Sách nói Donald Trump lôi cuốn cử tri có bộ não 'thời đồ đá'
WASHINGTON—Khi chúng ta bước vào phòng bỏ phiếu, chúng ta buộc bộ não Thời kỳ đồ đá phải chịu đựng các vấn đề của thế kỷ 21, tác giả Rick Shenkman kết luận như vậy trong cuốn sách mới của ông có tên là Political Animal, tạm dịch là Các động vật chính trị.
Ông Shenkman nói sự chênh lệch giữa bộ não Thời kỳ đồ đá của chúng ta và thực tế của thế kỷ 21 đã đặc biệt có lợi cho ông Donald Trump, ứng viên đang dẫn đầu đảng Cộng hòa.
"Tất cả chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta là những sinh vật có lý trí," ông Shenkman nói. Nhưng sau khi dành nhiều thời gian đọc các cuộc nghiên cứu của các nhà tâm lý học tiến hóa, các nhà thần kinh học, các nhà kinh tế học hành vi và nhiều người khác nữa, ông Shenkman kết luận rằng "khi đụng chạm đến chính trị, chúng ta chủ yếu đi theo bản năng."
Những bản năng đó phục vụ chúng ta tốt khi chúng ta chỉ là những người săn bắn hái lượm gắn bó với nhau và sống thành các nhóm nhỏ từ 100 đến 150 người.
Nhưng thế giới đã thay đổi theo rất nhiều cách, và trong nhiều trường hợp, "những gì mà chúng ta trải qua ở Thế Canh Tân không thể so sánh được," ông nói. "Vì vậy, phản ứng có tính bản năng của chúng ta có xu hướng không ăn nhập."
Hay nói cách khác, như phụ đề của cuốn sách, bộ não Thời kỳ đồ đá của chúng ta cản trở nền chính trị khôn ngoan.
Như đã thấy trên TV
Có một cách mà bộ não Thời kỳ đồ đá của chúng ta phản lại chúng ta: Là những sinh vật giao tiếp xã hội cao độ, chúng ta đã tiến hóa để có những mạch trong não chỉ xét đoán khuôn mặt trong tích tắc. Nhưng ông Shenkman nói chúng ta lại tin tưởng quá đáng vào những xét đoán mà chúng ta đưa ra từ các thông tin rất ít ỏi.
Các nhà nghiên cứu đã cho các đối tượng thử nghiệm xem hình ảnh của các ứng viên không quen thuộc và yêu cầu họ đánh giá năng lực của mỗi người. Các đối tượng chỉ được xem những bức ảnh trong chưa đến một giây. Tác giả Shenkman viết: "Ở tốc độ này, con người không đưa ra một phán xét chín chắn. Họ chỉ phản ứng mà thôi."
Mặc dù vậy, ứng cử viên mà các đối tượng đánh giá là có năng lực hơn dựa vào việc chỉ xem qua bức ảnh trong chưa đầy một giây lại là người chiến thắng trong 70% thời gian của cuộc bầu cử thử nghiệm.
Ông Shenkman nói kiểu đánh giá chớp nhoáng đó có thể tạm ổn khi chúng ta đã dành nhiều thời gian hơn với các nhà lãnh đạo của chúng ta và biết rõ. Tuy nhiên, "ngày nay, chúng ta chỉ thấy được người khác trên truyền hình. Chúng ta ngay lập tức đưa ra đánh giá họ là người thế nào, và họ có năng lực gì, cũng như họ có tính cách ra sao dựa trên những gì chúng ta nhìn thấy. Thế nhưng điều đó hết sức hời hợt."
Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump vận động tranh cử ở bắc thành phố Charleston, bang South Carolina, ngày 19 tháng 2, 2016.
Cử tri đã thấy ông Donald Trump trên truyền hình trong nhiều năm. Ông Shenkman cảnh báo, "Chỉ vì chúng ta nhìn thấy ai đó trên truyền hình không có nghĩa là chúng ta biết rõ họ, nhưng bộ não của chúng ta đánh lừa, làm chúng ta nghĩ là chúng ta có biết".
Suy nghĩ mang tính cảm xúc
Ông Shenkman cho rằng hai cảm xúc sơ khai - giận dữ và sợ hãi - đang dâng cao trong các cử tri Mỹ. Cả hai cảm xúc này đểu gây trở ngại cho việc đưa ra quyết định hợp lý. Và cả hai đều có lợi cho ông Trump.
Ông Shenkman nhận xét sự sợ hãi đối với người ngoài là một lợi thế cho tổ tiên chúng ta. Ông nói "Vào Thời kỳ đồ đá, khi bạn không thể tin tưởng người nào ngoài cộng đồng của bạn, đó là một bản năng rất có thể cứu mạng sống của bạn."
Các xã hội hiện đại hầu hết không chú ý đến bản năng đó. Nhưng "có những lúc người ta cảm thấy dễ bị tổn thương" - như khi họ có một nền kinh tế u ám và mối đe dọa về khủng bố - "thì đó chính là lúc cơ chế đã tiến hóa từ thời cổ đại đó thể được kích hoạt." Theo ông Shenkman, ông Trump đang bấm nút kích hoạt sự sợ hãi cổ đại đó bằng những đề nghị trục xuất hàng triệu người và cấm nhập cư người Hồi giáo.
Sự giận dữ là một chủ đề phổ biến trong cuộc bầu cử năm nay. Ông nêu nhận xét "khi tức giận, người ta trở nên có đầu óc hẹp hòi."
Ông Shenkman dẫn ra một nghiên cứu trong đó các đối tượng đọc bản tin được bịa ra về một chủ đề gây tranh cãi. Người ta cũng cho họ các đường link để đọc thêm về chủ đề. Những người đã bị bản tin làm cho giận dữ đã không nhấp chuột tiếp vào các đường link. "Họ không muốn biết gì thêm nữa," ông nói.
Bộ não trong thế phấn chấn
Và một khi người ta đã có định kiến thì rất khó có thể thay đổi, ngay cả khi các dữ kiện có thật được trưng ra. Ông Shenkman nói điều đó có thể có ích cho tổ tiên chúng ta, khi các niềm tin của chúng ta đã giúp hình thành bản sắc về nhóm của chúng ta. Nhưng điều đó lại không tốt cho việc đưa ra quyết định hợp lý.
Người ủng hộ Donald Trump diễu hành một con voi mang tên ông ta trước một buổi vận động ở Sarasota, bang Florida, ngày 28 tháng 11, 2015.
Trong một thí nghiệm làm mọi người ngỡ ngàng, các nhà nghiên cứu đưa các đối tượng thử nghiệm vào máy quét não và cho họ thấy bằng chứng rõ ràng rằng ứng viên yêu thích của họ đã có các tuyên bố đạo đức giả.
Điều đó làm cho họ khó chịu. Nhưng nó đã không thay đổi suy nghĩ của họ. Trên thực tế, ông nói, "bộ não của họ ngay lập tức rơi vào chế độ phấn chấn," hoạt động tích cực để giảm đi thông tin mới và chặn những cảm xúc khó chịu mà nó đã kích hoạt. Khi trí não của họ đẩy bật các dữ kiện gây khó chịu, họ đã được đền đáp với một lượng serotonin tăng vọt tạo cảm giác dễ chịu.
Điều mà họ đã không làm đưa ra những đánh giá độc lập, hợp lý có thể làm họ thay đổi ý kiến. Tiếc thay, "đó là điều đối lập của lý trí," ông Shenkman nhìn nhận. Trong một nền dân chủ, đó là một vấn đề.
Cuộc cách mạng cử tri
Ông nói điều đáng mừng là "nếu bạn nhận thức được về tất cả những cách khác nhau mà bô não của chúng ta đánh lừa chúng ta, thì ít ra bạn có thể tự mình nhận ra khi nào bạn đang có một phản ứng mang tính bản năng," và bạn có thể bắt đầu cố gắng chống lại điều đó.
Cũng giống cách mà cuộc cách mạng tiêu dùng thời những năm 1960 và 70 nâng cao nhận thức về việc những nhà tiếp thị có các thủ thuật lừa chúng ta mua hàng ra sao, "giờ đây chúng ta cần một cuộc cách mạng cử tri," ông nói, "để chúng ta bắt đầu phỏng đoán có cơ sở hơn về phản ứng cơ bản và tức thời của chúng ta đối với các yếu tố kích thích."
Ông Shenkman nêu ra một gợi ý để tư duy cởi mở hơn: "Nếu bạn thấy mình ở trong nhóm nhỏ gồm những người có suy nghĩ giống nhau và thân nhau, hãy rời nhóm và bắt đầu nói chuyện với những người có ý tưởng khác." Chúng ta phải chống lại bản năng chỉ muốn gắn bó với bộ lạc của chúng ta.
Đó là lời khuyên tốt, theo giáo sư Matt Motyl chuyên về tâm lý học và khoa học chính trị tại Đại học Illinois ở Chicago. Ông Motyl đang nghiên cứu cách để loại trừ sự thù hận khỏi các cuộc tranh luận nhiều bất đồng. Nhưng ông nói đó vẫn là một công việc còn đang diễn tiến.
Ông nói, "Ngay lúc này, tôi không nghĩ rằng có nhiều bằng chứng để có thể nói đã có cách khắc phục được những lối tư duy kiểu Thời kỳ đồ đá này.”