Sau nhiều thập niên tăng trưởng vững vàng nhờ sự thúc đẩy của công nghiệp dệt may, Cambodia đang tìm cách chuyển nền kinh tế đất nước sang việc sản xuất nhẹ tinh vi hơn, chẳng hạn như điện tử và phụ tùng xe hơi. Đa số các nhà sản xuất đều là Nhật Bản và họ đang nhắm mục tiêu thành lập một trung tâm khác trong hệ thống cung ứng.
Tại nhà máy này, nằm trong đặc khu kinh tế ở ngoại thành Phnom Penh, công nhân sản xuất các khuôn kim loại dùng để tồn trữ và chuyên chở phụ tùng xe hơi. Những giỏ bằng thép không rỉ, định gửi qua Nhật Bản, thuộc vào một hệ thống cung ứng lớn hơn giữa các nước Á châu.
Chính trong thể loại sản xuất tinh vi này, một loại hình đòi hỏi kỹ năng lớn hơn và đưa tới lương bổng cao hơn, chính phủ Cambodia đang tìm cách thu hút để cố giảm thiểu việc lệ thuộc vào ngành sản xuất hàng dệt may.
Được thúc đẩy bởi liên hệ ngày càng tăng trong khu vực và cơ sở hạ tầng được cải thiện của Cambodia, một số các nhà sản xuất phụ tùng xe hơi và hàng điện tử, như Nikko-Kinzoku, đã lập cơ sở tại nước này.
Quản đốc nhà máy Yoshiyuki Sato cho biết các nhà sản xuất Nhật Bản đang đi tìm những chọn lựa khác so với những trung tâm sản xuất truyền thống ở châu Á, như Trung Quốc, nơi chi phí lao động đang tăng cao.
Ông Yoshiyuki Sato giải thích: “Nếu chúng ta tập trung vào châu Á, Thái Lan cũng hơi đắt đỏ.”
Sau mấy chục năm nội chiến, tăng trưởng mạnh trong công nghiệp dệt may Cambodia, phối hợp với các khu vực nông nghiệp và du lịch, đã dẫn tới việc nước này trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.
Ông Mey Kalyan, một cố vấn cấp cao trong chính phủ, cho rằng muốn nền kinh tế tiếp tục con đường tăng trưởng, ngành sản xuất phải đa dạng hóa và bước vào việc sản xuất tinh vi hơn.
Ông Kalyan nói: “Nay ta đang ở trong giai đoạn mà chúng ta phải tiến lên một bước cao hơn. Nó sẽ lệ thuộc vào hàng dệt may, sẽ lệ thuộc vào nông nghiệp, sẽ lệ thuộc vào du lịch, nhưng chỉ thế không thôi chưa đủ. Ta phải tiến lên cao hơn.”
Tuy nhiên, phải có thời giờ mới phát triển được.
Một cuộc thăm dò của Ngân hàng Phát triển Á châu về ngành sản xuất, công bố năm ngoái, cho thấy tham nhũng, mức độ kỹ năng thấp, và giá điện cao không ổn định vẫn gây trở ngai cho công cuộc làm ăn.
Nhưng bất kể cạnh tranh từ phía các khu vực sản xuất trưởng thành hơn ở các nước lân cận như Thái Lan và Việt Nam, các kinh tế gia như ông Chan Sophal tỏ ý lạc quan rằng Cambodia có thể đóng một vai trò chính trong hệ thống cung ứng khu vực.
Ông Sophal nói: “Phương pháp công nghiệp của các nhà sản xuất lớn là họ theo một đường lối tập trung, để họ có thể có phụ tùng sản xuất ở Thái Lan, nhưng một số được sản xuất ở Cambodia, một số ở Việt Nam. Họ biết cách cắt đặt các nhà máy để tận dụng vị trí và các điều kiện.”
Bất kể các số liệu tăng trưởng gây nhiều ấn tượng, Cambodia vẫn còn là một trong những nước nghèo nhất ở châu Á. Các nhà quyết định chính sách sẽ cần phải đảm bảo cắt bớt thủ tục quan liêu và làm cho môi trường luật lệ ổn định nếu đất nước này muốn một này nào đó trở thành một trung tâm sản xuất chính ở châu Á.