bên ngoài Hí viện Dallas, nơi tổ chức lễ tưởng niệm, một số người ca ngợi chuyến thăm của Tổng thống Obama.
Ông Robertson: “Tôi rất vui vì chúng tôi có một tổng tư lệnh là người dành thời gian để đến và an ủi một thành phố đã gánh chịu một tấn thảm kịch khủng khiếp.”
Nhưng nhiều người cho rằng người Mỹ gốc Phi châu là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tái hiện.
Bà Morgan: “Tôi cảm thấy rằng có những thứ đã diễn ra từ lâu. Tôi đã có kinh nghiệm bản thân, chồng tôi và những người tôi quen biết cũng vậy, nhưng tôi cảm thấy chúng ta cần phải truyền bá tình thương chứ không phải thù hận. Không có lý do gì để những người cảnh sát này bị giết hại”.
Một thành viên của Mạng lưới Hành Động Thế hệ mới nói:
“Chúng ta muốn đoan chắc rằng tổng thống và các giới chức công cử sẽ giải quyết tình trạng này, không vội vàng nhưng chủ động trong tình huống này, và thay đổi các luật lệ và chính sách gây bất bình trong cộng đồng cả nước”.
Một số người hồi tưởng lại những thời kỳ tốt đẹp hơn.
Ông Fusilier: “Tôi đã 75 tuổi và tôi nhớ thời gian khi đây là một quốc gia gắn bó. Mọi người đều yêu nước. Tôi hy vọng chúng ta có thể trở lại như trước. Tôi nghĩ nếu mọi người có thể hiểu về nơi mà mỗi chúng ta xuất phát, có lẽ chúng ta có thể bắt đầu hàn gắn.”
Nhưng như lời một người đàn ông Mỹ gốc Phi châu nói với đài VOA, việc hàn gắn khó có thể đạt được.
Ông Evans: “Bởi vì những diễn biến, và lịch sử cũng như bối cảnh, và những hành động sai trái đã mắc phải, mọi thứ đều có thể bùng ra rất mau chóng.”