Vụ bê bối tài chính liên quan đến Thủ tướng Malaysia tiếp tục phủ bóng mờ lên thị trường tài chánh và sân khấu chính trị của nước này một năm sau những cáo buộc sử dụng sai mục đích tiền gây quỹ. Thông tín viên Ron Corben của đài VOA từ Bangkok gởi về bài tường trình sau đây.
Sự chú ý đổ dồn vào công ty đầu tư của nhà nước 1Malaysia Development Berhad, gọi tắt là 1MDB, sau khi truyền thông báo chí hồi năm ngoái nêu lên những cáo buộc cho rằng hàng triệu đôla được ký thác vào tài khoản cá nhân của Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak.
Ông Najib nhiều lần tuyên bố không làm gì sai và tổng chưởng lý của Malaysia nói rằng đó là số tiền của hoàng gia Ả Rập Xê-út tặng riêng.
Nhưng hồi tuần trước, một quỹ tài chánh ở Abu Dhabi loan báo rằng công ty 1MDB mất khả năng chi trả khoản nợ 1,1 tỉ đôla cả tiền gốc lẫn lãi.
Rủi ro cho các thị trường tài chánh
Bộ Tài chánh Malaysia nhanh chóng phản hồi là sẽ tôn trọng mọi cam kết trên các thị trường tài chánh liên quan đến quỹ đầu tư này của nhà nước và sẽ “tăng thanh khoản để đáp ứng nhu cầu đó”.
Nhưng theo ông Bill Case, giáo sư môn khoa học chính trị tại Đại học Hong Kong’s City University, thì vụ bê bối này sẽ ảnh hưởng đến ngành tài chánh và cả nền kinh tế Malaysia trong nhiều tháng sắp tới.
"Vụ bê bối của 1MDB thực sự nghiêm trọng và những khoản tiền lớn mà quỹ đầu tư này hình như mất khả năng chi trả trong mấy ngày tới, và nếu chính phủ phải đứng ra bảo đảm thì đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào toàn bộ hệ thống tài chánh của Malaysia. Tình hình đó sẽ tăng thêm áp lực lên đồng Ringgit của Malaysia một lần nữa. Viễn ảnh u ám. Đó mới chỉ là khởi đầu của quá trình vỡ nợ sẽ kéo theo hàng loạt hệ quả".
Logo của công ty 1MDB (1 Malaysia Development Berhad) gần Tháp đôi Petronas, một khu vực phát triển hàng đầu ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.
Giá dầu hỏa và thương phẩm quốc tế giảm trong khi Malaysia là một nước xuất khẩu quan trọng đã khiến đồng Ringgit của nước này mất giá 20% hồi năm ngoái.
Ông Case nhận định rằng kinh tế Malaysia rốt cuộc sẽ mất đi từ 10 đến 20 tỉ đôla, tương đương với 6% GDP; và với “một nền kinh tế có kích cỡ như của Malaysia, thì đó thực sự là một đòn giáng nặng”.
Phe đối lập chia rẽ
Vụ bê bối tài chánh và những cáo buộc này đã khơi ra những lời kêu gọi ông Najib từ chức, cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad hồi đầu năm nay đã đứng về phía đối lập kêu gọi ông Najib từ chức. Ông Mahathir, người đã lãnh đạo Malaysia 22 năm, còn phát động một vụ kiện ông Najib lạm dụng quyền lực.
Nhưng phe đối lập vẫn tiếp tục chia rẽ. Ông Anwar Ibrahim, nhân vật lãnh đạo chính trị của phe đối lập, đang thọ án tù 5 năm vì tội kê gian.
Trong nỗ lực bác bỏ mọi cáo buộc, ông Najib còn tìm cách chống lại các cuộc điều tra của cựu tổng chưởng lý và đã đưa một người trung thành là ông Mohamed Apandi Ali vào giữ chức vụ này. Ông Mohamed hồi tháng 2 đã ra lệnh cho cơ quan chống tham nhũng đóng lại cuộc điều tra thủ tướng.
Nhưng vụ bê bối này đã dẫn đến các cuộc điều tra ở 10 nước - từ Malaysia cho đến Anh quốc, Mỹ và Thụy Sĩ - về những cáo buộc quyên tặng chính trị, chi dùng sai nguyên tắc, rửa tiền và biển thủ.
Trắc nghiệm quyền lực
Chính phủ liên minh đương quyền của ông Najib đang chuẩn bị đối diện với một cuộc trắc nghiệm chính trị quan trọng trong cuộc bầu cử hội đồng lập pháp 82 thành viên của bang Sarawak vào ngày 7 tháng 5 sắp tới.
Thủ tướng Najib tin tưởng vào thủ hiến bang này là ông Adenan Satem sẽ được sự ủng hộ rộng lớn của công chúng để tiếp tục củng cố cho liên minh đương quyền.
Cảnh sát Malaysia mặc thường phục mang một máy vi tính từ công ty 1MDB ra sau cuộc bố ráp ở Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 8/7/2015.
Giáo sư Case nhận định rằng mặc dù vụ bê bối tài chánh đe dọa đến sự ủng hộ của công chúng, đảng đương quyền sẽ vẫn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
"Ông Najib sẽ tiếp tục tại chức. Và ông ấy sẽ giành chiến thắng tại bang Sarawak dễ dàng. Sau đó ông ấy sẽ nói: ‘Quý vị thấy đó, tôi được công chúng Malaysia mến mộ và đây là cách họ thể hiện sự ủng hộ tôi. Đó là điều tôi nhận định rằng ông Najib vẫn tại chức, nhưng kinh tế tiếp tục đi xuống".
Ngân hàng Thế giới hạ ước tính tăng tưởng kinh tế Malaysia trong năm 2016 từ 4,7% xuống 4,6%, do mức tiêu thụ ngoài chính phủ giảm.
Bất chấp tin nói công ty đầu tư 1MDB của nhà nước mất khả năng trả khoản nợ 1,1 tỉ đôla, chủ tịch của công ty tài chánh nhà nước này, ông Aral Kanda, nói với hãng tin Bloomberg rằng sắp có “một giải pháp thân thiện” cho vấn đề này.
Nhưng Ngân hàng Thế giới, trong một nhận xét về nền kinh tế nước này, nói rằng thắt chặt ngân sách và giải quyết các vấn đề chính trị sẽ giúp “trấn an các nhà đầu tư nước ngoài và khắc phục những rủi ro đe dọa nền kinh tế đang tăng cao”.