Page 1 of 1

Quan hệ Philippines-TQ vẫn quan trọng giữa tranh chấp Biển Đ

PostPosted: Wed Jun 03, 2015 5:59 am
by NewsReporter
VOA - Arts and Entertainment

Các nhà hoạt động môi trường Philippines trong cuộc biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở ngoại ô Makati để phản đối hành động xây đảo của Trung Quốc ở Biển Đông, ngày 11/5/2015.

Trong lúc căng thẳng Biển Đông gia tăng, các nhà phân tích cho rằng các nước Đông Nam Á đang đối mặt với một vấn đề hóc búa là làm thế nào để bày tỏ lập trường cứng rắn chống lại Trung Quốc trong lúc tìm cách cải thiện quan hệ kinh tế với nước láng giềng khổng lồ này. Thông tín viên Idrees Ali của đài VOA tường thuật về việc Philippines tìm cách cân bằng các mối quan hệ chính trị và kinh tế với Trung Quốc.


Nhiều hoạt động ngoại giao liên quan tới vụ tranh chấp Biển Đông đã được thực hiện tại cuộc Đối thoại Shangri-La vừa kết thúc hôm chủ nhật ở Singapore.


Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter loan báo một chương trình mới về hợp tác quốc phòng có tên Sáng kiến An ninh Hải dương Đông Nam Á, giữa lúc có những báo cáo cho biết Trung Quốc đang ráo riết xây dựng những hòn đảo nhân tạo trong vùng biển có tranh chấp.


Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA, Đại sứ Philippines tại Hoa Kỳ, ông Jose Cuisia, nói rằng vụ tranh chấp Biển Đông là một vấn đề quan trọng đối với Philippines, một nước đồng minh có ký kết hiệp ước của Mỹ.


"Vấn đề này hiển nhiên là một trong những ưu tiên hàng đầu về chính sách ngoại giao của chúng tôi. Bởi vì sự thịnh vượng kinh tế của chúng tôi lệ thuộc vào việc hoà bình và ổn định được duy trì trong khu vực, và bởi vì vụ xung đột này ở Biển Đông rõ ràng là một mối đe dọa cho nền an ninh của chúng tôi. Đương nhiên là chúng tôi hy vọng vụ tranh chấp này có thể được giải quyết một cách hoà bình với một cung cách phù hợp với luật pháp quốc tế."


Năm ngoái, Hoa Kỳ và Philippines đã ký kết một hiệp định có tên là Hiệp định Tăng cường Hợp tác Quốc phòng để cho phép binh sĩ Mỹ được luân phiên bố trí ở Philippines.


Đại sứ Cuisia cho biết điều này góp phần hình thành một tư thế quân sự có sức răn đe khả tín tối thiểu.


"Đối với Philippines, điều này có ích cho chúng tôi trong việc xây dựng năng lực, nhất là trong việc nắm vững tình hình trên biển, bảo vệ an ninh hải dương, cũng như tăng cường năng lực của chúng tôi trong các hoạt động trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai."


Tuy Philippines mạnh mẽ chỉ trích những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, các nhà phân tích tin rằng Manila đang tìm cách giữ cho lời lẽ của mình được cân bằng để không gây phương hại cho mối quan hệ thương mại giữa hai nước.


Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Philippines. Các số liệu của Tổng cục Thống kê Philippines cho thấy từ năm 2012 đến năm 2013, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng gần 14% trong lúc nhập khẩu từ Trung Quốc tăng hơn 20%. Và trong 3 tháng đầu năm 2014, Philippines nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều nhất, vượt xa lượng nhập khẩu từ Hoa Kỳ.


Ông Donald Emmerson, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Đại học Stanford, cho rằng vụ tranh chấp Biển Đông đã giúp cho một số quốc gia nhận được những lợi ích an ninh không cân xứng từ Hoa Kỳ.


"Có thể tôi sẽ bị cho là có thái độ hoài nghi quá đáng, nhưng thật tình mà nói, tôi nghĩ rằng đối với một số nước ở Đông Nam Á, sự có mặt của Đệ thất Hạm đội, sự hiện diện của hải quân Mỹ trong vùng biển này, mang lại một sự bảo đảm về an ninh, giúp cho các nước này có thể làm ăn với Bắc Kinh để kiếm tiền."


Giáo sư Richard Heydaria của Đại học La Salle ở Manila cho biết nhiều người Philippines nhận thức được tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc.


"Có một cảm nghĩ là Trung Quốc là nước duy nhất có thể cung cấp tư bản và kỹ thuật với một mức độ rộng lớn và phù hợp với khả năng tài chánh của Philippines, giúp cho cơ sở hạ tầng của Philippines thay đổi đáng kể và giúp cho Philippines trong những những thập niên tới đây có thể thật sự trở thành một nền kinh tế thị trường mới nổi cấp một."


Cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Philippines là một lý do khác khiến các nhà phân tích tin rằng lập trường của Manila đối với Trung Quốc có thể trở nên mềm dịu hơn.


Ông Ernest Bower, người đứng đầu chương trình nghiên cứu Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington, nói rằng một sự thay đổi trong chính quyền có thể dẫn tới sự thay đổi đó.  


"Người dẫn đầu trong cuộc chạy đua sắp tới là phó tổng thống của ông ấy – một người tên là Jejomar Binay. Và dựa trên các thông tin mà chúng tôi nhận được và dựa trên sự khảo cứu của chúng tôi, chúng tôi biết là ông Binay đã được các nhà ngoại giao Trung Quốc phủ dụ và được đề nghị những sự khích lệ đủ loại để lèo lái Philippines quay lại với một vai trò ôn hoà hơn để tạo điều kiện dễ dãi cho sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông. Đó sẽ là một lập trường không được nhiều người tán thành."


Các nhà quan sát cho biết có nhiều dấu hiệu về sự lệ thuộc kinh tế của Philippines đối với Trung Quốc. Một trong các dấu hiệu đó là một công ty của nhà nước Trung Quốc sở hữu 40% phần hùn trong Tổng Công ty Lưới Điện Quốc gia của Philippines.