Page 1 of 1

Văn học không ngừng vận động và tự hủy

PostPosted: Thu May 21, 2015 11:59 am
by NewsReporter
VOA - Arts and Entertainment


Khi đánh giá một tác phẩm văn học mới, nhiều người đứng từ góc nhìn của nền văn học cũ để phê phán. Họ quên một điều: văn học cũng như mỹ học nói chung không ngừng vận động. Lịch sử văn học thực chất là lịch sử của những sự vận động liên tục: Mỗi thời mỗi khác.


Có điều, khác với các hiện tượng khác, sự vận động trong văn học, đặc biệt trong thơ, không hẳn đã là một sự phát triển.


Nói đến sự phát triển là nói đến ba yếu tố: sự kế thừa, sự liên tục và sự thăng tiến: cái sau sẽ hơn hẳn cái trước. Sự vận động của văn học chủ yếu dựa trên sự sáng tạo, do đó, phần lớn có tính đột biến. Nói đến đột biến cũng có nghĩa là nói đến sự đứt đoạn. Bởi vậy, trong các hoạt động của con người, văn học - đặc biệt thơ - là lãnh vực hầu như không có lịch sử.


Nói như vậy dễ gợi ấn tượng là khá cực đoan.


Trong cuốn The Curtain, An Essay in Seven Parts, Milan Kundera cho lịch sử văn học khác hẳn các loại lịch sử khác ở bốn điểm: Một, nó không liên hệ gì với ý niệm tiến bộ; hai, nó không phải là lịch sử của các sự kiện mà là lịch sử của các giá trị, ở đó, chỉ có tên tuổi của những người chiến thắng là được nhắc nhở; ba, trong khi các loại lịch sử khác là những chuyện thuộc về quá khứ, lịch sử văn học, dựa trên các giá trị, lúc nào cũng có tính hiện tại; và bốn, các giá trị trong lịch sử văn học không ngừng bị thách thức và không ngừng được tái xét, do đó, nó vừa có tính chủ quan lại vừa có tính nhân văn (1).


Đành là đúng. Nhưng quan niệm như vậy, người ta lại mở quá rộng ý nghĩa của chữ “lịch sử” vốn được xây dựng trên hai nền tảng: ý niệm về tiến bộ và luật nhân quả. Một hai thập niên trở lại đây, trên thế giới, một số lý thuyết gia đưa ra khái niệm cái chết hoặc điểm tận cùng của lịch sử (the death/end of history) với ý nghĩa: chế độ dân chủ mà chúng ta đang có hiện nay đã là điểm tận cùng; sau nó, sẽ chẳng còn có gì khác hơn được nữa. Với văn học, đặc biệt là thơ, lịch sử không chết. Lý do là nó chưa bao giờ có. Tất cả những cuốn lịch sử thơ mà chúng ta thấy đây đó, bằng tiếng Việt cũng như bằng các thứ tiếng khác, chỉ là một thứ lịch sử giả, ở đó, không có hoặc có rất ít thứ quan hệ nhân quả vốn là nền tảng của lịch sử.


Trong cái gọi là lịch sử thơ, các nhà thơ lớn hiếm khi kế tục nhau. Họ chỉ phủ định nhau. Ngay cả khi họ kế tục, họ cũng kế tục như một sự phủ định. Đó là ý nghĩa của cái Harold Bloom gọi là “đọc sai” (misreading) trong sự ảnh hưởng giữa nhà thơ này đối với nhà thơ khác (2).


Xin lưu ý là, ở đây, người ta không phủ định giá trị của nhau. Người ta chỉ phủ định tính chất quy phạm trong các giá trị ấy. Nói cách khác, có thể người ta vẫn tôn trọng các giá trị do tiền nhân khám phá, nhưng người ta từ chối làm bản sao của các giá trị ấy.


Có nhiều lý thuyết khác nhau nhằm giải thích quy luật vận động của văn học, trong đó, tôi tâm đắc nhất với ý kiến của các nhà Hình thức luận (Formalism) của Nga vào đầu thế kỷ 20: Theo họ, ngôn ngữ, tự bản chất, có khuynh hướng tự động hoá, do đó, càng ngày càng mòn đi, sáo đi; văn học, ngược lại, lúc nào cũng là một nỗ lực lạ hoá (defamiliarization) nhằm chống lại nguy cơ mòn và sáo ấy để cách diễn tả trở thành tươi mới hơn và cái hiện thực được nó phản ánh trở thành độc đáo và ấn tượng hơn.


Làm lạ, do đó, cũng có nghĩa là làm cho khó. Bắt người đọc phải tập trung sự chú ý nhiều hơn. Bởi vậy, cũng có thể nói, khó là thuộc tính tự nhiên của văn học trong quá trình tự đổi mới chính nó (3). Đương đầu với những cái khó ấy, rất nhiều người đọc bỏ cuộc: Thơ văn hay rất dễ bị xem là thơ văn dở.


Nếu quá trình lạ hoá làm một số tác phẩm hay bị xem là dở thì quá trình tự động hoá, ngược lại, sẽ làm cho vô số tác phẩm dễ tưởng là hay, thật ra, lại là dở. Đó là những tác phẩm được sáng tác hoàn toàn theo những mẫu công thức có sẵn trong một hệ mỹ học đã cũ.


Ở đây, cần nhấn mạnh là những tác phẩm hay thì bao giờ cũng hay, đặc biệt những tác phẩm lớn thì bao giờ cũng lớn: Chúng hay và lớn trong cái hệ mỹ học của chúng. Giá trị của chúng trở thành giá trị lịch sử. Chúng được xem là điển phạm (canon). Điển phạm nào cũng là một điển hình, một đỉnh cao, một tiêu chí để đo lường, một khuôn mẫu để học tập và bắt chước nhưng đồng thời cũng là một nguy cơ: nó chứa đựng trong nó vô số những vi khuẩn có tính huỷ diệt, nghĩa là nguy cơ tuyệt tự. Học tập nó, người ta trưởng thành; nhưng bắt chước nó, người ta sẽ chết. Chính vì vậy, những tác phẩm ăn theo các điển phạm – những tác phẩm được sáng tác như kết quả của quá trình tự động hoá - thì thường là dở: Chúng không phải là sáng tạo.


Ở trên, tôi có nói bản chất đầu tiên của văn học là vận động. Đến đây có thể thêm một đặc điểm nữa trong bản chất của văn học: tính chất tự vấn và tự huỷ. Điều này đặc biệt đúng với thơ.


Làm thơ, như một hành động sáng tạo thực sự, là một sự hoài nghi đối với thơ, hay, nói theo James Longenbach, là một sự chống lại thơ: Bản chất của thơ là chống lại chính nó (4). Khi bài thơ ấy được viết ra, một định nghĩa khác về thơ đã được hoàn tất, hơn nữa, bị kết thúc. (Có lẽ đó là ý nghĩa của câu “Bài thơ hay là cái chết cuối cùng” trong bài “Định nghĩa một bài thơ hay” của Thanh Tâm Tuyền.) (5) Khi làm một bài thơ khác, người ta phải đi tìm một định nghĩa khác. Nghĩa là bắt đầu đi lại từ đầu. Khi, từ điểm khởi đầu ấy, người ta không biết đi đâu về đâu, người ta làm thơ phản thơ (antipoetry). Thơ phản thơ cũng có thể là thơ hay nhưng nó chỉ là thơ của một thời điểm: thời điểm khủng hoảng. Nó ra đời chủ yếu để giết cái cũ và cũng đồng thời tự giết chết chính mình với hy vọng cả hai cái chết ấy sẽ mở ra một hướng đi khác cho thơ. Trong trường hợp may mắn cái hướng đi mới ấy được mở ra, xác chết của các bài thơ phản thơ sẽ trở thành lịch sử. Còn ngược lại thì sao? Thì chúng chỉ là những xác chết.


Tính vận động, tự vấn và tự huỷ làm sự phát triển của văn học thành một điều bất khả đoán. Đánh giá sự ra đời của một xu hướng văn học mới, do đó, rất khó khăn và cần rất nhiều sự nhạy cảm, điều mà không phải ai cũng làm được.


***


Chú thích:


  1. Milan Kundera (2006), The Curtain, An Essay in Seven Parts (Linda Asher dịch), New York: HarperCollins, tr. 15-7.

  2. Harold Bloom (2003), A Map of Misreading, Oxford: Oxford University Press.

  3. Xem Lee T. Lemon & Marion J. Reis (biên tập) (2012), Russian Formalist Criticism: Four Essays (ấn bản lần thứ 2), Lincoln (NE): University of Nebraska Press.

  4. James Longenbach (2004), The Resistance to Poetry, Chicago: The University of Chicago Press.

  5. In trong tập Tôi không còn cô độc. Có thể xem trên http://www.tienve.org/home/literature/v ... orkId=4564

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.