Page 1 of 1

Tổ chức Y sĩ Không Biên giới ứng phó nhanh trong cuộc chiến

PostPosted: Fri Dec 05, 2014 2:36 pm
by NewsReporter
VOA - Arts and Entertainment

Nhân viên tự nguyện của tổ chức Y sĩ Không Biên giới được huấn luyện cách quản lý thiết bị bảo hộ cá nhân trong quá trình làm việc

Tổ chức quốc tế Y sĩ Không Biên giới MSF đã được ca ngợi vì đáp ứng mau chóng và ồ ạt đối với vụ bột phát Ebola ở Tây Phi. Nhiều ngàn nhân viên của tổ chức đang quay cuồng làm việc để chữa trị các nạn nhân của virut gây chết người tại những nước bị tác động nặng nhất là Liberia, Sierra Leone và Guinea. Nhưng MSF còn đóng một vai trò cấp thiết cách đó hàng ngàn dặm, ở châu Âu. Tổ chức y tế này đã mở 3 trung tâm huấn luyện để dạy cho nhân viên của tổ chức và những người hoạt động nhân đạo khác cách giúp nạn nhân Ebola, trong khi tự bảo vệ mình chống lại căn bệnh đã giết hại gần 6 ngàn người trong năm nay. Thông tín viên Lisa Bryant đã đi thăm trung tâm huấn luyện Ebola chính ở Brussels và ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau.


Tính đến nay, nhiều người trong chúng ta nhận ra được bộ trang phục áo liền quần giống như phi công vũ trụ của nhân viên Ebola. Nhưng thử mặc một bộ vào. Thêm vào một tấm choàng bằng cao su và 2 đôi bao tay. Còn một cái mũ chùm kín đầu màu trắng nữa … rồi kính bảo hộ, và giầy ống. Tôi đang ngắm nhìn khoảng một chục người đánh vật với cái mà các chuyên gia gọi là thiết bị bảo vệ cá nhân, còn gọi tắt là PPE.


Ngay cả một centimet da để lộ ra có thể có nghĩa là cái chết đối với bất cứ ai tiếp xúc gần cận với nạn nhân Ebola. Đó là nguy cơ mà nhóm các bác sĩ, y tế, chuyên viên vệ sinh và tiếp vận này phải đối mặt. Nhưng chúng tôi còn cách xa tâm chấn của vụ bột phát Ebola, ở Tây Phi nóng sôi. Chúng tôi đang ở trong một cái lều cắm ở một khu đất rộng lớn, lầy lội ở Brussels. Đường chân trời giá lạnh chập chùng các nhà máy. Điều hành bởi tổ chức Bác sĩ Không Biên giới, hay MSF, đây là một hình thức “trại lính 101” đối với hàng ngàn nhân viên làm công tác nhân đạo tham gia cuộc chiến chống virut gây chết người này. Y tá Brett Adamson nói:


“Nó giống như tập trận chuẩn bị thực vậy. Chúng tôi bảo đảm mọi người hiểu rõ Ebola là gì. Và làm thế nào để họ có thể giữ được sự an toàn và làm thế nào họ có thể giữ cho người khác an toàn. Và đương nhiên, hiểu được sự ứng phó toàn bộ với một vụ bột phát Ebola, và biết rằng nó đòi hỏi công tác tập thể ở mọi cấp bậc, từ công việc thường nhật tại một trung tâm, cho đến sự đáp ứng có phối hợp. Thiếu bất cứ bộ phận nào trong những phần đó, chúng ta không thể thắng được vụ bột phát này.”


Ông Brett Adamson là điều phối các buổi huấn luyện Ebola bắt đầu ở đây hồi tháng 8. Những người dự hội thảo gồm không những nhân viên của MSF, mà cả các công nhân viên chính phủ và nhân viên làm công tác nhân đạo của các cơ quan khác. Tổ chức bất vụ lợi này mở hai trung tâm huấn luyện khác, ở Thuỵ Sĩ và Hà Lan, để xử lý nhu cầu ngày càng tăng.


Ngoài những bài học về mặc trang phục bảo hộ, học viên còn học cách lấy máu an toàn và thay chăn nệm giường dơ của bệnh nhân Ebola, có thể đã nôn mửa hay tiêu chảy vào. Lều được trang bị như một bệnh viện thật, với những căn phòng được bố trí cho các ca bệnh đã được xác nhận hoặc bị nghi ngờ. Còn có cả một khu được đánh dấu là “nhà xác” cho những người không qua khỏi.


Huấn luyện viên MSF Mathias Kennes giải thích những khu vực khác nhau của một trung tâm chữa trị Ebola tiêu biểu.


“Trong khu rủi ro cao chúng tôi có tất cả các bệnh nhân. Chúng tôi phân biệt giữa khu vực khả nghi nơi chúng tôi có những người bệnh vừa được đưa đến và cần phải được sự xác nhận qua các thử nghiệm lab… trong khu rủi ro cao, chúng tôi chỉ có các bệnh nhân đã được xác nhận. Những người bệnh này ở bên trong cho đến khi khỏi bệnh. Nhưng nhiều người không khỏi bệnh … họ chết.”


Giống như tất cả các huấn luyện viên ở đây, ông Kennes nói chuyện qua kinh nghiệm của mình. Ông đã làm việc tại các trung tâm Ebola của  MSF, trước tiên ở Guinea, ngay sau khi virut bột phát trong năm nay. Sau đó là ở Liberia. Ông đã chứng kiến nhiều cái chết … và những câu chuyện thành công hiếm có hơn của những người bệnh đã thoát hiểm. Ông nói:


“Nó giống như một cuộc chiến tranh cá nhân chống lại Ebola. Nó rất mạnh bạo. Nó làm ta choáng ngợp. Nhưng dù sao, tôi cũng muốn trở lại chỉ để có mặt ở đó, để giúp đỡ. Giống như một viên đá cuội nhỏ trong một cái hồ lớn. Nhưng để làm một việc gì đó.”


Chống Ebola có nghĩa là tự bảo vệ mình trước tiên. Đối với ông Adi Nadimpalli, một y sĩ từ New Orleans, nó gần như đi ngược lại với linh tính của mình. Ông vừa qua 3 tháng đứng đầu một bệnh viện chấn thương ở Cộng hoà Trung Phi bị chiến tranh tàn phá. Ông cho biết:


“Tôi đã quen rồi, nếu tôi nhìn thấy một người bị thương vì trúng đạn, thì tôi đi ngay, sờ mó, đeo bao tay vào, đeo ống nghe vào, xem điều gì đang xảy diễn. Và nơi dây, thì không phải thế, phải mặc trang phục vào, bảo đảm là không gặp rủi ro, không đặt người khác vào vòng rủi ro…”


Sứ mạng kế tiếp của ông Nadimpalli là Liberia, nơi số tử vong vì Ebola đã vượt quá 3 ngàn người. Ông đã từng đến đó trước đây:


“Tôi vẫn luôn có một điểm yếu trong tim đối với Liberia và người Liberia. Và nhìn thấy sự nguy hại, sự tàn phá … điều này đang xảy ra cho nhiều khối dân, toàn khu vực. Điều cần thiết là chúng ta phải đi.”


Ebola cũng đang gây ra một thiệt hại về tâm lý sâu xa đối với cả người bị bệnh lẫn những người chăm sóc cho họ. Nhân viên MSF đã ở tuyến đầu mô tả sự tuyệt vọng trong việc chống virut: tình trạng thiếu một liệu pháp đã được chứng minh, tỷ lệ tử vong cao, sự kiện không thể tiếp xúc bằng thể chất và an ủi các bệnh nhân đau đớn – và chỉ nguyên khối lượng nhu cầu. Điều phối viên cuộc hội thảo Brett Adamson nói tiếp:


“Bạn cảm thấy phải thoả hiệp với những gì bạn đang làm. Và bạn tự vấn và luôn cảm thấy cần phải làm hơn nữa. Nhưng bạn bị bó buộc bởi những giới hạn này … Tôi biết đối với rất nhiều người trong chúng tôi, lần đầu tiên khi chúng tôi bước vào các trung tâm xử lý Ebola, bạn sẽ khóc khi đi một vòng. Nhất là mấy lần đầu tiên.”


Cuộc hội thảo đề cập đến chấn thương tình cảm khi đáp ứng với vụ bột phát. Các tâm lý gia cũng thảo luận làm thế nào để nâng cao nhận thức trong các cộng đồng bị tác động về các phương cách để đề phòng Ebola lây lan và sự cần thiết phải ngăn tranh thành kiến đối với những người mắc bệnh.


Đến một lúc nào đó vụ bột phát sẽ ngăn chặn được. Cộng đồng công tác nhân đạo sẽ quay ra các khủng hoảng khác. Nhưng đối với những người sống sót sau Ebola thì câu chuyện sẽ chưa kết thúc, theo tâm lý gia Ane Bjoru Fjeldsater của tổ chức MSF:


“Bất cứ ai sống sót cũng đều đã mất một người nào đó. Họ trở lại với những thắc mắc lớn và những căn nhà trống trải và những láng giềng họ gặp ngoài đường. Ngay cả khi chúng ta có người cuối cùng đang hồi phục hay sắp chết, thì vẫn còn nhiều việc phải làm.”


Vì thế mà ở Brussels và ở Tây Phi, cuộc chiến chống Ebola còn lâu mới kết thúc và còn đang gay go hơn bao giờ hết.