Người tị nạn ở Hong Kong trong tình trạng pháp lý bấp bênh
Cuộc khủng hoảng tại Syria đã làm phát sinh những cuộc tranh luận tại châu Âu và Hoa Kỳ về việc phải làm gì với hàng triệu người chạy trốn bạo động và vi phạm nhân quyền tại Trung Đông. Tuy nhiên sự thống khổ của những người tị nạn chưa ảnh hưởng đến châu Á. Trong khi Hong Kong ít nhất là nơi tạm trú của hàng ngàn người tị nạn, chỉ có một người Syria được biết là đã nạp đơn xin cư ngụ tại thành phố này. Thông tín viên Shannon Van Sant của đài VOA tường thuật từ Hong Kong.
Trong số hơn 4 triệu người rời bỏ Syria, chỉ có 1 người đến Hong Kong. Theo tờ South China Morning Post, một người Syria đã yêu cầu được cấp tình trạng tị nạn và được bảo vệ khỏi bị tra tấn tại quê nhà. Ông Roland Vogt, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường đại học Hong Kong nói tương đối có ít người đến Hong Kong xin tị nạn.
“Số người tị nạn đến đây rất giới hạn, và trong số những người này thì con số những người được dành cho qui chế tị nạn rất nhỏ. Một phần là vì Hong Kong nằm xa những điểm nóng làm phát sanh con số đông đảo các người tị nạn trong những năm qua, nhưng nó cũng cho thấy chính sách nghiêm nhặt của Hong Kong.”
Hơn 10.000 người xin tị nạn đang sinh sống tại Hong Kong, nhưng hầu hết đều ở trong tình trạng pháp lý bấp bênh. Hong Kong không bị ràng buộc bởi Công ước Người tị nạn năm 1951, nhưng bị ràng buộc bởi Công ước chống Tra tấn. Điều này có nghĩa là chính quyền thành phố này không thể trục xuất những người có nguy cơ bị tra tấn tại những nước họ đào thoát. Tiến trình để có được một quyết định về tình trạng tị nạn có thể phải mất vài năm, và đa số những người này không thể được cấp qui chế tị nạn, không có quyền làm việc và ngay cả không được phép rời thành phố. Kể từ năm 1992, Hong Kong chỉ cấp tình trạng được bảo vệ cho 31 người. Bà Victoria Wisniewski, một viên chức của Trung tâm Pháp lý Hong Kong, cho biết như sau:
“Những người này vẫn không có qui chế pháp lý tại Hong Kong. Về phương diện kỹ thuật, họ bị đối xử như là những người cư ngụ quá hạn bất hợp pháp. Họ không có quyền làm việc. Họ không có thu nhập. Trợ giúp nhân đạo họ nhận được rất ít ỏi, có nghĩa là họ không nhận được tiền mặt, và không đủ để họ vượt được mức nghèo túng. Sự trợ giúp họ nhận được thấp hơn mức nghèo túng của Hong Kong.”
Theo các cơ quan truyền thông Hong Kong, một mạng lưới quốc tế đã lợi dụng các đơn xin tị nạn giả mạo để đưa công nhân bất hợp pháp đến Hồng Kông trong lúc nền kinh tế ở đây bị thiếu hụt nhân công. Những tin tức đó và những câu chuyện xin tị nạn giả, đã làm cho những người tị nạn bị kỳ thị nhiều hơn tại thành phố này.
Nhiếp ảnh gia Emmauel Serma đã thu thập tài liệu về đời sống của những người tị nạn cư ngụ tại khu Tân Giới. Hầu hết những người này từ Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và châu Phi, và sống trong những trại chăn nuôi được các trại chủ biến thành những khu nhà ổ chuột. Ông Emmanuel Serna nói:
“Những người này chọn Hong Kong vì nghĩ rằng đây là một thành phố giàu có, dễ tìm việc làm. Nhưng họ phải chờ đợi, không thể làm việc được. Họ than vãn và hầu hết đều muốn rời khỏi Hồng Kông."
Trong khi những người tị nạn đã có mặt tại Hong Kong phải vật lộn trong cuộc sống, cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria đã làm gia tăng sự quyên tặng địa phương cho các cơ quan từ thiện. Tổ chức Oxfam Hong Kong mở lại tài khoản quyên tặng cho cuộc khủng hoảng Syria, và Quỹ Crossroads, một tổ chức bất vụ lợi khác, cho biết số tiền quyên tặng mà quỹ này nhận được đã gia tăng.