Page 1 of 1

Campuchia: Người biểu tình vẫn chờ câu trả lời sau vụ nổ sún

PostPosted: Thu Jan 01, 2015 9:43 pm
by NewsReporter
VOA - Arts and Entertainment

Một người biểu tình bị bắt trong vụ đụng độ giữa công nhân xưởng may và lực lượng an ninh ở Phnom Penh, ngày 3 tháng 1, 2014

Một năm sau khi quân cảnh nổ súng vào một nhóm công nhân biểu tình giết chết 5 người, gia đình của họ vẫn còn đau buồn và hy vọng tìm được công lý.


Anh Pheng Kosal, một trong những người chết trong cuộc biểu tình đòi tăng lương hôm 3 tháng 1, năm 2014, mà số tiền lương tương đương với 100 đôla hàng tháng của anh đã từng giúp cho mẹ và 7 anh chị em của anh tạm sống qua ngày.

Từ khi Kosal chết, bà Keo Sokmeng, người mẹ 50 tuổi đã phải vất vả để nuôi gia đình chỉ với đồng lương của bà, cũng chỉ 100 đôla một tháng. Với số tiền đó bà phải trả tiền thuê căn nhà 3 mét vuông, rồi tiền điện, nước, đóng tiền trường cho con, thức ăn và các chi phí khác. Bà nói:


“Tôi trông cậy vào đứa con đó hơn những đứa kia vì nó học giỏi nhất và thông minh nhất.”

Con trai bà từng là một học sinh giỏi, nhưng đã phải bỏ học sau khi cha từ trần và đi làm trong công ty đổ rác. Kosal đã học thợ máy và khi khi thành nghề, tìm được việc làm trong công xưởng với lương cao hơn.


Bà Keo Sokmeng nói, “Nó thích làm thợ máy lắm. Nó chưa bao giờ gây phiền muộn gì cho tôi. Tiền lương nó giúp tôi nuôi mấy anh chị em nó.”


Từ khi mất nguồn thu đó, bà Keo Sokmeng nói, bà phải cho 2 đứa con đến sống với mấy người bà con.


Bà nói, “Đứa con gái 16 tuổi của tôi đến ở với người chị em của tôi ở Kampoong Cham. Còn đứa con trai thì đến ở với chú nó ở Kandal để đánh bắt cá.”

Việc mất Pheng Kosal thật là quá đau buồn cho gia đình bà. Bà nói, “Nếu tôi biết quân đội bắn người. Tôi sẽ không để nó đi đến cuộc biểu tình.”

Bà kể, “Tôi nói với nó, đừng đi con. Nó nói, ‘Mẹ, chúng ta phải hỗ trợ nhau. Khi chúng ta có tiền, tất cả đều có. Chúng ta không nên chờ người khác làm điều đó cho mình. Chúng ta nên giúp đỡ nhau.”

Từ cuối năm 2013, giới công nhân bắt đầu đòi mức lương tối thiểu hàng tháng là 160 đôla cho 600.000 người Campuchia làm việc trong các xưởng may mặc và giày dép, phần lớn do người nước ngoài làm chủ. Vào lúc đó, lương tối thiểu là 80 đôla. Chính phủ đề nghị tăng lên 100 đôla và từ đó nâng lên 128 đôla một tháng, có hiệu quả từ ngày 1 tháng 1 năm 2015.  

Ngày 3 tháng 1 năm ngoái, hàng ngàn công nhân tụ tập trên đường Veng Sreng, trong một khu công nghiệp. Khi cảnh sát tìm cách chặn đám đông lại, người biểu tình đã đánh trả lại bằng gậy gộc, đá và bom xăng. Cảnh sát đã nổ súng vào đám đông, giết 5 người và làm khoảng 30 người bị thương.  


Ngoài Pheng Kosal, trong số người chết còn có ông Yann Rithy 26 tuổi. Vợ ông, góa phụ Chhiv Sarun, 25 tuổi cho biết không có một viên chức chính phủ nào nói với bà về việc gì đã xảy ra ngày hôm đó.  


Bà nói, “Không có bồi thường, không gì hết. Người ta nói không tìm ra người nổ súng. Ở Campuchia nếu người ta có tiền, người ta làm gì cũng được.”

Bà nói bà không biết chồng bà bị bắn cho đến khi một người bạn của ông chạy đến nhà cho bà biết. Bà nói:


“Giờ ông ấy chết rồi, tôi cảm thấy thật đơn độc. Tôi phải một mình nuôi đứa con trai. Lương không đủ chi tiêu hàng tháng.”   

Quân cảnh và các cơ quan chính phủ khác đã mở một cuộc điều tra chung về vụ nổ súng nhưng không một ai bị trừng phạt, điều này đã gây bất bình cho những người biểu tình và gia đình họ cũng như các nhà hoạt động nhân quyền.

Ông Kheng Tito, một phát ngôn viên của quân cảnh quốc gia nói rằng vụ điều tra giờ đã kết thúc, mặc dù ông không loại trừ việc điều tra thêm nữa nếu có thêm bằng chứng mới. Ông nói:

“Nếu họ yêu cầu bất cứ điều gì, chúng tôi sẽ điều tra thêm nữa. Ông từ chối nói rõ chi tiết, và nói bất cứ thắc mắc gì thêm thì hỏi Bộ Nội vụ.”


Tuy nhiên cảnh sát đã bắt 23 người biểu tình trong nhiều tuần sau vụ nổ súng, các nhóm nhân quyền phản đối, nói rằng 23 người này không phạm bất cứ tội gì.

Ông Am Sam Ath của nhóm nhân quyền Licadho quy lỗi cho việc không hành động là một thứ văn hóa không trừng phạt của đất nước.

Ông nói, “Không ai bị truy cứu trách nhiệm về các hành động. Không ai bị bắt hay bị trừng phạt. 23 công nhân và các tài xế bị bắt giam ngoài ra còn 6 nhân viên công đoàn bị đặt dưới sự giám sát của tòa án.”


Bà Keo Sokmeng muốn đòi công lý cho con trai bà, nhưng đó không phải là điều quan ngại trước hết của bà.

Bà nói, “Tôi chắc phải gửi đứa con gái 9 tuổi của tôi đi tỉnh nếu tôi không thể cáng đáng mọi thứ. Nếu tôi không phải lo cho các con tôi. Tôi sẽ tìm kiếm công lý.”