Page 1 of 1

Hỏi đáp Y học: Đau vai và tổn thương cơ 'ống xoay' vai

PostPosted: Wed Oct 28, 2015 4:24 pm
by NewsReporter
VOA - Arts and Entertainment


Thính giả Huỳnh Quang, ở bang Florida, Mỹ hỏi như sau:


“Kính thưa Bác sĩ,


Tôi 70 tuổi, hiện đang cư ngụ ở Orlando, Florida.


Cách nay khoảng 7, 8 tháng, tôi không bị té gì hết, nhưng tại sao hai cái vai khi nằm thì nó đau nhức, nằm nghiêng một bên cũng đau, phía bên tay phải cũng đau, và bên tay trái cũng đau.


Đi bác sĩ, bác sĩ cho thuốc tramadol, 50 mg. Tôi uống chai này là chai thứ nhì, thấy bớt bớt, có bớt đau bớt nhức. Nhưng mỗi lần với tay, như là với tay tắt cái radio, hay với tay lấy cái gì trên cao thì vẫn còn đau. Nhất là bẻ tay ra đằng sau, như là khi bỏ áo vào quần … không có thể bẻ tay ra đằng sau lưng được.


Ngoài ra mỗi đêm tôi còn sức thuốc Bengel lên vai và lấy gừng đánh lên thì thấy cũng đỡ đỡ.


Xin hỏi Bác sĩ có thể chỉ cho uống thuốc gì thêm, hoặc có cần phải đi bác sĩ xương hay không.

 

Cảm ơn Bác sĩ."


Hỏi đáp Y học: Đau vai và tổn thương cơ 'ống xoay' vai





Hỏi đáp Y học: Đau vai và tổn thương cơ 'ống xoay' vaii








|| 0:00:00

...  
 

 








Bác sĩ Hồ Văn Hiền: Đau vai và tổn thương cơ "ống xoay" vai


Xin trả lời ông Huỳnh Quang 70 tuổi ở Florida. Xin nhớ là tôi không định bệnh và chữa cho bệnh nhân. Tất cả nhận xét nêu ở đây đều có tính cách thông tin và có thể thay đổi theo thời gian, tuỳ trường hợp.


Từ 7-8 tháng nay, ông đau hai vai. Nằm ngủ thì nhức, dù nằm nghiêng. Với tay lên hay đưa tay ra sau để gãi lưng cũng đau. Ông dùng thuốc Tramadol đến chai thứ hai, có bớt đau nhưng không khỏi hẳn.


Khớp vai chúng ta gồm đầu xương cánh tay (head of the humerus), nằm trong hốc lõm của xương bả vai (glenoid fossa of the scapula). Cử động bình thường, trơn tru cần có một nhóm cơ bao bọc chung quanh khớp xương vai, ổn định khớp, đồng thời cho phép các thành phần của khớp di chuyển (dynamic stabilizer) lúc khớp vai cử động, không cho cánh tay bị kéo lệch vế phía trên. Nhóm cơ này gọi là rotator cuff ("ống xoay").


Trường hợp sợi gân (tendon) các cơ trong nhóm này bị tổn thương do:

- Chấn thương mạnh, thường ở người trẻ (té, nâng vật rất nặng);

- Hoặc những chấn thương lập đi lập lại nhiều qua thời gian (như người thợ sơn phải đưa tay quá đầu làm việc), gân các cơ rotator cuff bị kẹt, vướng (impingement) vào các mấu xương của khớp vai, gân sưng, viêm mãn tính, làm cho đau, yếu đi, hoặc rách;

- Thoái hoá các gân, xương, thường ở người lớn tuổi hơn. Trong loại này, các sợi gân có thể sưng, đau do viêm gân (tendinitis). Viêm nặng có thể làm trở ngại cho dinh dưỡng của sợi gân (mất nguồn máu nuôi gân), làm cho gân có thể đứt một phần, hoặc đứt hẳn (partial or complete tear).


Người già trên 70 tuổi, hết 1/ 5 là có triệu chứng đau vai, đa số là do tổn thương ở gân rotator cuff. Giải phẫu tử thi cho thấy 26% người trên 60 bị rách một phần gân này (partial tears) và có đến 28% rách hoàn toàn gân này (full thickness tear).


Nếu căn cứ trên MRI cho mọi lứa tuổi, hết 34% có vết rách nào đó trong gân rotator cuff; có nghĩa là những vết rách này khá phổ biến, dù có triệu chứng hay không. Tuy nhiên ít khi gặp ở người dưới 40 tuổi.


Triệu chứng:

●    Đau ê ẩm, lúc đau lúc không (intermittent dull pain), đau mặt trên và mặt ngoài của vai.

●    Ban đêm bị đau vai thường do impingement (gân bị kẹt, vd mấu xương acromion của xương bả vai cọ lên gân (tendon) và túi đệm ( bursa) gây đau, lúc đưa cánh tay lên ngang tầm của vai).

●    Đau nhiều hơn lúc làm việc tay với lên khỏi đầu, hay dang tay ra trước (overhead or arm-length activities).

●    Bệnh nhân không vặn cánh tay hoàn toàn về phía mình được (incomplete internal rotation), và không đưa cánh tay lên, mở rộng nách ra được (no abduction of the shoulder).


Định bệnh:


Lúc khám bệnh nhân, bác sĩ có thể thực hiện nhiều test lâm sàng khác nhau để đánh giá các phần gân xương của khớp vai. Một cái test đơn giản gọi là Apley scratch test để xem biên độ của khớp vai có bình thường không. Bệnh nhân đưa cánh tay ra phía sau đầu mình, cố gắng đụng hay sờ được phía trên của xương bả vai phía bên kia để thử biên độ abduction (dang ra) và internal rotation (quay vào) của khớp vai. Phần thứ hai: bệnh nhân thò cánh tay xuống dưới, về phía sau lưng và cố gắng đụng vào chóp dưới cùng của xương bả vai cùng bên. Nếu không làm được các động tác này, có nghĩa các cử động vai bị giới hạn (limited range of motion) và chỉ về một vấn đề của rotator cuff.


Bác sĩ có thể cho chụp hình ảnh (MRI, CT scan) để định bệnh chính xác hơn.


Trị liệu:

1)    Vật lý trị liệu

2)    Luyện tập cử động khớp (exercises) (1)

3)    Đắp nước đá lạnh (ice)

4)    Thuốc giảm đau, giảm viêm: nếu cần uống thuốc giảm đau như Acetaminophen (paracetamol, "Tylenol"); giảm viêm nhóm NSAID (nonsteroid antiinflammatory drugs) như Ibuprofen (vd Advil, Motrin), naprosyn (Aleve). Uống thuốc NSAID coi chừng xót ruột, nên uống sau khi ăn, những người loét bao tử, từng chảy máu bao tử, áp huyết cao (hypertension, bệnh gan, dễ chảy máu (bleeding disorder) nên tránh loại NSAID này.

5)    Tramadol (Ultram) là một thuốc giảm đau loại opioid (giống như thuốc morphine, thuốc phiện) cho những bệnh đau vừa vừa hay nặng (moderate to severe pain). Khả năng giảm đau bằng 1/10 morphine, ngang với codeine. Có thể gây nghiện, liều cao có thể gây co giật (seizures). Uống trọn viên thuốc, đừng bẻ nhỏ hoặc nghiền nát. Tuyệt đối tránh uống rượu và dùng những thuốc an thần lúc uống thuốc này. Ở Mỹ tramadol thuộc về loại bị cơ quan DEA xếp vào schedule IV, giống như codeine.

6)    Chích thuốc corticoid vô khớp

7)    Chữa bằng siêu âm, chạy điện (TENS: transcutaneous electrical nerve stimulation.


Do cách định bệnh còn chưa rõ ràng, thống nhất chưa có khảo cứu nào chứng minh khách quan phương pháp nào là trị liệu thật sự hữu hiệu và tốt nhất.

Những người hoạt động nhiều (active individuals), bị rách gân nhiều hoặc toàn phần, nếu sau 3-6 tháng trị liệu bảo thủ phục hồi (rehabilitation) mà không tiến triển, cần nghĩ đến phẫu thuật.


Cần nhấn mạnh vào sự phục hồi cơ năng, và nếu bệnh nhân với gân bị rách, có thể hoạt động bình thường trong cuộc sống hàng ngày mà không đau đớn, thì có thể không cần phẫu thuật.


Bác sĩ chuyên khoa xương khớp (orthopedics) chuyên về định bệnh và chữa trị loại bệnh này. Tuy nhiên, cùng một định bệnh (diagnosis), có thể hoàn cảnh người bệnh, sở thích người bệnh mỗi người mỗi khác. Bác sĩ nội thương chuyên về y khoa phục hồi (rehabilitation medicine) cũng có thể nhìn và giải quyết vấn đề dưới một góc cạnh khác với người chuyên giải phẫu. Chúc bệnh nhân may mắn.


(1)    Five easy rotator cuff exercises.


http://www.healthline.com/health/rotato ... tretches#3


Bác sĩ Hồ Văn Hiền.


-------------------------------------


Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.


Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com


Qúy vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.


Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của qúy vị.