Page 1 of 1

Vấn đề an úy phụ tiếp tục gây căng thẳng giữa Nhật, các nước

PostPosted: Mon Mar 02, 2015 9:08 am
by NewsReporter
VOA - Arts and Entertainment

Các phụ nữ từng bị bắt làm nô lệ tình dục cho lính Nhật trong Thế chiến thứ Hai xuống đường biểu tình nhân ngày giải phóng Hàn Quốc. Từ năm 1932 cho tới năm 1945, Quân đội Hoàng gia Nhật đã bắt hàng vạn phụ nữ và bé gái trên khắp Châu Á, trong đó có em chỉ có 12 tuổi, làm an ủy phụ hay gái mại dâm cho binh sĩ Nhật Bản.

Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye đã lập lại yêu cầu đòi Nhật Bản thực hiện những hành động chuộc lỗi cho các tội ác mà nước này đã phạm trong thế chiến thứ hai, trong đó có việc ép buộc hơn 200.000 phụ nữ Á châu làm nô lệ tính dục cho lính Nhật. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA ở Seoul, chủ nghĩa dân tộc lên cao ở Á châu đang khích động thêm cho sự bất bình đã có từ 70 năm nay và gây căng thẳng cho quan hệ giữa Tokyo với các nước láng giềng.


Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye hối thúc các nhà lãnh đạo ở Tokyo tạ lỗi vì những hành vi tàn ác trong thời chiến. Bà Park kêu gọi như thế trong bài diễn văn nhân Ngày Phong trào Độc lập Triều Tiên, kỷ niệm ngày khởi đầu của phong trào kháng chiến chống lại chế độ thực dân Nhật cách nay 96 năm.


Vị nữ tổng thống của Nam Triều Tiên nói rằng bà hy vọng Nhật Bản thừa nhận sự thật lịch sử một cách dũng cảm và thành thực để có thể viết nên một trang sử mới với Hàn Quốc trong 50 năm tới với tư cách là một đối tác.


Năm nay đánh dấu kỷ niệm 70 năm ngày thế chiến thứ hai chấm dứt, nhưng dưới mắt của nhiều người ở Nam Triều Tiên, Trung Quốc và một số nước khác ở Á châu, Nhật Bản vẫn chưa chứng tỏ sự hối hận thật sự đối với một trong những vụ án buôn người lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Từ năm 1932 cho tới năm 1945, Quân đội Hoàng gia Nhật đã bắt hàng vạn phụ nữ và bé gái trên khắp Á Châu, trong đó có em chỉ có 12 tuổi, làm an ủy phụ hay gái mại dâm cho binh sĩ Nhật Bản.


Tại Nam Triều Tiên hiện nay chỉ còn một ít an ủy phụ còn sống nhưng vấn đề này đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi nhiều hơn vì Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã co1 những phát biểu mang ít tính chất hối hận hơn đối với quá khứ quân phiệt tàn ác của nước ông.


Theo ông Lee Won Deok, giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học Kookmin ở Seoul, đây là một vấn đề thâm căn cố đế ở Nam Triều Tiên và trở thành một chất keo đoàn kết mọi người qua tinh thần dân tộc.


Giáo sư Lee nói rằng công chúng Nam Triều Tiên mạnh mẽ ủng hộ cho chủ trương là vấn đề lịch sử phải được giải quyết thì các mối quan hệ giữa Nam Triều Tiên và Nhật Bản mới có thể được cải thiện.


Cho đến nay những mối quan hệ bị căng thẳng giữa hai nước đã được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Tổng thống Park Guen Hye không chịu gặp gỡ Thủ tướng Shinzo Abe cho tới khi nào vấn đề này được giải quyết xong. Đôi bên cũng có những tuyên bố chủ quyền đối chọi nhau đối với một nhóm đảo nhỏ.


Thủ tướng Abe đã tìm cách hạ giảm tầm quan trọng của những vụ ngược đãi trong quá khứ trong lúc ông đang ra sức để nâng cao lòng tự hào của người dân đối với đất nước và để tranh thủ sự ủng hộ cho kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự. Một số đồng minh của ông trong phe bảo thủ cho rằng không phải tất cả các an ủy phụ đều bị cưỡng ép hành nghề mại dâm.


Bà Shihoko Goto, một chuyên gia về Đông Bắc Á của Trung tâm nghiên cứu Woodrow Wilson ở Washington, cho biết vấn đề này sẽ khó giải quyết trong bối cảnh hiện nay với một cách thức có thể làm vừa lòng những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan của cả hai nước.


Nhưng bà nói thêm rằng Nam Triều Tiên có thể tìm được một chỗ đứng chung nếu các nhà lãnh đạo bớt chú trọng tới những sự bất bình trong quá khứ và chú trọng nhiều hơn tới sự hợp tác toàn cầu để chấm dứt nạn mại dâm trên thế giới.


"Nạn buôn người là một thực tế của thời nay. Nô lệ tính dục không phải là một việc gì đó của quá khứ. Nếu họ thật muốn đảm nhận vị trí lãnh đạo trong việc này, họ có thể làm được. Và nếu như thế thì có triển vọng để hai nước thật sự ngồi lại với nhau."


Theo dự liệu, Thủ tướng Abe sẽ giữ nguyên sự tạ lỗi mà Nhật Bản từng đưa ra về cuộc xâm lăng trong thời chiến khi ông tuyên đọc một bài diễn văn nhân dịp kỷ niệm 70 năm thế chiến thứ hai chấm dứt. Nhưng ông cũng đã gặp phải nhiều sự chỉ trích khi ông cho biết có thể ông sẽ sửa đổi những ngôn từ của bài diễn văn có tính chất dấu mốc mà Thủ tướng Tomiichi Murayama tuyên đọc vào năm 1995.