Châu Âu nâng cao các biện pháp an ninh sau các cuộc tấn công
Ngày thứ Bảy, các chính phủ tại châu Âu đã tổ chức những cuộc họp khẩn cấp để đánh giá mức đe dọa và tăng cường các biện pháp an ninh để đáp ứng với một loạt các cuộc tấn công được phối hợp hôm thứ Sáu tại Paris làm ít nhất 129 người thiệt mạng và làm bị thương trên 350 người khác.
Các nước giáp ranh với Pháp như Bỉ, Đức, Hà Lan và Thụy Sĩ loan báo những hạn chế đi lại trong và ngoài nước và khuyến cáo các công dân không nên đến thăm Paris.
Phát biểu với các phóng viên tại Berlin, Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere nói Đức đã ban hành thêm những biện pháp an ninh để bảo vệ công chúng Đức. Ông nói:
“Tình hình rất nghiêm trọng, nhưng tôi không muốn nói về mức độ và chỉ nói ‘hôm nay sự nguy hiểm ít hơn một chút, nhưng ngày mai sự nguy hiểm cao hơn.’ Sự nguy hiểm này vẫn còn cao...Kể từ tối hôm qua nhà chức trách an ninh tại Đức đã thi hành những biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho công chúng và những biện pháp này đang tiến hành.”
Được hỏi về nguồn tin cho biết có ít nhất một trong những kẻ tấn công tại Paris đến từ Syria, ông de Maiziere từ chối trả lời trực tiếp chỉ nói là nhà cầm quyền Pháp vẫn còn đang điều tra và việc thông báo cho công chúng thuộc thẩm quyền của họ. Ông de Maiziere cảnh báo chống lại “những liên kết vội vã” đối với cuộc tranh luận về người tỵ nạn.
Ông Thomas de Maiziere nói :
“Tuy nhiên tôi yêu cầu khẩn thiết, trong tư cách là bộ trưởng nội vụ và là một chính trị gia chịu trách nhiệm đối với đất nước này, là không nên có bất cứ sự liên kết vội vã nào được đưa ra trong cuộc tranh luận về người tỵ nạn.”
Ngày thứ Sáu 13 tháng 11, Thủ tướng Đức Angela Merkel bênh vực hành động của bộ trưởng nội vụ kiểm soát chặt chẽ biên giới mà không cho bà biết, và nói rằng việc quay trở lại dùng những quy tắc Dublin là công bằng hơn đối với châu Âu.
Cách đây ba tuần, ông de Maiziere quyết định nhưng không tham khảo ý kiến của bà Merkel tái áp dụng quy tắc Dublin đòi hỏi người tỵ nạn đệ đơn xin tạm trú tại quốc gia thuộc Liên hiệp Châu Âu đầu tiên họ đến. Quyết định của ông gây nên căng thẳng trong chính phủ Đức, vì bà Merkel bênh vực cho chính sách đón nhận thêm người tỵ nạn với khoảng 800.000 người tỵ nạn sẽ nộp đơn xin tỵ nạn tại Đức.
Ngày thứ Bảy, bà Merkel chủ tọa một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về “tình hình tại Pháp và tất cả những vấn đề liên hệ.”
Trong khi đó cảnh sát liên bang Đức đang kiểm soát những nơi được chọn lựa dọc theo biên giới Pháp-Đức, tại các phi trường Đức, trên các chuyến bay từ Pháp đến và trên một vài chuyến xe lửa quốc tế.
- Cảnh sát tuần tra gần Nhà thờ Notre Dame sau một loạt các vụ tấn công chết người ở Paris.
- Nhân viên cứu hộ và y tế tại một nhà hàng ở Paris, ngày 13/11/2015.
- Một trong những vụ nổ đầu tiên xảy ra gần vận động, nơi Tổng thống Hollande đang xem một trận bóng đá giữa đội tuyển quốc gia Pháp và Đức.
- Nhân viên cứu hộ tại quận 10 của Paris, thứ sáu 13 tháng 11, 2015.
- Các nạn nhân nằm trên vỉa hè trước cửa một nhà hàng ở Paris, ngày 13/11/2015.
- Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi vụ tấn công ở Paris là một "nỗ lực kinh hoàng nhằm khủng bố thường dân."
- Tổng thống Pháp Francois Hollande triệu tập một cuộc họp nội các khẩn cấp lúc nửa đêm sau khi ông ra lệnh đóng cửa biên giới.
- Lực lượng cảnh sát đặc nhiệm của Pháp bên ngoài nhà hát Bataclan tại Paris, ngày 13/11/2015.
- Khán giả đổ xô vào sân vận động Stade de France sau một vụ nổ gần đó, ngày 13/11/2015.