Page 1 of 1

Các cuộc đàm phán gay go về Iran sẽ tiếp tục trong năm 2015

PostPosted: Fri Dec 19, 2014 2:10 pm
by NewsReporter
VOA - Arts and Entertainment

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói chuyện trong cuộc họp báo sau cuộc họp về vấn đề hạt nhân của Iran ở Vienne vào tháng trước, 24/11/14

Các cuộc đàm phán nhằm bảo đảm rằng Iran không thể chế tạo một vũ khí hạt nhân, và chấm dứt các biện pháp chế tài quốc tế đối với nước này, đã để lỡ kỳ hạn tự áp đặt trong năm 2014 và sẽ tiếp tục vào năm tới. Các chuyên gia nói rằng đạt được một thoả thuận là điều cấp thiết cho cả hai bên nhưng sẽ không dễ dàng hơn chút nào trong năm mới. Thông tín viên VOA Al Pessin ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật từ London.


Các nhà thương thuyết đã gia hạn các cuộc đàm phán một lần, dẫn tới sự thất vọng đáng kể khi họ không đáp ứng được một kỳ hạn thứ nhì hồi tháng 11. Nhưng  Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói điều ông gọi là “tiến bộ đáng kể” biện minh cho việc gia hạn các cuộc đàm phán một lần nữa. Ông nói:


“Xét về mức độ chúng ta đã tiến tới được trong năm vừa qua, và nhất là trong vài ngày vừa qua, đây chắc chắn không phải là lúc đứng dậy bỏ đi.”


6 quốc gia đại diện cho Liên Hiệp Quốc đang thương nghị với Iran để giảm thiểu khả năng tinh chế nhiên liệu hạt  nhân của Iran xuống tới một mức có thể khiến cho họ phải chờ cả năm trời mới có khả năng sản xuất một quả bom hạt nhân nếu các nhà lãnh đạo của họ quyết định làm việc ấy. Theo các chuyên gia thì thời gian đó lúc này chỉ khoảng 2 tháng.


Các giới chức Iran cho biết họ không có ý định thủ đắc vũ khí hạt nhân, nhưng họ có một chương trình hạt nhân lớn và muốn còn lớn hơn nữa. và điều đó làm tăng thêm lo ngại của cộng đồng quốc tế.


Các chuyên gia nói vụ tranh chấp sẽ không dễ dàng hơn bao nhiêu để giải quyết được trong năm tới. Ông Fitzpatrick nói:


“Khó mà nhìn thấy điều gì sẽ thay đổi để làm cho thoả thuận có phần chắc sẽ đạt được trong năm tới khi họ không đạt được một thoả thuận trong 12 tháng thương thuyết vừa qua.”


Ông Mark Fitzpatrick, tại Viện Nghiên cứu Sách lược Quốc tế, nói rằng điều quan trọng dù sao cũng là duy trì thương lượng:


“Không có ngoại giao thì chương trình của Iran sẽ không bị ngăn chặn. Chúng ta sẽ quay trở lại chu kỳ đối đầu và khủng hoảng có thể dẫn tới việc Iran tiến gần hơn đến một chương trình hạt nhân và có thễ đưa đến hành động quân sự.”


Nhưng ông Fitzpatrick và những  người khác nói thoả thuận tạm thời, đạt được hồi cuối năm 2013, không đủ hữu hiệu về mặt dài hạn. Tác giả người Mỹ gốc Iran và là nhà hoạt động Trita Parsi phát biểu qua Skype:


“Thoả thuận tạm thời, cho dù trông có vẻ hấp dẫn đối với cả hai bên ngay lúc này, có thể sẽ không bền vững về lâu về dài bởi vì quang cảnh chính trị ở cả hai bên sẽ mang tính cách hơi khắt khe và không cho phép gia hạn nhiều lần nữa.”


Các chuyên gia nói những người Iran chống đối một thoả thuận có thể bị kiểm soát bởi Lãnh tụ Tối cao, nếu ông thích văn kiện cuối cùng. Nhưng ông Parsi nói Iran lo ngại rằng thắng lợi của đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử tháng 11  có thể làm cho Tổng thống Barack Obama không thể nào bãi bỏ toàn bộ các biện pháp chế tài.


Ông Parsi nói:


“Có những dấu hỏi trong đầu của những người Iran về việc liệu những lời hứa hẹn của Mỹ về các biện pháp chế tài có thực sự tin được hay không – chưa kể đến việc họ không có đủ niềm tin vào tổng thống, mà họ có thể không đặt đủ niềm tin vào Quốc hội Hoa Kỳ.”


Các nhà thương thuyết đã tự ấn định kỳ hạn cho họ là thêm 7 tháng nữa để đạt được một thoả thuận. Ông Parsi nói tất cả các bên phải dùng thời gian đó để quy tụ ý chí chính trị nhằm chấp nhận những thoả hiệp khó khăn trước khi Washington và Tehran mất hết kiên nhẫn.