Chính phủ mới ở Myanmar sẽ chú trọng phát triển nông nghiệp
Theo dự liệu, chính phủ mới ở Myanmar, do Liên minh Dân chủ Toàn quốc lãnh đạo, sẽ tập trung nỗ lực vào việc cải thiện khu vực nông nghiệp và tiếp tục theo đuổi những biện pháp cải cách được thực hiện bởi chính phủ của Tổng thống Thein Sein. Thông tín viên Ron Corben gởi về bài tường thuật từ trung tâm tin tức Đông Nam Á của đài VOA tại Bangkok.
Mặc dù Myanmar, hay Miến Điện, đã thực hiện nhiều biện pháp cải cách kinh tế kể từ khi một chính phủ trên danh nghĩa là chính phủ dân sự lên nắm quyền vào năm 2011, nhưng những sự thay đổi trong khu vực nông nghiệp đã diễn ra một cách khá chậm chạp.
Ông Sean Turnell, giáo sư kinh tế học của Đại học Macquarie ở Australia, là một viên cố vấn không chính thức của Liên minh Dân chủ Toàn quốc. Ông nói rằng tình trạng này sắp sửa thay đổi.
"Nhận định chung hiện nay là những chuyện trong nông nghiệp không thật sự tốt đẹp. Cho nên chúng ta sẽ thấy có một sự tập trung thật sự mạnh mẽ tới việc tái định hướng chính sách kinh tế chú trọng đến nông nghiệp, làm cho cuộc sống được tốt đẹp hơn cho giới nông dân, cho những những người trồng trọt và cho dân chúng ở nông thôn nói chung".
Khoảng 70% trong số 54 triệu người ở Myanmar sống bằng nghề nông. Nhưng nhiều người phải mang công mắc nợ và một sự thất bại của hệ thống tín dụng đã khiến nhiều người ở nông thôn bị khốn đốn dưới tay của những người cho vay tiền.
Giáo sư Turnell cho biết những sự cải cách trong ngân hàng nông nghiệp sẽ giúp cho nông dân vay tiền dễ dàng hơn và chính phủ mới sẽ nới lỏng những luật lệ mà một số người cho là gây cản trở cho sự phát triển của khu vực nông nghiệp.
Kinh tế Myanmar, nhờ nhận được nhiều đầu tư nước ngoài và sự nới lỏng của các biện pháp chế tài quốc tế, đã có tỉ lệ tăng trưởng kinh tế khoảng 8% mỗi năm.
Các cải cách quan trọng khác mà tân chính phủ sẽ thực hiện, theo dự kiến, sẽ gồm có việc để cho ngân hàng trung ương được độc lập nhiều hơn để ứng phó với lạm phát hiện ở mức 13%.
Ông Peter Brimble, đại diện cấp cao của Ngân hàng Phát triển Á châu, cho biết những cải cách mà chính phủ của Tổng thống Thein Sein thực hiện đã đạt được thành quả đáng kể, nhưng vẫn còn những thách thức lớn.
"Có ba thách thức chính yếu mà nền kinh tế này đang đối mặt. Một là duy trì ổn định, như ổn định kinh tế vĩ mô và hòa bình và ổn định. Hai là giải quyết các yếu tố kiềm hãm trong cơ sở hạ tầng thiết yếu và cải thiện sự cung cấp dịch vụ trong các ngành giao thông và năng lượng. Ba là giáo dục và đào tạo, xây dựng năng lực cho công chức và nhân viên khu vực tư để hoạt động trong một thế giới hiện đại".
Các nhà phân tích nói những tổ chức và quốc gia cung cấp viện trợ và cung cấp tín dụng như Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Ngân hàng Phát triển Á châu, cũng đang chuẩn bị những chương trình phát triển, trong đó có những chương trình sẽ được bắt đầu thực hiện trong năm 2016 và năm 2017.
Tuy nhiên, ông Phil Roberston, Phó giám đốc bộ phận Á châu của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, cho rằng vẫn còn những mối lo ngại là phải chăng chính phủ do Liên minh Dân chủ Toàn quốc lãnh đạo sẽ có thể tiến hành cải cách trong lúc phần lớn nền kinh tế vẫn còn bị chi phối bởi quân đội và những doanh nghiệp nằm trong tay của những người thân cận với quân đội.
Tập đoàn UMEH, với những dự án đầu tư trong ngành bia rượu, đá quý, địa ốc và giao thông, vẫn còn bị Hoa Kỳ chế tài.
"Các nhà đầu tư nước ngoài cần phải chú ý tới vấn đề là đối tác kinh doanh của họ là những người nào và phải chăng những hoạt động đầu tư của họ cũng sẽ gây ra những vụ chà đạp nhân quyền. Chúng tôi xem nạn chiếm đất là một vấn đề trên khắp nước. Chưa rõ là tệ nạn này có nghiêm trọng hơn vì sự gia tăng của đầu tư nước ngoài hay không, hoặc giả sẽ có một giải pháp nào đó để sửa đổi vấn đề đất đai ở Myanmar".
Các nhà phân tích cho rằng sự chú tâm nhiều hơn tới việc thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực nông nghiệp và nông thôn ở Myanmar sẽ có ích cho mục tiêu gia tăng thu nhập của người dân ở nông thôn, hiện ở mức thuộc hạng thấp nhất ở Đông Nam Á.