Triển vọng của một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria đã trở nên u ám sau khi một tổ chức đối lập chính rút khỏi những cuộc thảo luận với chế độ Syria và kêu gọi sự giúp đỡ của Nhóm Hỗ trợ Quốc tế cho Syria gồm 17 nước. Tuy nhiên, các nhà phân tích nói Hoa Kỳ và các cường quốc khác thuộc Nhóm Hỗ trợ có thể không có khả năng cần thiết để đưa cuộc đàm phán trở lại đúng hướng. Thông tín viên Pam Dockins của Đài VOA tường thuật từ Bộ Ngoại giao.
Giao tranh giữa các lực lượng được chính phủ Syria yễm trợ và phe nổi dậy đã leo thang trong những tuần lễ gần đây, dù đã có thoả thuận ngưng bắn.
Những vụ đụng độ tiếp tục làm rúng động phe đối lập Syria, là những người cho rằng hầu hết những vụ bạo động là do chế độ Assad gây ra.
Trưởng đoàn thương thuyết của phe đối lập, ông Riyad Hijab, phát biểu như sau:
“Hiện giờ, và qua các phương tiện truyền thông, tôi kêu gọi tiến hành một phiên họp của các bộ trưởng ngoại giao của Nhóm Hỗ trợ Quốc tế cho Syria để xem xét và đánh giá lại những biện pháp nhân đạo đã được cam kết thực hiện và cũng đánh giá thoả thuận ngưng chỉ các hoạt động thù nghịch. Thoả thuận này đã chấm dứt.”
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và các vị bộ trưởng ngoại giao khác của nhóm hỗ trợ đã thực hiện nhiều đợt thảo luận về tiến trình hòa bình Syria. Tuy nhiên Washington công nhận là vẫn còn có những thách thức.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói:
“Tôi không nghĩ là chúng tôi xem những cuộc thảo luận này không phải là điều gì khác hơn là một nỗ lực khó khăn như nó đã luôn luôn được chứng minh trước đây và sẽ tiếp tục được chứng minh là như vậy.”
Tuy nhiên, các nhà phân tích nói Hoa Kỳ và các cường quốc khác sẽ khó lòng làm cho cuộc hoà đàm Syria được hồi sinh, nếu có những sự thay đổi ở thực địa.
Ông Adam Ereli, cựu Đại sứ Mỹ và là một nhà phân tích về chính sách ngoại giao, nói:
“Nếu không có một số thay đổi về quân sự trên thực địa Syria, liệu Tổng thống Bashar al-Assad và những nước ủng hộ ông thấy có cần phải thỏa hiệp hay không? Và cho đến khi họ làm như vậy, thì phe đối lập sẽ không đồng ý để cho một người chịu tránh nhiệm về cái chết của gần nửa triệu người dân Syria tiếp tục nắm quyền.”
Các nhà phân tích cũng nói cả chính phủ lẫn phe đối lập đều không nghĩ rằng họ sẽ được hưởng lợi từ một giải pháp chính trị.
Ông Daniel Serwer, một chuyên gia về chính trị Trung Đông của Đại học Johns Hopkins, nhận định như sau:
“Cả hai phía cần phải được thuyết phục là họ có thể có lợi khi theo đuổi một giải pháp chính trị thay vì tiếp tục cuộc chiến và tôi chắc chắn là chế độ Syria không cảm thấy như thế và tôi cũng e rằng phe đối lập, hay là một bộ phận lớn của phe đối lập, không cảm thấy như vậy.”
Giáo sư Daniel Serwer nói ông không tin hai phía đã tiến đến một “thời điểm chín muồi” để đạt được một thỏa thuận.