Page 1 of 1

Căng thẳng gia tăng ở biên giới Nam-Bắc Triều Tiên sau vụ nổ

PostPosted: Fri Jan 08, 2016 10:01 am
by NewsReporter
VOA - Arts and Entertainment

Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (trái) nhận món quà sinh nhật không mong muốn là chương trình phát thanh qua loa phóng thanh từ phía Nam Triều Tiên.

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un nhận một món quà sinh nhật gây bực bội trong ngày 8/1, khi Nam Triều Tiên thực hiện lại chương trình phát thanh qua loa phóng thanh dọc theo biên giới để phê phán chính quyền Bình Nhưỡng. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA tại Seoul, quân đội Bắc Triều Tiên đã phản ứng bằng cách gia tăng số binh sĩ tiền tiêu và các lực lượng của miền Nam đang được đặt trong tình trạng báo động cao.


Việc Nam Triều Tiên thực hiện lại chương trình phát thanh qua một loạt những tháp gắn loa phóng thanh trong vùng phi quân sự chia đôi hai miền Triều Tiên đang làm gia tăng mối rủi ro xảy ra xung đột quân sự với Bắc Triều Tiên.


Chính phủ Anh hôm 8/1 kêu gọi Nam Triều Tiên chớ khởi động lại các chương trình phát thanh ngõ hầu những mối căng thẳng ở biên giới không gia tăng thêm nữa.


Theo tin của hãng Yonhap của Nam Triều Tiên, xế ngày hôm 8/1, Bắc Triều Tiên đã đáp trả bằng cách bắt đầu chương trình phát thanh qua loa phóng thanh của họ.


Tháng 8 năm ngoái, Nam Triều Tiên thực hiện lại chương trình phát thanh này lần đầu tiên trong vòng 11 năm để trả đũa cho việc Bắc Triều Tiên gài mìn trong vùng phi quân sự làm cho binh sĩ miền nam bị thương. Sau đó đôi bên đã pháo kích qua lại và ông Kim Jong Un tuyên bố “tình trạng chuẩn chiến tranh”. Tuy nhiên, một vụ xung đột lớn hơn đã không xảy ra khi đôi bên đồng ý chấm dứt những sự khiêu khích và hợp tác với nhau để thực hiện những chương trình giao lưu và tổ chức những cuộc xum họp cho các gia đình bị ly tán vì cuộc chiến Triều Tiên.


Chiến tranh tâm lý


Nam Triều Tiên cho biết họ thực hiện chương trình phát thanh để trả đũa cho vụ thử nghiệm hạt nhân mới đây của Bình Nhưỡng mà họ cho là vi phạm thỏa thuận hồi tháng 8.


Các giới chức Nam Triều Tiên nói rằng nội dung chương trình phát thanh bao gồm tin tức và nhạc thịnh hành, nhưng có tin cho biết trong đó còn có phần bình luận phê phán các chính sách và những hành vi của nhà lãnh đạo độc tài ở miền Bắc.


Trong chương trình phát thanh hôm 8/1, một xướng ngôn viên Nam Triều Tiên nói rằng vụ thử nghiệm hạt nhân của miền Bắc đã bị các nước trên khắp thế giới chỉ trích và làm cho căng thẳng leo thang.


"Vụ thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên là một vụ việc rất nghiêm trọng. Nó có thể làm cho bán đảo Triều Tiên và mối quan hệ Liên Triều lâm vào tình trạng khủng hoảng".


Chế độ Kim Jong Un xem những chương trình phát thanh này là có tính chất khiêu khích cao độ và là một phần của cuộc chiến tranh tâm lý.


Bắc Triều Tiên kiểm soát truyền thông trong nước rất gắt gao và mô tả nhà lãnh đạo trẻ tuổi của họ không khác gì một vị thần, mặc dù trong những năm gần đây những thông tin bên ngoài đã lan truyền vào Bắc Triều Tiên mỗi ngày một nhiều thông qua đường biên giới khó kiểm soát với Trung Quốc.


Quân đội Nam Triều Tiên hôm 8/1 cũng tăng mức cảnh báo về an ninh mạng. Các nhà máy điện hạt nhân của Nam Triều Tiên trong quá khứ đã bị tin tặc Bắc Triều Tiên tấn công.


Năm ngoái, Hoa Kỳ đã áp đặt thêm các biện pháp chế tài Bắc Triều Tiên sau khi tố cáo Bình Nhưỡng thực hiện một vụ tấn công mạng qui mô lớn nhắm vào hãng phim Sony vì họ cho rằng công ty này ủng hộ cuốn phim The Interview chế giễu ông Kim Jong Un.


Không có nhiều lựa chọn


Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye hôm 8/1 nói Seoul đang thực hiện những biện pháp mạnh mẽ chống lại Bắc Triều Tiên thông qua sự phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế.


Tuy nhiên, Seoul không có nhiều sự lựa chọn khi muốn trừng phạt Bình Nhưỡng về mặt kinh tế. Năm 2010, Nam Triều Tiên đã đình chỉ hầu hết những hoạt động mậu dịch và các chương trình viện trợ cho Bắc Triều Tiên sau khi tố cáo Bình Nhưỡng đánh chìm một chiến hạm của miền Nam làm cho 46 binh sĩ hải quân bị thiệt mạng. Bắc Triều Tiên nói rằng họ không hề dính líu gì tới vụ tấn công đó.


Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên hôm 8/1 nói rằng lần này họ sẽ không đóng cửa khu công nghiệp Kaesong, nơi khoảng 120 công ty Nam Triều Tiên tuyển dụng khoảng 53.000 công nhân Bắc Triều Tiên.


Ông Jeong Joon Hee, phát ngôn viên Bộ Thống nhất, cho biết:


"Vào lúc này chúng tôi chưa thể nói là chúng tôi có chuẩn bị đóng cửa khu công nghiệp hoặc rút người về hay không".


Hoa Kỳ đang vận động cho những chế tài mạnh mẽ hơn của Liên Hiệp Quốc nhắm vào hai lãnh vực thương mại và tài chánh của Bắc Triều Tiên, và không cho một số tàu bè của Bắc Triều Tiên cập bến các nước trên thế giới.


Các biện pháp chế tài quốc tế phải có sự tán thành của Trung Quốc, nước hỗ trợ kinh tế chính của Bắc Triều Tiên, mới có thể phát huy tác dụng.


Hôm 7/1, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã nói với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị là Bắc Kinh nên có một lập trường cứng rắn hơn để chống lại Bắc Triều Tiên.


"Tôi đã nói rất rõ là cách đối phó đó không hữu hiệu và chúng ta không thể tiếp tục làm như vậy".


Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể gây ra một sức ép mạnh mẽ và cấp thời bằng cách ngưng cung cấp viện trợ và đình chỉ những hoạt động thương mại ở biên giới.


Ông Ahn Chan Il, chuyên gia của Viện Thế giới Nghiên cứu Bắc Triều Tiên, nhận định:


"Trung Quốc cần phải khóa đường ống dẫn dầu hoặc chặn đứng dòng chảy của hàng hóa vào Bắc Triều Tiên".


Tuy nhiên, Bắc Kinh không muốn áp dụng những biện pháp kịch liệt vì e rằng tình hình ở biên giới có thể bị bất ổn. Mặc dù đã lên án vụ thử nghiệm hạt nhân mới đây của Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh vẫn chưa cho biết họ có tán đồng những chế tài mạnh hơn hay không.


Một nhật báo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc hôm 8/1 cho đăng một bài bình luận chỉ trích điều họ gọi là “chính sách thù địch” của Nam Triều Tiên, Hoa Kỳ và Nhật Bản đối với Bắc Triều Tiên. Bài viết này cho rằng chỉ dựa vào việc gây áp lực không thôi thì không đủ để làm cho Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân.