Page 1 of 1

TT Obama không loại trừ khả năng kéo dài đàm phán hạt nhân v

PostPosted: Mon Nov 24, 2014 7:31 am
by NewsReporter
VOA - Arts and Entertainment

Từ trái: Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, bà Catherine Ashton, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond và Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tại Vienna, ngày 23/11/2014.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố việc kéo dài các cuộc đàm phán hạt nhân nhằm đạt được một thoả thuận toàn diện với Iran sẽ tuỳ thuộc vào diễn biến của các cuộc đàm phán mới nhất tại Vienna. Xuất hiện trên cùng một chương trình truyền hình của đài ABC hồi hôm qua, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo chống lại việc phạm một ‘lỗi lầm lịch sử’ nếu đạt một thoả thuận xấu với Tehran. Thông tín viên VOA Victor Beattie ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.


Thừa nhận những cách biệt giữa các lập trường thương thuyết của Iran và khối P5+1 vẫn còn đáng kể, Tổng thống Obama trả lời câu hỏi liệu các cuộc thương nghị có được kéo dài quan nửa đêm hôm nay hay không:


“Tôi nghĩ điều chúng ta sẽ làm là nhìn vào diễn biến của cuộc đàm phán cuối tuần.”


Tổng thống Obama cũng được hiệu liệu ông có tin tưởng rằng một thoả thuận kiềm chế chương trình hạt nhân Iran có được sự hậu thuẫn của Quốc hội Hoa Kỳ hay không.


“Tôi tin là, nếu chúng ta đạt được một thoả thuận có thể kiểm chứng được và bảo đảm rằng Iran không có khả năng phát triển vũ khí hạt nhân thì, không những tôi có thể thuyết phục Quốc hội, mà còn có thể thuyết phục dân chúng Hoa Kỳ rằng đó là điều nên làm.”


Ông Obama nói điều đáng mừng là thỏa thuận hạt nhân tạm thời đạt được cách đây 1 năm với Tehran đang có tác dụng qua việc ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran tiến tới. Còn về các quan hệ được cải thiện với Iran, ông Obama nói Iran là nước bảo trợ cho khủng bố và thái độ của Iran đối với các quốc gia như Israel vẫn còn là những trở ngại nghiêm trọng, song một thoả thuận hạt nhân sẽ giải quyết được phần lớn mọi chuyện trên bàn thương nghị.”


“… và bắt đầu một tiến trình lâu dài trong đó quan hệ, không phải chỉ giữa Iran và chúng ta, mà còn là quan hệ giữa Iran và phần còn lại của thế giới và khu vực, bắt đầu thay đổi. Không giống với Bắc Triều Tiên, là một nước hoàn toàn cô lập và hoàn toàn thiểu năng, Iran có cơ hội, theo tôi, thực sự phát triển. Tôi nghi là Tổng thống Hassan Rouhani sẽ muốn nắm lấy cơ hội đó, nhưng, cuối cùn,g ông sẽ phải đối phó với chính sự ở nhà, và ông không phải là người quyết định chung cuộc, mà là lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khameini.”


Xuất hiện trong cùng chương trình truyền hình “This Week” của đài ABC, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo chống lại việc đạt một thoả thuận xấu với Iran.


“Một thoả thuận xấu sẽ giúp Iran vẫn còn lại hàng ngàn máy ly tâm mà họ có thể sử dụng để tinh chế uranium cần thiết để chế tạo một quả bom hạt nhân. Họ có thể làm như vậy trong một thời gian rất ngắn. Tôi nghĩ nguyên tắc chủ chốt là: đừng bãi bỏ các biện pháp chế tài trước khi loại trừ khả năng của Iran chế tạo được một quả bom hạt nhân, và theo tôi hiểu, người Iran không đi gần đến chỗ chấp nhận điều đó, và nếu, vì bất cứ lý do nào, hoa Kỳ và các cường quốc khác đồng ý để Iran duy trì khả năng đó để khai thông bế tắc thì tôi cho rằng đó sẽ là một lỗi lầm lịch sử, không những bởi vì nó gây nguy cơ cho đất nước tôi là Israel, mà người cai trị Iran, Ayatollah Khamenei đã thề quyết tiêu diệt, mà còn bởi vì tôi cho là nó sẽ gây nguy cơ cho toàn vùng Trung Đông và thế giới.”


Ông Netanyahu nói Iran đã lợi dụng thoả thuận tạm thời để phát triển các mặt khác của chương trình hạt nhân. Ông nêu ra việc cơ quan nguyên tử năng Liên Hiệp Quốc, Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế IAEA, nói rằng Tehran từ chối không tiết lộ các thành phần của chương trình hạt nhân quân sự bí mật của họ. Ông kêu gọi các nhà thương nghị quốc tế hay duy trì và thậm chí siết chặt các biện pháp chế tài cho đến khi nào Iran thực hiện các nhượng bộ cần thiết để ngăn họ không phát triển vũ khí hạt nhân.


Chuyên gia phân tích về Trung Đông Stephen Zunes của trường Đại học San Francisco nói việc kéo dài các cuộc đàm phán hạt nhân dường như là điều không thể tránh được.


“Đây chủ yếu là bởi vì cả hai bên đã dành ra rất nhiều công sức kể từ khi đạt thoả thuận tạm thời hồi năm ngoái và sẽ là điều đáng buồn cho tất cả các bên liên hệ nếu như các cuộc đàm phán sụp đổ.”


Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng có một khoảng cách ngăn chia các lập trường của mỗi bên.


“Iran muốn bãi bỏ các biện pháp chế tài ngay tức thời, trong khi các nước Tây phương muốn việc bãi bỏ được thực hiện từng bước trong một thời gian để bảo đảm chính phủ Iran tuân thủ các cam kết. Các vấn đề khác bao gồm quy mô việc tinh chế uranium và khối lượng có thể phat triển, và với độ đậm đặc cỡ nào. Vì thế, đây vẫn còn là những vấn đề cơ bản đối với cả hai bên. Nó vẫn sẽ là một vấn đề hóc búa cho cả hai bên.”


Ông Zunes nói các nhà thương thuyết quốc tế, kể cả các đồng minh của Iran là Nga và Trung Quốc, đã đoàn kết một cách bất ngờ trong việc chống đối Iran thủ đắc vũ khí hạt nhân. Điều đó, theo ông, khiến cho Tehran nhận ra rằng sự chống đối chương trình của họ không phải chỉ mang tính chủ thuyết, mà còn mang tính quốc tế nữa.