Một toán nhân viên điều tra Liên Hiệp Quốc phát giác điều mà họ gọi là những hành vi tàn ác tràn lan mà nhiều nhóm vũ trang ở Libya đã thực hiện mà không sợ bị trừng phạt. Từ Văn phòng Cao ủy trưởng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneve, thông tín viên Lisa Schlein của đài VOA gởi về bài tường thuật.
Toán điều tra gồm 5 người của Liên Hiệp Quốc cho biết họ đã thu thập rất nhiều thông tin và bằng chứng về những vụ vi phạm nhân quyền trắng trợn ở Libya từ hàng trăm nạn nhân và nhân chứng.
Các nhà điều tra nói những nhóm vũ trang về phe hai chính phủ kình chống nhau, nhiều nhóm độc lập, và các phần tử hiếu chiến của nhóm Nhà nước Hồi giáo đã thực hiện vô số những hành vi tàn ác, trong đó có nhiều hành vi cấu thành tội ác chiến tranh.
Bản phúc trình của toán điều tra công bố ngày 25 tháng 2 mô tả những vụ giết người bừa bãi, trong đó có những vụ xử tử những người bị bắt. Văn kiện này ghi nhận những vụ tấn công bừa bãi nhắm vào các cơ sở y tế, xe cứu thương và nhân viên y tế. Bản phúc trình nói rằng tra tấn, bắt giam tuỳ tiện, bắt cóc và thủ tiêu là những việc xảy ra trên diện rộng.
Những vấn đề khác gây lo ngại cho các giới chức nhân quyền Liên Hiệp Quốc là bạo động và kỳ thị nhắm vào phụ nữ, hăm doạ nhà báo và những người tranh đấu cho nhân quyền, bắt trẻ em đi lính, và bóc lột những người di dân.
Ông Gurdip Sangha, một viên chức thuộc Văn phòng Cao uỷ trưởng Nhân quyền, cho biết bản phúc trình này trình bày rất cặn kỹ những vụ vi phạm nhân quyền.
Ông Sangha nói: "Các bạn sẽ đọc những câu chuyện mà các nạn nhân và những người mục kích thuật lại với những từ ngữ rất trung thực. Những người bị trùm đầu bắt đi từ nhà của họ, bị bắt cóc và bị hành hung, bị tra tấn và bị mang vất như một miếng giẻ. Những người di dân bị ngược đãi một cách hết sức tàn nhẫn."
Thiệt hại sau các cuộc đụng độ giữa lực lượng dân quân và phiến quân Hồi giáo Libya ở Benghazi, Libya, ngày 29/10/2014.
Ông Sangha cho biết những vụ chà đạp nhân quyền và những tội phạm đó xảy ra trong một môi trường mà những người phạm tội không sợ bị trừng phạt. Ông nói hệ thống tư pháp ở Libya bị sụp đổ, trong đó các vị thẩm phán và công tố viên thường xuyên bị bắt cóc và bị giết hại trong lúc các toà án không ngớt bị đánh bom.
Ông Sangha phát biểu: "Một số những vụ tấn công đó có liên hệ tới việc bắt giam hoặc phóng thích những cá nhân hoặc để cản trở việc phóng thích hoặc truy tố những người trong nhóm của họ. Và rốt cuộc, những hành động đó đã mang lại kết quả mà họ muốn. Không có vụ truy tố nào nhắm vào các toán vũ trang, những nhân vật lãnh đạo các nhóm vũ trang và có rất ít những vụ điều tra nhắm vào những người cầm đầu các nhóm vũ trang hoặc các thành viên của những hóm vũ trang."
Bản phúc trình đề nghị thực hiện ngay những hành động để ngăn chặn sự lan tràn của các nhóm vũ trang ở Libya. Văn kiện này nói thêm rằng những người vi phạm hay chà đạp nhân quyền không nên được tuyển mộ vào các lực lượng vũ trang.