Các nhà sản xuất thép thế giới kêu gọi Trung Quốc giảm sản l
Hồi đầu tuần này, Hoa Kỳ đã cùng với các nước sản xuất thép hàng đầu thế giới lên tiếng kêu gọi phải nhanh chóng có hành động giảm sản lượng thép toàn cầu vì mức cung vượt mức hiện nay mà hầu hết các nền kinh tế phát triển đều tin là do sản lượng thép quá mức của Trung Quốc gây ra. Thông tín viên Joyce Huang của đài VOA có bài tường trình.
Các nhà phân tích nói rằng áp lực quốc tế có thể chẳng đi đến đâu bởi vì chính phủ Trung Quốc, nước sản xuất phân nửa lượng thép của thế giới, khó có thể chấp nhận rủi ro bất ổn về chính trị và xã hội trong lúc họ tái cân bằng nền kinh tế.
Các phân tích gia nói thêm rằng điều này có thể đẩy mạnh xu thế dùng các biện pháp bảo hộ mậu dịch, chẳng hạn như đánh thuế chống phá giá đối với các nhà sản xuất có sản lượng lớn.
Ông Russell Jones, một chuyên gia về kinh tế vĩ mô và là đối tác của công ty tư vấn Llewellyn Consulting LLP có trụ sở ở London, nhận định:
"Xu hướng can thiệp, theo tôi, là chuyện có thể sẽ diễn ra mạnh hơn. Việc can thiệp có thể vượt xa hơn việc nhà nước nhảy vào các ngành công nghiệp và tiến đến việc dựng một rào cản thuế quan để chặn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc".
Ông Jones đề cập đến quyết định của chính phủ Anh hôm thứ Năm mua lại 25% cổ phần trong chi nhánh ở Anh của công ty thép Tata khi tập đoàn thép của Ấn Ðộ này loan báo kế hoạch rút khỏi đầu tư ở Anh sau khi gặp nhiều khó khăn do thép xuất khẩu giá thấp của Trung Quốc gây ra.
Theo một phát ngôn viên của thủ tướng Anh, nếu chính phủ mua lại cổ phần của công ty này, thì đó chỉ là cổ phần nhỏ, không có quyền chi phối, với “mục tiêu hỗ trợ cho nhà đầu tư dài hạn trong ngành này”.
Kêu gọi hành động
Trước đó, Mỹ, Canada, Liên hiệp Âu châu, Nhật Bản, Mexico, Nam Triều Tiên, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Sĩ ra một thông cáo chung hôm thứ Ba kêu gọi các nước “nhanh chóng” hành động giảm sản lượng thép, một ngày sau khi các nước này không đạt được thỏa thuận đa phương toàn diện cho việc cắt giảm này tại hội nghị giải quyết cuộc khủng hoảng được tổ chức tại Brussels, với sự tham gia của 30 nước, nhưng không có Trung Quốc.
Trong cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker nói với hãng tin NPR rằng cuộc khủng hoảng thép đã kéo giá thép xuống, giảm mức lợi nhuận và làm mất đi 13.000 công việc làm trong năm ngoái.
Tân Hoa Xã chỉ trích hội nghị ở Brussels. Xã luận của hãng thông tấn này nói: “Đổ lỗi cho các nước khác luôn là một cách dễ dàng và chắc thắng mà các chính trị gia dùng để chống lại cơn bão tình hình kinh tế thấp kém ở trong nước, nhưng đổ lỗi và bảo hộ sẽ phản tác dụng”.
Đối với nhiều người, phản ứng phi ngoại giao của hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc sẽ chỉ làm tăng thêm mức độ mâu thuẫn toàn cầu và có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại, mà theo ông Jones thì đó là điều mà không nước nào mong muốn.
"Trung Quốc thực sự không có một hệ thống an sinh xã hội, hay hệ thống bảo hiểm thất nghiệp v.v... những hệ thống được chúng ta sử dụng ở các nền kinh tế phương Tây. Do đó họ sử dụng các doanh nghiệp nhà nước trong nhiều lãnh vực như là một phương tiện thay thế cho hệ thống an sinh xã hội.
Ông Jones nói thêm rằng Trung Quốc sẽ đặt vấn đề ổn định chính trị và xã hội lên ưu tiên hàng đầu và điều đó sẽ quyết định tốc độ tái cơ cấu kinh tế của nước này.