Page 1 of 1

Tổng thống Obama đề cao ngoại giao sau những diễn biến lịch

PostPosted: Sun Jan 17, 2016 3:44 pm
by NewsReporter
VOA - Arts and Entertainment

Tổng thống Barack Obama phát biểu về sự kiện Iran phóng thích năm người Mỹ trong Phòng Nội các của Tòa Bạch Ốc ở Washington, ngày 17 tháng 1, 2016.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng nhờ "ngoại giao mạnh mẽ của Mỹ" mà đạt được những thành tựu cột mốc mới với Iran trong khoảng thời gian 24 giờ qua, bao gồm sự xác nhận rằng Tehran đã kiềm chế đáng kể chương trình hạt nhân của mình, phóng thích những tù nhân Mỹ và giải quyết một tranh chấp tài chính kéo dài 30 năm qua.


Tổng thống phát biểu vào Chủ nhật sau khi nhận được sự xác nhận rằng cả năm người Mỹ được Iran trả tự do đã rời khỏi nước này.


"Hôm nay là một ngày tốt lành," ông Obama phát biểu trên truyền hình toàn quốc. Sau khi sử dụng biện pháp ngoại giao để giao tiếp trực tiếp với Iran "Chúng ta đã nhìn thấy kết quả," ông nói.


Vào ngày thứ Bảy, Hoa Kỳ và năm cường quốc thế giới khác đã dỡ bỏ những chế tài đối với Iran sau khi một báo cáo của cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc nói rằng Tehran đã hoàn thành những cam kết cắt giảm chương trình hạt nhân của mình.


Việc dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt cho phép Iran tiếp cận nguồn tiền từ 50 đến 100 tỉ đôla, theo những quan chức cao cấp của chính quyền.


Mỹ cho biết Iran đã loại bỏ hai phần ba số máy ly tâm tinh chế uranium, vận chuyển ra nước ngoài hơn 98 phần trăm nguồn dự trữ uranium được tinh chế và sẽ phải chịu những cuộc thanh sát và sự tiếp cận chưa từng có đối với chương trình hạt nhân của mình. Nếu Iran tìm cách bí mật chế tạo một quả bom, "chúng ta sẽ phát giác ngay," Tổng thống nói. "Khu vực này, Hoa Kỳ, và thế giới sẽ an toàn hơn."


Các kênh liên lạc


Quá trình ngoại giao lâu dài và khó khăn để thương thuyết thỏa thuận hạt nhân với Iran đã mở ra những kênh liên lạc lần đầu tiên trong nhiều thập niên qua và những cơ hội mới cho hai quốc gia giao tiếp về những vấn đề trọng yếu khác, theo lời giới chức cao cấp của chính quyền.


Mối quan hệ ngoại giao được thiết lập giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người tương nhiệm của Iran Javad Zarif trong những cuộc đàm phán hạt nhân được cho là đã góp phần đưa tới việc phóng thích nhanh chóng những thủy thủ của Mỹ bị Iran câu lưu ở Vịnh Ba Tư vào tuần trước.


Sự giao tiếp lịch sử này cũng dẫn tới việc phóng thích năm người Mỹ bị Iran giam giữ một cách bất công, Tổng thống Obama nói.


"Sau khi hoàn tất thỏa thuận hạt nhân, các cuộc thảo luận giữa chính phủ hai nước chúng ta đã tăng tốc," ông Obama nói, tạo điều kiện cho việc phóng thích những tù nhân Mỹ trong một cuộc trao đổi tù nhân vào ngày thứ Bảy.



Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói chuyện với Ngoại trưởng Iran Javad Zarif ở Vienna, ngày 16 tháng 1, 2016.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói chuyện với Ngoại trưởng Iran Javad Zarif ở Vienna, ngày 16 tháng 1, 2016.

Những cựu tù nhân bao gồm Jason Rezaian, một ký giả của báo The Washington Post; Saeed Abedini, mục sư ở bang Idaho bị giam cầm hơn ba năm nay; cựu trung sĩ Thủy quân lục chiến Amir Hekmati ở bang Michigan bị giam cầm hơn bốn năm nay; Nosratollah Khosravi-Roodsari, và sinh viên Matthew Trevithick.


Đổi lại, Mỹ khoan hồng sáu người Mỹ gốc Iran và một công dân Iran đang chờ xét xử về cáo buộc vi phạm những chế tài thương mại của Mỹ nhắm vào Iran.


Mỹ và Iran sẽ tăng cường phối hợp trong việc tìm kiếm Robert Levinson, người đã bị mất tích ở Iran hơn tám năm qua.


Sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran được thực thi và tù nhân được phóng thích, ông Obama cho biết hai nước đã dàn xếp một yêu cầu bồi thường của chính phủ Iran đối với Mỹ có từ hơn ba thập niên nay. Giới chức cao cấp của chính quyền nói rằng sự dàn xếp này có thể tiết kiệm hàng tỉ đôla cho Mỹ.


Tổng thống cũng trực tiếp phát biểu tới người dân Iran. Ông nói: "Nền văn minh của các bạn là một nền văn minh vĩ đại." Nhưng trong nhiều thập niên qua Iran đã gây mất ổn định khu vực và cô lập mình khỏi phần lớn thế giới. "Sau thỏa thuận hạt nhân, các bạn - đặc biệt là những người Iran trẻ tuổi - có cơ hội để bắt đầu xây dựng mối quan hệ mới với thế giới."


Chế tài mới


Cũng hôm Chủ nhật, Bộ Tài chính Mỹ áp đặt những chế tài mới nhắm vào năm cá nhân và một số công ty vì có liên hệ tới chương trình phi đạn đạn đạo của Tehran.


"Thỏa thuận hạt nhân không bao giờ có chủ định giải quyết tất cả những khác biệt của chúng ta với Iran," Tổng thống nói. "Chúng ta sẽ tiếp tục thực thi những chế tài một cách quyết liệt," ông nói thêm về những biện pháp trừng phạt phi đạn.


Trước đó hôm Chủ nhật, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói nước Cộng hòa Hồi giáo này đã bước vào một "chương mới" trong lịch sử của mình trong một bài phát biểu ca ngợi việc dỡ bỏ những chế tài của quốc tế hôm Chủ nhật đối với những hoạt động hạt nhân của Iran.


Một quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ hôm Chủ nhật nói rằng Mỹ tiếp tục có "những khác biệt sâu sắc" với Iran về sự hỗ trợ của nước này đối với những kẻ khủng bố, những hành động gây mất ổn định trong khu vực, những vi phạm nhân quyền và cách thức chấm dứt cuộc chiến ở Syria.


Các cường quốc thế giới đang tổ chức những cuộc hội đàm tại Vienna về việc làm thế nào để chấm dứt chiến tranh và mang lại một tiến trình chuyển tiếp chính trị tại Syria. Mỹ và Iran vẫn chia rẽ sâu sắc về việc liệu Tổng thống Syria Bashar al-Assad có đóng bất kỳ vai trò nào trong tương lai chính trị của Syria hay không. Mỹ tin rằng chiến tranh sẽ không kết thúc chừng nào ông Assad vẫn còn nắm quyền.