Việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ khiến Việt Nam phải có trách nhiệm hơn với người lao động “không đủ lời ăn, tiếng nói” và có nghĩa vụ cho phép thành lập công đoàn đối lập với liên đoàn lao động của nhà nước, giới quan sát nhận định.
Đại diện thương mại của 12 quốc gia hôm nay đã ký kết TPP ở New Zealand, kết thúc nhiều năm đàm phán cam go về hiệp định đầy tham vọng này.
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng là người đặt bút ký vào thỏa thuận mà có tờ báo trong nước coi là “nền tảng cho thương mại thế kỷ 21”.
Ông Hoàng được trích lời nói rằng việc ký kết một “hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao” như TPP “có thể coi là cột mốc lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế” của Việt Nam.
Nhận định về diễn biến mới nhất này, kinh tế gia Lê Đăng Doanh cho VOA Việt Ngữ biết rằng ông đánh giá cao việc Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết TPP. Ông giải thích lý do:
“Đây là một hiệp định có rất nhiều yêu cầu, không những chỉ về thương mại mà còn về những hành xử, và quy định của chính phủ đối với người lao động và thủ tục hành chính. Với việc ký kết TPP như vậy là đã cam kết về nghĩa vụ đối với người lao động, về việc thành lập công đoàn độc lập, và về công khai, minh bạch các quy định pháp luật, cũng như là trách nhiệm chống tham nhũng. Điều đó đòi hỏi Việt Nam phải tích cực cải cách để thực hiện các cơ hội mà TPP mở ra. Hai động lực, tức là cải cách thể chế và tăng cường xuất khẩu, tạo thêm công ăn việc làm, sẽ thúc đẩy quá trình phát triển ở Việt Nam.”
Sau lễ ký kết, trong hai năm tới, thỏa thuận này sẽ phải được quốc hội từng nước thành viên phê chuẩn trước khi có hiệu lực.
Theo nhận định của giới quan sát, trong số các quốc gia tham gia TPP, có lẽ Việt Nam là nước trong đó công chúng ủng hộ mạnh mẽ nhất hiệp định được cho là sẽ cắt giảm thuế quan và thiết lập các tiêu chuẩn mậu dịch cho các quốc gia tham gia này.
Giống như nhận định của nhiều nhà phân tích kinh tế ở Việt Nam, ông Doanh cho biết TPP “chắc chắn sẽ được thông qua”. Ông nói thêm:
“Hội nghị 14 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trước thềm của Đại hội 12, đã thảo luận và thông qua rồi giao cho chính phủ trình ra quốc hội để thông qua. Tôi hy vọng rằng quá trình đó sẽ diễn ra sớm. Hiện nay thì Bộ Công thương đang tiến hành việc phiên dịch, chuyển ngữ hiệp định đó với rất nhiều thuật ngữ phức tạp. Sau khi chuyển ngữ, thì sẽ được Bộ Ngoại giao và một số chuyên gia xem xét thêm để rồi trình ra quốc hội bởi vì không phải ai cũng dễ dàng hiểu được nội dung cũng như tác động của các thuật ngữ mà đã sử dụng trong TPP.”
Người biểu tình tuần hành đến địa điểm ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương tại Auckland, New Zealand, ngày 4/2/2016.
Trong khi TPP được dự báo sẽ dễ dàng được thông qua tại Quốc hội Việt Nam, thỏa thuận thương mại tự do này được cho là sẽ tiếp tục vấp phải nhiều trở ngại tại Quốc hội Mỹ.
Nhiều nhà lập pháp của Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại về TPP vì lo ngại công ăn việc làm của người Mỹ sẽ rơi vào tay người dân các nước khác, cũng như quan ngại về vấn đề quyền lợi của người lao động ở nhiều nước tham gia TPP, trong đó có Việt Nam.
Nhận định về vấn đề công đoàn độc lập trong TPP, nhà hoạt động xã hội thúc đẩy quyền lợi của công nhân, bà Đỗ Thị Minh Hạnh, nói:
“Những điều khoản TPP đã mở ra một thế giới mới cho các liên đoàn độc lập tại Việt Nam, những công đoàn độc lập tại Việt Nam, cho các công nhân, những người thấp cổ bé họng, người ta không thể nào đủ lời ăn, tiếng nói để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người ta, trong khi các cơ quan chức năng như Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hay những công đoàn của công ty thì thường đứng về phía giới chủ.”
Tuy nhiên, theo bà Hạnh, công cuộc đấu tranh cho quyền lợi của công nhân của các tổ chức công đoàn độc lập ở Việt Nam vẫn còn dài, và “những điểm tốt đẹp về nghiệp đoàn trong TPP vẫn chưa nói lên được điều gì”.
Ngoài vấn đề công đoàn độc lập, thỏa thuận mậu dịch lớn nhất trong nhiều thập kỷ mà Hà Nội và 11 đối tác mới ký kết mang lại hy vọng về khả năng Việt Nam sẽ thoát khỏi cái bóng của nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc.