Đà tiến chậm lại nhưng không có dấu hiệu nhóm IS ‘mất sức’
Những lễ lạc ăn mừng tự phát nổi lên ở các thị trấn và khu phố khi lực lượng Iraq và dân quân Shia tiến quân hướng về các chiến binh Nhà nước Hồi giáo ở thành phố Tikrit và vùng phụ cận gần như không còn nữa. Các giới chức Iraq đưa ra nhiều lý do vì sao cuộc tiến công đã ngừng hay khựng lại. Một số thậm chí còn kêu gọi thêm sự hỗ trợ từ bất cứ ai có thể giúp.
Tất cả đều là những dấu hiệu mà các chuyên gia và thậm chí một số giới chức Hoa Kỳ nói là sự cáo chung của Nhà nước Hồi giáo chưa lọt vào tầm ngắm.
Chuyên gia về khủng bố J.M. Berger, đồng tác giả cuốn “ISIS: Nhà nước Khủng bố”, nói: “Còn quá sớm để nói rằng quả lắc đồng hồ đang đung đưa.”
Ngay cả trước khi lực lượng Iraq khựng lại bên ngoài Tikrit, một cuộc phân tích hồi đầu tháng này của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) đã chứa một sự đánh giá thẳng thừng về tình trạng thiếu tiến bộ trong các nỗ lực đẩy lui Nhà nước Hồi giáo. “Các vùng kiểm soát cốt lõi của ISIS bên trong Iraq và Syria chưa di dời đáng kể kể từ khi các chiến dịch chống ISIS bắt đầu hồi tháng 6 năm ngoái.” Bản phân tích còn nêu ra nỗ lực chống ISIS đã chỉ có tác dụng xoá bỏ IS khỏi một số trong các ‘vị trí tiền tuyến quan trọng’ ở Iraq và Syria.
Đó là một sự trao đổi mà chuyên gia quân sự của ISW Christopher Harmer tin là Nhà nước Hồi giáo sẵn sàng thực hiện.
Ông Harmer nói: “Họ đã chứng tỏ khả năng chiến đấu công khai như một hợp đồng nhà nước quốc gia, nhưng đó thực sự không phải là khả năng tuyệt đỉnh của họ. Nơi họ có lợi thế cạnh tranh là cho nổ các thiết bị tự chế, những áo khoác tự sát, những tay đánh bom tự sát, các thiết bị tự chế gắn trong xe – tất cả những thứ đã gây khó khăn cho guồng máy chiến tranh Mỹ, mà Peshmerga và lực lượng an ninh Iraq gần như không thể nào khắc phục được.”
Những người đặt hy vọng vào ngày tàn của Nhà nước Hồi giáo cũng đã trông mong vào những tin tức về xung đột nội bộ và tin tức về việc nhóm này đã đưa ra hành quyết những người định đào ngũ, hàng chục người một lúc.
Ông Harmer cảnh báo chớ nên coi những tin tức đó là “một dấu hiệu của sự yếu thế.”
Ông giải thích: “Những vụ hành quyết nội bộ luôn là đặc điểm của các chế độ độc tài. Nó diễn ra ở Trung Quốc, diễn ra ở Nga, diễn ra ở Đức Quốc xã, xảy ra ở thời đế quốc Nhật Bản. Đó là dấu hiệu đây là một chế độ độc tài và đó là cách cai trị của họ.”
Các giới chức tình báo hàng đầu của Hoa Kỳ cũng đã lo ngại về việc viết điếu văn cho Nhà nước Hồi giáo.
Giám đốc CIA John Brennan nói với Hội đồng Đối ngoại tuần trước rằng, “Tôi nghĩ chúng ta đang chứng kiến ngay lúc này những dấu hiệu rất nghiêm trọng là động cơ ISIL đang bị hư hại. Ông Brennan đã dùng một tên tắt khác để gọi tổ chức này. “Điều đó không có nghĩa là nó đã mất hết sức.”
Ông Brennan nói bất chấp những nỗ lực quảng bá các trở ngại của Nhà nước Hồi giáo, “một số đáng kể các cá nhân … đang tới Iraq hay Syria, tìm cách tham gia lực lượng với ISIL.”
Các giới chức Hoa Kỳ cũng đã từ chối không thay đổi thẩm định về kích thước toàn diện của lực lượng chiến đấu Nhà nước Hồi giáo, và định con số ở mức từ 20 đến 30 ngàn chiến binh, một phần lớn vì luồng chiến binh nước ngoài tiếp tục đổ vào.
Các chuyên gia về khủng bố cũng nói Nhà nước Hồi giáo đã hứng chịu những mất mát ở Iraq và Syria, nhóm này đã tìm cách quảng bá những thành quả ở các nơi khác. Nổi bật là ở Libya, nơi IS dường như đang nắm một mức độ chỉ huy và kiểm soát đối với lực lượng địa phương, và ở Nigeria, nơi Boko Haram đã cam kết trung thành với IS.
Chuyên gia về khủng bố và tác giả sách J. M. Berger nói những thắng lợi như ở Libya và Nigeria là đáng kể. Ông cũng nói sẽ cần phải có thêm những rạn nứt dọc theo rìa các khu vực mà Nhà nước Hồi giáo đang nắm ở Iraq và Syria để giáng một cú đáng kể vào nhà nước Hồi giáo.
Ông Berger nói: “Điều thực sự cấp thiết cho các mục đích hợp pháp của họ sẽ là chiếm được Mosul và Raqqa. Tôi nghĩ họ họ thể nhận lãnh nhiều thất bại ở hai thành phố đó trước khi tính hợp pháp của họ bắt đầu bị thiệt hại.”