Sẽ có khẩu chiến Biển Đông tại Đối thoại Shangri-La
Sẽ có khẩu chiến gay gắt giữa các nước với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông tại thượng đỉnh an ninh Châu Á-Thái Bình Dương năm nay, theo cảnh báo của một chuyên gia hàng đầu về vấn đề Biển Đông.
Đối thoại Shangri-La thường niên khai diễn hôm nay (29/5) tại Singapore, quy tụ sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng và tướng lĩnh quân đội từ 26 quốc gia trong khu vực, bao gồm Hoa Kỳ, giữa tình hình tranh chấp Biển Đông leo thang căng thẳng.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia, nói với VOA Việt ngữ ông tin rằng diễn đàn an ninh khu vực lần này sẽ trở thành một khẩu đài quyết liệt xoay quanh các hành động bành trướng chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển huyết mạch này, một trận khẩu chiến không khoan nhượng giữa Bắc Kinh với các quốc gia trong khu vực, có hay không có tranh chấp ở Biển Đông.
“Tôi dự kiến sẽ có những tràng pháo hoa khẩu ngữ giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Australia. Họ sẽ gặp nhau trước và sẽ đồng ca cùng một bản nhạc.”
Giáo sư Thayer cảnh báo:
“Trung Quốc sẽ trở thành trọng tâm tại Đối thoại Shangri-La. Phái đoàn quan chức Trung Quốc sẽ phản pháo sau mỗi phần phát biểu của các nước, yêu cầu các nước lắng nghe quan điểm của mình, đưa ra những tố cáo ngược lại, tìm cách đảo ngược tình thế rằng Hoa Kỳ mới chính là thủ phạm khiêu khích bất ổn, là nguyên nhân của mọi vấn đề, và rằng Trung Quốc chỉ có khẳng định chủ quyền mà thôi. Sẽ nảy ra cuộc chiến thông tin tại Đối thoại Shangri-La lần này. Tại diễn đàn an ninh năm ngoái mà tôi cũng có tham gia, phái đoán Trung Quốc cho rằng lần đó họ bị ‘mai phục’.”
Thượng đỉnh an ninh Châu Á-Thái Bình Dương 2015 cuốn sự quan tâm mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế kể cả từ Châu Âu, với các Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Tây Ban Nha, và Đức đều xác nhận sẽ tham gia.
Năm nay, Trung Quốc lần đầu tiên cử một tướng bốn sao sang tham dự Đối thoại Shangri-La. Tin cho hay đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, dẫn đầu đoàn đại biểu 29 thành viên của Bắc Kinh.
Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh đưa quan chức cấp cao hơn so với giới chức dẫn đầu phái đoàn năm ngoái là một chỉ dấu cho thấy Bắc Kinh hiểu rõ tranh cãi Biển Đông sẽ là vấn đề trọng tâm hàng đầu trong hội nghị lần này và cũng là tín hiệu chứng tỏ Bắc Kinh đã phòng bị sẵn sàng đối đầu với các chỉ trích từ quốc tế liên quan tới các sách lược gây hấn ở Biển Đông.
Thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long, tối nay sẽ đọc bài diễn văn quan trọng khai mạc 3 ngày thượng đỉnh an ninh do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IISS chủ trì, với thông điệp chủ yếu kêu gọi các nước đối thoại nhiều hơn để xoa dịu căng thẳng khu vực. Tuy nhiên, các nỗ lực trước đây tại Đối thoại Shangri-La không mang lại mấy kết quả.
Wall Street Journal dẫn lời giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho hay chủ đề chính của các buổi họp khoáng đại sẽ tập trung vào chiến lược an ninh của các cường quốc chính, việc kiểm soát không để căng thẳng leo thang, giải pháp giải quyết mâu thuẫn tích cực hơn, các hình thức hợp tác an ninh mới, xây dựng các liện hệ an ninh với các khu vực khác.
Tiến sĩ Huxley cho biết thêm lần đầu tiên tại đối thoại an ninh Shangri-La, sẽ có một buổi họp đặc biệt tập trung chủ yếu về các quan ngại an ninh của các nước nhỏ.
Wall Street Journal dẫn các nguồn tin ngoại giao cho hay trưởng phái đoàn Hoa Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, tại Shangri-La năm nay sẽ đưa ra những cam kết mạnh mẽ đảm bảo các thủy lộ được rộng mở và quyền tự do hàng hải được duy trì ở Biển Đông.
Dự kiến trong bài phát biểu sáng mai tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Carter sẽ tái xác định lập trường cứng rắn của Mỹ phản đối bất kỳ hoạt động bành trướng chủ quyền nào thêm nữa của Bắc Kinh tại đây.
Trước đó, ông Carter đã khẳng định với Trung Quốc rằng Mỹ sẽ bất chấp các âm mưu hạn chế quyền tự do hàng hải từ Bắc Kinh tại các khu vực bao quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc mới xây, sẽ tiếp tục hoạt động, cho máy bay-tàu bè đi ngang qua các khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép.
Phát biểu trước thềm Shangri-La, ông Carter nói Mỹ phản đối các hành động quân sự hóa những địa điểm tranh chấp và yêu cầu các nước ngưng xây cất, thay đổi nguyên trạng Biển Đông.
Theo tường thuật của Wall Street Journal, ông Carter cũng đã chỉ thị cấp dưới lên các kế hoạch điều tàu và máy bay tới gần các đảo nhân tạo của Bắc Kinh để thể hiện quyết tâm của Hoa Kỳ.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề nghị Mỹ chớ có phát ngôn hay hành động khiêu khích.
Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm nay, phát ngôn nhân Hoa Xuân Oánh nói quy mô và tốc độ các công trình xây dựng Bắc Kinh đang tiến hành tương xứng với nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc trong tư cách một nước lớn.
Bà Hoa nhấn mạnh chính nhân dân Trung Quốc mới có quyền quyết định cần phải làm gì.
Trong tháng này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel thông báo với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện rằng trong vòng 1 năm rưỡi qua, Trung Quốc đã tạo ra nhiều đảo nhân tạo nổi lên mặt đất bằng các công trình khai hoang trên và xung quanh những khu vực trước kia từng là các bãi nhỏ trên hay dưới mặt nước.
Ông Russel cho biết ba trong số các bãi đất này lớn hơn hòn đảo tự nhiên rộng nhất trong quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tiến hành các hoạt động bồi đất lấp biển tại Hoàng Sa, nơi Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.
Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 28/5 đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc ‘chấm dứt ngay các hoạt động xây dựng’ tại Hoàng Sa-Trường Sa, ‘không có thêm hành động gây phức tạp tình hình.’
Nguồn: WSJ/Straits Times/VOA Interview