Charlie Hebdo, Biểu tượng của tinh thần bất khuất của người
Thưa quý thính giả, mới đây ở Paris, hai anh em Kouachi đã xông vào toà soạn tuần báo Charlie và hành quyết 12 nhà báo, trong đó có một số nghệ sĩ vẽ tranh hí hoạ nổi tiếng của nước Pháp. Ngay sau vụ thảm sát, một phong trào tự phát bỗng nổi lên tại Paris và nhiều thành phố lớn của thế giới. Sự phẫn nộ dâng cao là động lực khiến hàng triệu người bất chấp thời tiết giá lạnh, rủ nhau xuống đường để nói lên tinh thần liên đới với những nhà báo của tuần báo Charlie. Từ Âu sang Á, sang Mỹ, nhiều người tuyên bố: Je suis Charlie! Tôi là Charlie, Chúng tôi là Charlie! Mục Văn Hoá và Đời sống tuần này xin mời quý thính giả tìm hiểu thêm về tuần báo trào phúng Charlie, giờ đã trở thành biểu tượng của thái độ bất khuất, không đầu hàng khủng bố, và quyết tâm bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Cũng trong bài này, ý kiến của một nạn nhân khác của Hồi giáo cực đoan về vụ khủng bố tại Paris: nhà văn Salman Rushdie.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt ngữ -VOA mới đây, Tiến sĩ Lê Đình Thông giải thích về lịch sử hình thành tạp chí Charlie, và so sánh những cơn sóng gió mà tuần báo trào phúng này đã trải qua với nhân vật chính trong tác phẩm văn chương nổi tiếng nhất của Việt Nam: nàng Kiều.
Tiến sĩ Lê Đình Thông: "Năm 1990, hai nhà báo Cavanagh và George Bernie sáng lập một tờ báo tên là Hara Kiri. Chúng ta đều biết hai chữ này tiếng Nhật mà trong Thế Chiến thứ Hai, đề cập tới những người cảm tử quân Nhật Bản đã mổ bụng ra để tự sát. Những người chủ trương muốn dùng nụ cười để giết chết tất cả những gì không phù hợp với tự do, dân chủ, vì nó là sự giả tạo… Họ muốn chống lại những thứ dó, mà chống lại bằng cái gì? Chống lại chỉ bằng nụ cười qua những bức tranh hí hoạ, biếm hoạ và qua những câu chuyện nhẹ nhàng, nhưng mà cái sự nhẹ nhàng của họ đã làm chính quyền bực bội. Bởi vậy cho nên dựa trên giai đoạn lịch sử vừa qua, tôi có thể mang nó ra so sánh với thân phận của nàng Kiều trong văn chương Việt Nam. Tại sao lại nàng Kiều? Nàng Kiều thì chúng ta đều biết là 3 chìm 7 nổi, thì tờ báo này cũng đã 3 lần bị đình bản năm 1961, 1966 và 1981. Cho đến năm 1992, tờ báo này đổi tên từ Hara Kiri thành tờ Charlie ngày nay, với số phát hành là 140,000 ấn bản một tuần lễ."
Vào tháng Hai, 2006, Charlie cho ra mắt một số tranh hí hoạ châm biếm nhà tiên tri Mohamet của Hồi giáo, năm 2011, tờ báo bị các phần tử khủng bố phóng hoả đốt toà soạn. Trong thời gian báo không có cơ sở hoạt động, các chủ biên đã được sự giúp đỡ của tờ báo Liberation, và nhờ đó Charlie vẫn tiếp tục ra báo.
Giáo sư Lê Đình Thông: “Ngày hôm nay tờ báo lại một lần nữa bị những tên khủng bố đột nhập, lần này họ dùng súng đạn để sát hại 12 nhà báo, trong đó có 2 nhà báo chuyên vẽ các bức biếm hoạ nổi tiếng của nước Pháp như tôi vừa trình bày. Thì tôi muốn nói lên con số 12, 12 người từ trần thì sự việc hết sức là tình cờ, một cách tự phát ngay trong buổi chiều hôm đó, tại 12 thành phố lớn của nước Pháp, trong đó có Paris, đã diễn ra các cuộc biểu tình đông đảo, lần này không phải với những khẩu hiệu, mà với những giọt nước mắt, trong các cuộc biểu tình này chúng ta đã thấy có các khẩu hiệu của những người biểu tình, tuyên bố họ là Charlie, có nghĩa là họ tiếp tục tiếng nói của Charlie. Trong trái tim của họ, tiếng nói này sẽ được tiếp nối trong tương lai. Chứ sẽ không tắt đi, Paris vẫn được thắp sáng trong tinh thần Charlie này.”
Như nhiều thành phố lớn tại các nước tự do, Paris đã đón nhận đông đảo người tỵ nạn và di dân từ khắp nói đến lập nghiệp và định cư, trong đó có nhiều thành viên của cộng đồng nói tiếng Ả Rập. Tiến sĩ Lê Đình Thông nhận định về mức hội nhập của cộng đồng này:
"Nhập cư thì nhiều, nhưng mà hội nhập thì không bao nhiêu. Chính vì hai vế nó ngược chiều nhau như vậy nó đã đưa đến tình thế hiện nay, thay vị hội nhập và theo tinh thần tự do dân chủ của xã hội như xã hội Pháp chẳng hạn, thì một số đã đi ngược tinh thần đó để theo tinh thần bảo thủ, cục bộ, cực đoan tôn giáo, nói đúng hơn, có một giáo phái của Hồi giáo lúc nào cũng chủ trương tiêu diệt những người không cùng niềm tin với mình. Chính tình trạng này giải thích sự việc xảy ra vừa rồi, là các vụ khủng bố. Những thành phần khủng bố, thay vì hội nhập các quốc gia Tây phương, tinh thần tự do dân chủ của Tây phương thì họ luôn muốn quay trở về với cái xã hội xưa cũ, một xã hội không phải là cổ điển mà phải nói là cổ hủ mới đúng, như các nước Hồi giáo từ nhiều thế kỷ trước. Họ chủ trương tinh thần Hồi giáo phải tràn ngập khắp nơi trên thế giới”.
Cuộc biểu tình tại Paris bùng phát ngay sau vụ thảm sát đã có sự tham gia của hơn 50 vị nguyên thủ quốc gia, khiến cho sự vắng mặt của Tổng Thống Obamavà các quan chức cao cấp khác của Mỹ bị chú ý, mặc dù Hoa Kỳ lập tức tuyên bố sát cánh với nước Pháp, và chia sẻ niềm đau của nhân dân Pháp và thân nhân của các nạn nhân. Giáo sư Lê Đình Thông nhận định về tinh thần liên đới quốc tế sau khi xảy ra các vụ khủng bố:
"Thế giới của chúng ta một mặt là một ngôi làng bởi vì các sự việc như xảy ra ở nước Pháp đã liên kết những người yêu chuộng tự do khắp nơi lại với nhau, nhưng mặt khác, nó cáo giác một tình trạng là một số người ở ngoài ngôi làng đó muốn có hành động để phá hoại tinh thần xã thôn trong một ngôi làng sống hoà thuận với nhau thì rất là đáng tiếc cho cái tinh thần đó. Vụ khủng bố này nói lên một khía cạnh khác nữa. Đó là việc chống khủng bố nó không còn nằm trong địa hạt quốc gia nữa, mà lên đến phạm vi quốc tế rồi, thành ra chúng ta phải tìm biện pháp trong các phạm vi phối hợp điều nghiên vv, vấn đề như là tình báo, an ninh rồi vấn đề tài chính để mà chống các hoạt động rửa tiền của các nhóm khủng bố…Ngoài những vấn đề này ra, còn cần các hành động phối hợp chung chung giữa các quốc gia trên thế giới, kể cả về phương diện pháp luật, cần xúc tiến một biện pháp chế tài chung đối với các tổ chức khủng bố để các thành phần này cũng như các thành phần gọi là tội ác chống nhân loại dó sẽ bị ngăn chận bởi một biện pháp chế tài pháp lý."
Một nạn nhân của Hồi giáo cực đoan là nhà văn nổi tiếng của Ấn độ, Salman Rushdie, tác giả cuốn The Satanic Verses – Những vần thơ của Quỷ Satan, đã làm giới lãnh đạo Hồi giáo Iran nổi giận. Vì đứa con tinh thần này, mà từ năm 1988 tới nay, nhà văn Rushdie phải được bảo vệ gần như 24 trên 24 trong nhiều năm qua vì tính mạng ông bị các phần tử Hồi giao cực đoan đe doạ.
Trả lời một câu hỏi của một ký giả hãng tin AP về quan điểm của ông về vụ thảm sát mà nạn nhân là các nhà báo và nghệ sĩ biếm hoạ ở Paris, nhà văn Rushdie biểu lộ sự phẫn nộ cùng cực của ông, nhất là vì các nạn nhân làm việc cho tuần báo Charlie bị vu khống là những kẻ kỳ thị tôn giáo.
Ông Rushdie nói, “Người Pháp có một truyền thống báo chí trào phúng, đôi khi rất cay độc. Họ vẫn duy trì truyến thống đó. Điều làm tôi phẫn nộ nhất là những đồng nghiệp của chúng ta, những người chỉ dùng ngòi bút hay viết chì của mình, đã lập tức bị vu khống là những kẻ kỳ thị sắc tộc, kỳ thị tôn giáo.”
Nhà văn nói một số người tin rằng tự do ngôn luận phải tự do, nhưng không được xúc phạm tới bất cứ ai. Nhà văn khẳng định ông không chia sẻ quan điểm đó.
Ông nói, “Tổng Thống John F. Kennedy và ông Nelson Mandela có một câu rất ngắn, chỉ có 3 chữ: Freedom is indivisible- Tự do không thể bị chia cắt. Chia nó ra thì nó không còn là tự do. Quý vị có thể ghét tạp chí Charlie, Nhưng sự kiện quý vị không thích tờ báo này, không có liên hệ gì với quyền của họ được phát biểu ý kiến, được lên tiếng.”