Page 1 of 1

Các đối thủ chính trị ở Myanmar mở cuộc đàm phán hiếm có

PostPosted: Fri Oct 31, 2014 10:23 am
by NewsReporter
VOA - Arts and Entertainment

Tổng thống Myanmar Thein Sein và các đại biểu dự hội nghị bàn tròn tại dinh Tổng thống 31/10/14

Các cuộc đàm phán chưa từng có từ trước đến nay giữa các đối thủ chính trị của Myanmar và các nhà lãnh đạo quân đội đầy thế lực đã dẫn tới các cam kết thảo luận về cải cách chính trị và hoà đàm tại đất nước còn chia rẽ này. Từ văn phòng Đông Nam Á của đài VOA ở Bangkok, thông tín viên VOA Steve Herman gửi về bài tường thuật


Tổng thống Myanmar, tổng tư lệnh quân đội, và lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi là các nhân vật chính tại cuộc họp đầu tiên thuộc loại này vào một thời điểm tiến trình cải cách chính trị dường như bị khựng lại.


Phát ngôn viên của Tổng thống, ông Ye Htut cho hay người đứng đầu quân đội và các đối thủ chính trị tại cuộc họp “đã đồng ý thảo luận vấn đề tu chính hiến pháp tại quốc hội, theo như luật định.”


Ông không nói rõ các điều khoản nào của hiến pháp sẽ được đưa ra tranh luận.


Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ NLD muốn thay đổi điều khoản hiến pháp ngăn cấm bất cứ ai có người phối ngẫu hay con mang quốc tịch nước ngoài được lên làm tổng thống.


Cố phu quân của bà Suu Kyi là người Anh, và hai người con trai của bà cũng là người Anh.


Đảng NLD của bà đã thắng trong một cuộc bầu cử năm 1990 nhưng quân đội làm lơ trước kết quả. Đảng NLD tẩy chay một cuộc bầu cử tổ chức cách đây 4 năm vào thời điểm bà Suu Kyi đang bị quản thúc tại gia.


Quân đội giữ lại một phần tư số ghế trong viện lập pháp cho phép quân đội ngăn chặn các thay đổi hiến pháp. Một số nhà lập pháp muốn tu chính hiến pháp để bãi bỏ quyền phủ quyết này.


Cuộc họp tại Naypyidaw rõ ràng là lần đầu tiên người đứng đầu quân lực đầy quyền thế của Myanmar, Đại tướng Min Aung Hlaing mở một cuộc thảo luận với bà Suu Kyi.


Một số người tỏ ý hoài nghi về cuộc họp, và nêu ra điểm chỉ có 6 trong số 70 đảng đối lập được mời dự và chỉ có một số ít các nhóm sắc tộc.


Cuộc họp được sắp xếp vội vã diễn ra chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gọi 2 cú điện thoại cho tổng thống Myanmar và lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi.


Toà Bạch Ốc nói tổng thống đã nhấn mạnh với ông Thein Sein về “sự cần thiết phải có một tiến trình toàn diện và khả tin” cho cuộc bầu cử vào năm tới.


Ông Obama cũng kêu gọi người tương nhiệm giảm bớt căng thẳng xã hội và đạt được một cuộc ngưng bắn toàn quốc trong đoản ký. Ông đề cập cụ thể đến những căng thẳng và tình hình nhân đạo ở bang Rakhine, nơi người Rohingya Hồi giáo phải đối mặt với sự kỳ thị và bạo động dưới tay đa số theo Phật giáo.


Phát biểu với ban Miến ngữ của đài VOA, Đại sứ Hoa Kỳ ở Myanmar, ông Derek Mitchell tỏ ý quan ngại về tình trạng cải cách trong nước:


“Có vài điều đã đi giật lùi. Một vài điều không tiến được chút nào. Và một số điều đã có tiến bộ.”


Tổng thống Hoa Kỳ dự trù đi thăm Myanmar để dự hội nghị ASEAN và cuộc họp thượng đỉnh Đông Á vào tháng 11.


Giáo sư Jason Briggs tại chi nhánh trường đại học Webster ở Bangkok, nói rằng áp lực của Hoa Kỳ và cuộc họp thượng đỉnh sắp tới có thể có ảnh hưởng đến thời điễm của cuộc họp bất thường hôm nay ở thủ đô Myanmar.


“Đó là một ưu tiên đối với Hoa Kỳ. Tôi nghĩ có thể họ đang đi trước trong việc thảo luận vấn đề này tại cuộc họp thượng đỉnh.


Myanmar đặt bị đặt dưới sự kiểm soát tuyệt đối của quân đội từ năm 1962 đến năm 2010. Tướng hồi hưu Thein Sein lên làm tổng thống từ năm 2011, tiếp theo 4 năm nắm chức thủ tướng.