Page 1 of 1

Malaysia bắt 5 nhân viên tòa báo về tội xúi giục nổi loạn

PostPosted: Tue Mar 31, 2015 6:06 am
by NewsReporter
VOA - Arts and Entertainment

Những vụ bắt giữ mới nhất này dường như có mục đích gây sức ép lên những người trong giới truyền thông mạng ở Malaysia. So với báo in, báo mạng phê phán chính phủ Malaysia nhiều hơn.

Giới hữu trách Malaysia đã bắt 5 nhân viên của một trang mạng tin tức tư nhân và điều tra những người này về tội xúi giục nổi loạn. Phe đối lập và các tổ chức nhân quyền nói rằng đây là mưu toan mới nhất của chính phủ Malaysia nhằm đàn áp những người bất đồng chính kiến và hạn chế tự do ngôn luận.


Nhật báo mạng Malaysian Insider cho biết 3 biên tập viên cùng với chủ nhiệm và tổng giám đốc của họ đã bị bắt, rõ ràng là vì một bài tường thuật mới đây cho rằng chính phủ đã bác bỏ một đề nghị về việc áp dụng những sự trừng phạt nghiêm khắc của luật Hồi giáo.


Cảnh sát đã lục soát toà soạn báo này tối thứ hai, tịch thu các máy vi tính cùng với những thiết bị khác và bắt giữ 3 biên tập viên Lionel Morais, Zulkifli Sulong và Amin Iskandar.


Chủ nhiệm Ho Kay Tat và Tổng giám đốc Jahabar Sadiq cũng đã bị câu lưu hôm thứ ba sau khi họ tới trạm cảnh sát trình diện để trả lời các câu hỏi.


Những người này đang bị điều tra dựa trên Luật chống xúi giục nổi loạn, một bộ luật khét tiếng của Malaysia được ban hành từ thời thuộc địa. Nếu bị kết án, họ có thể phải ngồi tù 3 năm. Họ cũng có thể phải đối mặt với những cáo trạng khác dựa trên Luật Viễn thông và Truyền thông Đa phương tiện.


Hãng tin Bernama của nhà nước xác nhận 3 biên tập viên bị bắt giữ và cho biết những người này bị nghi là can tội “đăng tải những tin tức thất thiệt.” Hiện chưa rõ phần nào trong các tin tức đó bị cho là có tính chất xúi giục nổi loạn.


Bản tin hôm 25 tháng 3 của tờ Malaysian Insider cho biết các tiểu vương Hồi giáo của 9 tiểu bang đã bác bỏ một đề nghị của một đảng đối lập nhằm sửa đổi luật lệ liên bang để cho phép áp dụng cách trừng phạt của đạo Hồi, còn gọi là hudud. Chính quyền nói rằng họ không hề thảo luận vấn đề này.


Trung tâm Báo chí Độc lập Malaysia đã mạnh mẽ đả kích vụ bắt giữ này và nói rằng nếu bài báo đó không chính xác thì giới hữu trách chỉ cần yêu cầu tờ báo sửa lại hoặc bỏ đi.


Một thông cáo của trung tâm này nói “Vụ lục soát và bắt bớ hôm nay là một phần của một xu thế đáng lo ngại của một sự sút giảm trong tiêu chuẩn tự do diễn đạt ở Malaysia. Lạm dụng luật pháp như vậy là đáng xấu hổ và đáng trách, và đây chính là một vụ tấn công nhắm vào thể chế pháp trị.”


Ông Phil Roberston, Phó giám đốc bộ phận Á châu của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, cho biết từ khi tái đắc cử vào năm 2012 tới nay thủ tướng Najib Razak đã gia tăng việc sử dụng Luật chống xúi giục nổi loạn để bóp nghẹt tiếng nói của những người chỉ trích chính phủ.


"Sự định nghĩa trong đạo luật đó lỏng lẻo tới độ chính phủ có thể hình sự hoá bất kỳ ngôn luận nào mà họ muốn. Và họ đã quyết định thẳng tay đàn áp phe đối lập."


Những vụ bắt giữ mới nhất này dường như có mục đích gây sức ép lên những người trong giới truyền thông mạng ở Malaysia. So với báo in, báo mạng ở đây phê phán chính phủ nhiều hơn.


Lãnh tụ đối lập Tian Chua cho đài VOA biết rằng tin tức trên mạng đang gây ra nhiều “sự bất tiện” cho chính phủ Malaysia mà ông nói là đang ở trong “thế yếu.”


"Tôi nghĩ rằng chính phủ cảm thấy rất thiếu an toàn và họ đang lợi dụng cơ hội này để đẩy các nhà báo hoặc giới truyền thông tới chỗ không phê phán chính phủ."


Ông Tian Chua là Phó chủ tịch đảng Công lý Nhân dân và chính ông đã bị bắt giữ nhiều lần và bị truy tố về tội xúi giục nổi loạn và những cáo trạng khác mà ông cho là có động cơ chính trị.


Lãnh tụ trên thực tế của đảng Công lý Nhân dân là cựu Phó thủ tướng Anwar Ibrahim, người đang thọ án tù 5 năm sau khi bị toà phán là can tội kê gian. Những người chỉ trích nói rằng các cáo trạng này là nguỵ tạo và có mục đích tiêu diệt sự nghiệp chính trị của ông Anwar, đối thủ chính của Thủ tướng Najib Razak.