Cuộc điều tra vụ những sinh viên Mexico mất tích không có kế
Một cuộc điều tra độc lập kéo dài cả năm về vụ 43 sinh viên ở Mexico mất tích không xác định được chuyện gì đã xảy ra với những nam thanh niên này, đối mặt với điều mà những nhà điều tra gọi là "những cản trở" của nhà chức trách chính phủ.
Một ban điều tra năm thành viên được bổ nhiệm bởi Ủy ban Liên Châu Mỹ về Nhân quyền (IACHR) - một cánh tự quản của Tổ chức Các Nước Châu Mỹ - công bố báo cáo cuối cùng của mình hôm Chủ nhật, trong vụ việc đã làm chấn động Mexico và thu hút sự chú ý của quốc tế.
Toán điều tra đến thành phố Iguala vào tháng 3 năm 2015, tại bang Guerrero ở miền nam Mexico. Đó là nơi cuối cùng mà những sinh viên này, những người theo học Trường Sư phạm Nông thôn Ayotzinapa, đã được nhìn thấy ở nơi công cộng vào ngày 26 tháng 9 năm 2014. Không có tin tức gì về họ kể từ khi đó.
Theo chính phủ, cảnh sát địa phương đã bắt giữ những sinh viên này sau khi họ cướp xe buýt để đến dự một cuộc biểu tình. Sau đó cảnh sát giao những thanh niên này cho băng đảng ma túy Guerreros Unidos và băng đảng này đã thiêu xác họ trong một bãi rác gần đó.
Nhưng công chúng, đặc biệt là gia đình của những người mất tích, đã nêu nghi vấn về câu chuyện chính thức và biểu tình phản đối điều mà họ gọi là sự thiếu minh bạch trong vụ án.
Tháng 9 năm ngoái, các chuyên gia của IACHR cũng bác bỏ giả thuyết mà chính phủ nêu ra, nói rằng không có bằng chứng khoa học cho thấy một đám cháy rất lớn đã xảy ra tại bãi rác ở thành phố Cocula lân cận.
Báo cáo dài 605 trang công bố hôm Chủ nhật không nói là cảnh sát liên bang và binh lính có dính líu trực tiếp trong vụ mất tích tập thể, nhưng lưu ý rằng họ đã có mặt tại những địa điểm khác nhau đêm hôm đó.
Ban điều tra nói nhà chức trách Mexico cho thấy họ "ít quan tâm" tới việc xúc tiến những hướng điều tra mới, ngăn chặn họ tái phỏng vấn những nghi phạm, và tìm cách làm mất uy tín cuộc điều tra của IACHR. Báo cáo cũng lưu ý rằng một cuộc khảo sát 17 người trong số khoảng 110 nghi phạm bị câu lưu trong vụ án cho thấy có những dấu hiệu họ bị đánh đập.