Page 1 of 1

Nạn lao động trẻ em ở Myanmar có thể trầm trọng hơn vì phát

PostPosted: Wed Apr 20, 2016 8:27 am
by NewsReporter
VOA - Arts and Entertainment

Các số liệu chính thức cho thấy ở Myanmar cứ 5 em trong độ tuổi từ 10 đến 17 là có 1 em phải làm việc kiếm tiền thay vì cắp sách tới trường.

Trong lúc Myanmar bắt đầu thoát khỏi sự trì trệ kéo dài nửa thế kỷ dưới sự cai trị của chính quyền quân nhân, mọi người đang chú tâm theo dõi vấn đề là chính phủ mới sẽ làm như thế nào để bảo vệ khối người dễ bị tổn thương nhất – những em bé phải làm việc thay vì cắp sách tới trường. Theo tường thuật của thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA, Myanmar là một trong những nước bị nạn lao động trẻ em hoành hành dữ dội nhất trên thế giới. 


Cũng giống như các bạn cùng lứa, em Tun Min, 16 tuổi, phải thức dậy thật sớm mỗi ngày để tới một bến cảng ở ngoại ô Yangon lấy cá từ những chiếc tàu rồi mang cá tới một ngôi chợ. Em kiếm được khoảng 8 đô la một ngày, nhưng em hy vọng có được một tương lai tốt đẹp hơn.


Em Min nói: "Ước mơ của em là trở thành một người mua bán cá ở chợ. Em cần có vốn để trở thành một người mua bán cá. Nếu được như vậy em sẽ kiếm được nhiều tiền hơn".


Tun Min đã phải nghỉ học năm 12 tuổi để đi làm kiếm tiền nuôi sống gia đình, sau khi mẹ em ngã bệnh.


Các số liệu chính thức cho thấy ở Myanmar cứ 5 em trong độ tuổi từ 10 đến 17 là có một em phải làm việc kiếm tiền thay vì cắp sách tới trường. Lao động trẻ em được sử dụng trong mọi khu vực kinh tế -- từ các ngành dịch vụ, chế tạo cho tới công nghiệp du lịch; và có mặt ở khắp mọi nơi, từ thành thị cho tới thôn quê.


Nhu cầu lao động ở Myanmar đang trên đà gia tăng vì đầu tư nước ngoài bắt đầu đổ vào, và nhiều người e rằng sẽ có thêm nhiều trẻ em tham gia lực lượng lao động.


Bà May Win Myint, một viên chức cấp cao của Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc, cho biết: "Nếu chúng tôi không thể giải quyết vấn đề này, thì sẽ không có sự phát triển nào ở đất nước chúng tôi bởi vì trẻ em sẽ là những người phục vụ đất nước trong tương lai. Các em cần phải được giáo dục để làm việc đó".


Luật pháp Myanmar cấm trẻ em dưới 13 tuổi làm việc ở các cửa tiệm hoặc công xưởng, và thời gian làm việc bị giới hạn ở mức 4 giờ đồng hồ mỗi ngày, nhưng luật lệ này thường bị phớt lờ. Các tổ chức nhân quyền và những người tranh đấu cho quyền lợi trẻ em muốn có những luật lệ nghiêm khắc hơn và những nỗ lực để giữ cho các em tiếp tục đi học.


Ông Michael Slingby, một viên chức của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, nói: "Tôi nghĩ rằng đó phải là một lãnh vực ưu tiên, nhưng nó cần phải được gộp chung với những chính sách tích cực. Nếu chúng ta tìm cách ngăn cấm lao động trẻ em, sẽ có một mối rủi ro là chúng ta tạo ra tình trạng lao động chui và các em sẽ tiếp tục làm việc khi còn rất nhỏ nhưng với một cách thức ít công khai hơn".


Các nhân vật tranh đấu cảnh báo rằng các nhà đầu tư quốc tế gặp rủi ro là cung cấp ngân khoản cho những dự án mà lao động trẻ em đươc sử dụng ở một nơi nào đó trong giây chuyền cung ứng.