Trung Quốc bành trướng ở Đông Nam Á
Một hòn đảo nhỏ của Philippines đang là nơi tập trung các hoạt động bành trướng của Trung Quốc vào lãnh hải ở Đông Nam Á. Trong một khu vực mà Trung Quốc khẳng định có chủ quyền lịch sử, quân lực nước này đã xây dựng một nhóm đảo nhân tạo bên trong vùng được quốc tế biết đến là quần đảo Trường Sa – một vùng có diện tích chừng 425.000 kilomet vuông ở biển Đông, gồm mấy trăm hòn đảo nhỏ, các bãi đá và san hô. Trong số này, Pag-asa là một trong những đảo lớn và đông dân nhất.
Đối với 117 cư dân người Philippines ở đây, cách duy nhất để đi lại từ nhà của họ đến Puerto Princesa, thủ phủ tỉnh Palawan, là một chiếc tàu chở hàng thân gỗ, chiếc M/V Queen Seagull.
Vào một buổi chiều gần đây ở cảng chính của thành phố, những túi đất và phân bón được chất lên boong tàu. Một vài tuần nữa, chiếc tàu sẽ thực hiện cuộc hải hành kéo dài 2 ngày đến Pag-asa, thuộc Kalayaan, thị trấn cực tây của Philippines.
Đảo Paga-asa tăng trưởng về dân số, việc làm
Trong mấy năm vừa qua, cộng đồng ở đó đã tăng gấp 5 lần, một mức tăng mà thị trưởng Kalayaan, ông Eugenio Bito-onon Jr., cho là nhờ công ăn việc làm vững chắc trên đảo và có thể là một cảm giác ái quốc của người Philippines.
Ông nói, “Chúng tôi có thể nói nó mang tính tượng trưng, nó tiêu biểu cho chủ quyền của chúng tôi.”
Manila bắt đầu bố trí binh sĩ và cung cấp nhà cửa cho thường dân trên đảo Pag-asa vào thập niên 1970 để củng cố tuyên bố chủ quyền của Philippines ở Biển Đông.
Thái độ hung hăng trong khu vực của Trung Quốc
Philippines đã từng có những tranh chấp với các nước láng giềng về quần đảo Trường Sa từ mấy chục năm. Cả Việt Nam lẫn Malaysia đều đã chiếm những hòn đảo mà thị trưởng Kalayaan coi là thuộc quyền tài phán của ông. Trung Quốc là nước mới đây nhất, và có lẽ có thái độ hung hăng nhất, thực hiện việc chiếm đất trong khu vực.
Thị trưởng Kalayaan nói vào nhiều dịp trong những chuyến đi đến Pag-asa, đội tuần duyên Trung Quốc đã đi theo tàu của ông và có lần ngăn ông vào một phần thị trấn của ông.
Nhưng Thị trưởng Bito-onon khẳng định rằng rất ít cư dân ở Pag-asa, thường ở rất gần hòn đảo, từng đối đầu với lực lượng Trung Quốc.
Ông Nonalon Belbontin, 39 tuổi cùng vợ và con gái nhỏ nằm trong số những người nhận hòn đảo này là nhà. Họ hiện đang ở Puerto Princesa để chữa bệnh.
Bất kể chuyến đi xa bằng tàu, mỗi ngày chỉ có điện trong 4 tiếng đồng hồ, và các bữa ăn theo khẩu phần đã định, người công nhân xây dựng này nói ông có “một cuộc sống bình thường và công việc tốt” ở đó. Ông nói, “Gia đình tôi hạnh phúc.”
Cả ba người sẽ đi trên tàu Queen Seagull khi tàu ra khơi vào tháng 9.
Ông Belbontin nói ông biết về tình hình căng thẳng giữa nước ông và Trung Quốc trong vùng nước vây quanh nhà ông, nhưng hành động “dọa nạt” của Bắc Kinh không khiến cá nhân ông quan tâm.
Ông nói, “Tôi không sợ Trung Quốc, chúng tôi có quân đội bảo vệ. Vụ tranh chấp không ảnh hưởng đến đời sống hay việc làm của tôi.”
Các quan sát viên bên ngoài đảo có lẽ quan ngại hơn về tiến độ hành động của Trung Quốc trong khu vực mà Manila cho là khu kinh tế đặc quyền của họ.
Trung Quốc bị xem là mối đe dọa cho Trường Sa, khu vực
Ông Chito Santa Romana, người đứng đầu Hiệp hội Khảo cứu về Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc nay bị coi là mối đe dọa lớn nhất cho an ninh khu vực.
Ông nói việc Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo, bao gồm các tiền đồn quân sự và thậm chí cả một phi đạo để máy bay đáp xuống, đã “gây kinh động các lân quốc” và “làm xói mòn sự tin cậy và tín nhiệm” đối với Trung Quốc trong khắp khu vực đông nam châu Á.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố hoàn tất việc lấn đất ở Biển Đông, nhưng ông Romana nói vẫn chưa rõ các hòn đảo này phục vụ cho mục đích gì.
Đảo Pag-asa: địa điểm thuận lợi
Nhìn lên bản đồ treo trên tường trong văn phòng ông ở Puero Princesa, Thị trưởng Bito-onon chỉ vào những bãi đá và san hô mà Trung Quốc đang chiếm đóng.
Chỉ vào địa điểm của một trong những hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc chỉ cách Pag-asa có 21 kilomet, ông Bito-onon nói, “Đây quả là một vụ lấn đất lớn.”
“Nhất là vào buổi tối, ta có thể thấy nó giống như một thành phố.”