Vụ cá chết ở Việt Nam ‘lan’ tới Quốc hội Mỹ
Một dân biểu Hoa Kỳ quan tâm tới tình hình Việt Nam nói ông hy vọng rằng trong chuyến thăm sắp tới, Tổng thống Barack Obama sẽ nêu vấn đề cá chết hàng loạt ở miền Trung cũng như các cuộc biểu tình của người dân Việt.
Nhà lập pháp Mỹ Chris Smith nói với VOA Việt Ngữ như vậy, sau khi chủ trì một phiên điều trần về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, cụ thể là vụ bắt giữ luật sư Nguyễn Văn Đài, hôm nay, 10/5.
Dân biểu thuộc phe Cộng hòa nói rằng các vụ trấn áp hàng trăm người tuần hành vì môi trường ở Hà Nội và TP HCM đầu tuần này cho thấy rõ “sự độc tài và bất dung đối lập” của chính quyền Việt Nam.
Ông nói tiếp: “Tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam rất giỏi ngăn chặn những tiếng nói bất đồng. Theo tôi, những quan điểm trái chiều, có hiểu biết và bất bạo động chỉ giúp xã hội tốt đẹp lên. Tôi hy vọng rằng chính quyền Việt Nam sẽ bao dung hơn nữa trước các tiếng nói khác với họ như ở Hoa Kỳ để xã hội tốt đẹp hơn và đi đến nhiều chính sách tốt hơn. Có những khi ta tưởng như đã tìm ra mọi câu trả lời, nhưng thực tế thì chưa, nếu chưa có sự phản biện”.
Chính phủ Việt Nam bấy lâu nay luôn bác bỏ các cáo buộc cho rằng Hà Nội “bịt miệng” những tiếng nói trái chiều cũng như không bắt giữ những người bất đồng chính kiến.
Cuối tháng trước, một người Việt từ Hà Tĩnh đã viết thư kiến nghị lên Nhà Trắng, đề nghị chính quyền Mỹ “giúp đánh giá độc lập” về vụ cá chết hàng loạt, cũng như kêu gọi ông Obama nêu vấn đề này khi tới Việt Nam.
Tới 10/5, tức hơn 10 ngày trước chuyến công du của Tổng thống Mỹ, có 140 nghìn người đã ký vào lá thư ngỏ nổi bật ngay trên trang chủ của “We the People” (Tiếng nói người dân).
"Tình người với người"
Về lời kêu gọi chính quyền của Tổng thống Obama giúp Việt Nam điều tra vụ cá chết, Dược sỹ Nguyễn Mậu Trinh, đại diện cho Nghị hội Toàn quốc người Việt tại Hoa Kỳ tham dự buổi điều trần, nói với VOA Việt Ngữ rằng đây là “điều nên làm” vì “tình người với người”.
Dù ở cách Việt Nam nửa vòng trái đất, ông Trinh nói ông vẫn quan tâm tới tình hình xã hội và môi trường ở Việt Nam, cũng như các cuộc biểu tình hôm 8/5:
“Người dân, họ không có một phương tiện nào khác, ngoài tiếng nói của mình và đôi chân của mình, đi ra đường cùng nhau, thành một đám đông để nói tiếng nói chung, đòi quyền sống của mình được bảo vệ, môi sinh, môi trường sống của mình được bảo vệ. Chuyện ngăn chặn, đàn áp, tôi không hiểu chính quyền có một đường hướng nào, bảo vệ một quyền lợi nào mà không đặt quyền lợi của người dân lên trên hết”.
Những hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy tình trạng người xuống đường bị “mạnh tay” và “giải đi trên xe buýt”.
Thông qua báo chí nhà nước, chính quyền Việt Nam những ngày qua cáo buộc một số tổ chức mà họ gọi là “phản động” của người Việt “lôi kéo, giật dây các vụ biểu tình.
"Hãy giúp đỡ cho dân tộc Việt Nam"
Cuộc điều trần kéo dài một giờ đồng hồ do ông Smith chủ trì có một nhân chứng duy nhất là bà Vũ Minh Khánh, vợ luật sư Nguyễn Văn Đài, mới bị nhà nước bắt hồi cuối năm ngoái vì tội “Tuyên truyền chống nhà nước”.
Khi được chủ tọa hỏi về những điều muốn nói với ông Obama, bà Khánh nói: “Nếu như có Tổng thống [Barack Obama] tại đây, tôi muốn gửi đến Tổng thống rằng xin hãy giúp đỡ cho dân tộc Việt Nam, xin hãy đấu tranh cho Việt Nam có nhân quyền, bởi vì người Việt Nam đã rất là khổ trong nhiều năm, và xin ông hãy có tiếng nói khi mà tới Việt Nam về việc trả tự do cho các tù nhân lương tâm, và tôi mong muốn ông nhấn mạnh tới trường hợp của anh Đài”.
Trong khi đó, dân biểu Cộng hòa Ed Royce, Chủ tịch Tiểu ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, phát biểu rằng “trong khi duy trì hòa bình ở biển Đông và cải thiện quan hệ thương mại là mục tiêu quan trọng chung, chính quyền [của Tổng thống Obama] cần phải chú tâm tới vấn đề trấn áp nhân quyền ở Việt Nam trong khi phát triển mối quan hệ”, và rằng “nhân quyền cần phải nằm đầu trong nghị trình của Tổng thống [Obama]”.
Nhân quyền lâu nay vẫn được coi là một trở ngại lớn trong quan hệ Việt – Mỹ, nhưng quan chức hai nước nhiều lần tuyên bố rằng đôi bên luôn thẳng thắn trao đổi về điều họ nói còn nhiều khác biệt này.
Cuộc điều trần diễn ra một ngày trước khi cộng đồng người Việt ở Mỹ đánh dấu Ngày Nhân quyền cho Việt Nam, 11/5.