Page 1 of 1

Myanmar muốn Mỹ ngưng dùng từ 'Rohingya'

PostPosted: Wed May 04, 2016 7:01 am
by NewsReporter
VOA - Arts and Entertainment

Thành viên của nhóm Phật tử theo chủ nghĩa dân tộc hô khẩu hiệu trong cuộc biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Yangon, phản đối đại sứ quán Mỹ sử dụng từ "Rohingya", ngày 20/4/2016.

Một giới chức thuộc Bộ Ngoại giao Myanmar cho đài VOA biết rằng họ muốn Đại sứ quán Mỹ ngưng dùng từ Rohingya khi nói tới sắc dân thiểu số không được công nhận ở nước họ. Từ trung tâm tin tức Đông Nam Á của đài VOA tại Bangkok, thông tín viên Steve Herman gởi về bài tường thuật sau đây.


Ông Aung Lin, Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Myanmar, nói “Chúng tôi sẽ vui mừng nếu Đại sứ quán ngưng sử dụng từ ngữ này”, và việc tiếp tục sử dụng từ Rohingya “sẽ không có ích cho chúng tôi.”


Mặc dầu vậy, ông Lin nói ông chưa rõ là ngày hôm qua Bộ Ngoại giao có chính thức yêu cầu sứ quán Mỹ ngưng dùng từ ngữ đó hay không.


Hôm nay, sứ quán Mỹ không chịu xác nhận là có sự tiếp xúc về vấn đề này như tường thuật báo chí hay không. Một phát ngôn viên sứ quán ở Yangon nói với đài VOA “Chúng tôi không bình luận về những cuộc thảo luận ngoại giao với chính phủ.”


Tuy nhiên, tại cuộc họp báo ngày 28 tháng 4, Đại sứ Mỹ Scot Marciel bác bỏ gợi ý cho rằng phía Hoa Kỳ không nên dùng từ Rohingya nếu chính phủ Myanmar không dùng từ này. Ông nói rằng Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế có một cách làm việc thông thường là thừa nhận rằng “các cộng đồng ở bất cứ nơi nào đều có thể quyết định họ muốn được gọi bằng tên gì. Và thông thường thì khi chuyện đó xảy ra chúng tôi sẽ gọi họ bằng cái tên mà họ muốn. Đây không phải là một quyết định chính trị mà chỉ là một tập tục thông thường.”


Sứ quán Mỹ đã gặp phải sự chỉ trích của những người Myanmar có chủ trương dân tộc cực đoan từ khi đưa ra thông cáo chia buồn sau vụ chìm tàu ngày 19 tháng 4 làm cho khoảng 40 người Rohingya bị chết đuối.


Tai nạn xảy ra khi những người Rohingya đang đi tới một ngôi chợ và một bệnh viện từ một trại tản cư tại tiểu bang Rakhine ở miền tây.


Thông cáo của sứ quán liên kết thảm kịch này với sự thiếu thốn các dịch vụ cơ bản ở Rakhine mà họ cho là “có thể dẫn tới chỗ các cộng đồng phải đối mặt với sự rủi ro không cần thiết cho tính mạng để cố gắng cải thiện phẩm chất cuộc sống.”


Chính phủ Myanmar cho rằng những người tự gọi là người Rohingya là người Bengla nhập cảnh trái phép.


Myanmar, một nước đại đa số dân chúng theo đạo Phật, đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích vì sự đối xử với người Rohingya. Sắc dân thiểu số này  phần lớn là người theo đạo Hồi, không được cấp quốc tịch và bị tước đoạt nhiều quyền cơ bản của con người.   

 

Nhiều người ở nước ngoài tin rằng tình cảnh của người Rohingya có thể được cải thiện sau khi Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền hồi tháng trước.


Tuy nhiên, một số người khác nêu ra rằng trước khi và sau khi Liên minh Dân chủ Toàn quốc giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội năm ngoái, bà Aung San Suu Kyi và những người phụ tá của bà không ai cho thấy sẽ có những sự thay đổi về chính sách đối với người Rohingya.


Hồi đầu tháng tư, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền, đã dành cho chính phủ dân sự Myanmar 100 ngày để cải thiện điều kiện sống của người Rohingya.



Nhiều người Rohingya đã chạy trốn khỏi Myanmar trong 4 năm qua tiếp theo sau vụ bạo động tôn giáo năm 2012 làm hơn 200 người thiệt mạng.

Nhiều người Rohingya đã chạy trốn khỏi Myanmar trong 4 năm qua tiếp theo sau vụ bạo động tôn giáo năm 2012 làm hơn 200 người thiệt mạng.

Liên Hiệp Quốc đã không ngớt yêu cầu Myanmar cung cấp đầy đủ các quyền cho người Rohingya, những người mà hầu như toàn bộ đã bị tước quốc tịch vào năm 1982, bị mất hầu hết các quyền về giáo dục, quyền hưởng các dịch vụ công cộng và quyền tự do đi lại.


Các cơ quan Liên Hiệp Quốc ước tính 10% người Rohingya đã chạy trốn khỏi Myanmar trong 4 năm qua tiếp theo sau vụ bạo động tôn giáo năm 2012 làm cho hơn 200 người thiệt mạng.


Văn phòng Cứu trợ Liên Hiệp Quốc cho biết ngày hôm qua, một đám cháy xảy ra tại một trại tản cư của người Rohingya ở Sittwe đã thiêu hủy hoặc gây hư hại nặng cho nhà cửa của khoảng 2.000 người.


Ít nhất 14 người bị thương trong vụ hoả hoạn mà nguyên do dường như là một tai nạn trong khi nấu ăn.


Một thông cáo của cơ quan Liên Hiệp Quốc cho biết “các tổ chức ở địa phương và các tổ chức cứu trợ đang giúp giới hữu trách để thỏa mãn những nhu cầu cấp bách về chăm sóc y tế và nơi tạm trú, và trong những ngày tới đây để thẩm định và tìm cách đáp ứng những nhu cầu cứu trợ như lương thực, nước uống, vệ sinh và những nhu cầu cơ bản khác.”