Page 1 of 1

Hàng nghìn người tị nạn Rohingya có thể đã bỏ mạng trên biển

PostPosted: Wed Oct 21, 2015 7:42 am
by NewsReporter
VOA - Arts and Entertainment

Thuyền nhân Rohingya chờ được giải cứu ngoài khơi Đông Aceh, Indonesia, tháng 4/2015.

Những người sống sót trong các cuộc di cư của cộng đồng thiểu số Rohingya từ Miến Điện tới Indonesia trước đây trong năm tiết lộ về tình trạng bị các tay đưa lậu người ngược đãi cả trên biển lẫn trên đất liền như bắn giết và ném những ai không đủ tiền chi trả xuống biển, theo lời các nhân chứng vừa được công bố. Thông tín viên Steve Herman tường thuật từ văn phòng Đông Nam Á của VOA ở Bangkok


Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, các cuộc phỏng vấn họ thực hiện cho thấy ‘có thêm hàng trăm, cũng có thể là hàng ngàn, người tị nạn và di dân đã bỏ mình trên biển so với con số ước tính ban đầu’, vượt xa con số 370 ca tử vong mà Liên hiệp quốc ước lượng.


Bà Anna Shea chuyên nghiên cứu về quyền của người tị nạn và di dân làm việc cho Tổ chức Ân xá Quốc tế ở London phát biểu:


"Tình trạng thủy thủ đoàn ngược đãi người tị nạn và di dân là không thể tưởng tượng, trong số các nạn nhân có cả trẻ em. Các em kể cho tôi nghe mỗi ngày các em bị đánh đập nhiều lần, bị ném xuống biển trong nhiều giờ đồng hồ. Một số em đã chết đuối, một số em may mắn sống sót. Mức độ và quy mô của nạn ngược đãi thật là khủng khiếp."


Báo cáo của Tổ chức Ân xá được công bố giữa lúc có thêm một mùa vượt biển khác khởi sự ở vịnh Bengal và biển Andaman.


Chưa thể xác nhận thông tin về làn sóng di cư mới này vào cuối mùa mưa, nhưng các nguồn tin cho đài VOA biết có hai chiếc tàu nhỏ chở vài trăm người vừa vượt biển tới được Malaysia với xuất phát điểm từ Chittagong ở Bangladesh và Nam Maungdaw thuộc bang Arakan của Miến.


Trong năm nay, Thái Lan đã ra tay hành động chống lại các mạng lưới đưa lậu người sau khi phát hiện những ngôi mộ tập thể trong rừng gần các địa điểm bị tình nghi là các trại vận chuyển người lậu dọc theo biên giới giữa Thái Lan với Malaysia. Các trại quá cảnh này bị đóng cửa khiến các tay đưa lậu người bỏ rơi những chiếc tàu ngoài biển với hàng ngàn di dân đói khát chen chúc nhau thay vì liều rủi ro đưa họ cập bến.


Bà Shea thuộc Ân xá Quốc tế cho hay nhiều nạn nhân trong nhóm Rohingya này bị buôn người.


"Nhiều người trong số này trả những khoản tiền rất thấp và một số người thậm chí không phải trả tiền để lên các chiếc tàu đó, điều này cho thấy thủy thủ đoàn sẽ kiếm tiền bằng cách khác. Có một mạng lưới buôn người, cưỡng bức lao động rất lớn trong vùng, các nạn nhân bị nô lệ hóa thường là trong ngành công nghiệp đánh bắt cá của Thái Lan."


Hồi cuối tháng 5, 17 nước đã họp thượng đỉnh tại  Bangkok bàn về cuộc khủng hoảng nhân đạo xuất phát từ thực trạng này. Khu vực không đạt được thỏa thuận dù Indonesia và Malaysia loan báo sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ tạm thời và cho hàng ngàn di dân tạm trú nếu số này được tái định cư hoặc hồi hương trong vòng một năm.