Page 1 of 1

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Đan Mạch căng thẳng vì vụ trao đổi với IS

PostPosted: Tue Oct 28, 2014 6:42 am
by NewsReporter
VOA - Arts and Entertainment

Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt loan báo tại một cuộc họp báo ngày 26/9 rằng sự đóng góp của Đan Mạch cho cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo sẽ bao gồm 7 máy bay chiến đấu F16 của Không quân Đan Mạch.

Vụ tranh chấp ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đan Mạch đang gia tăng vì việc phóng thích một người Thổ Nhĩ Kỳ bị nghi bắn một nhà văn Đan Mạch. Người ta tin rằng nghi can này được cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ thả khỏi nhà giam hồi tháng 9 trong khuôn khổ của một vụ trao đổi 49 con tin bị nhóm Nhà nước Hồi giáo bắt giữ, giờ đây đang chiến đấu trong hàng ngũ Nhà nước Hồi giáo ở Syria. Từ Istanbul, thông tín viên Dorian Jones của đài VOA có bài tường thuật sau đây.

 

Basil Hassan, người gốc Li Băng, 27 tuổi, bị Đan Mạch truy nã vì âm mưu ám sát nhà văn Lars Hedeggard, một người nổi tiếng về sự chỉ trích nhắm vào Hồi giáo.


Theo lời cảnh sát Đan Mạch, nghi can Hassan đã trốn khỏi Đan Mạch vào ngày xảy ra vụ nổ súng và đã tới Syria trước khi bị bắt tại phi trường Ataturk ở Istanbul hồi tháng tư trong lúc tìm cách nhập cảnh Thổ Nhĩ Kỳ bằng hộ chiếu giả.


Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong một thông cáo rằng Hassan được thả sau khi các thủ tục pháp lý thỏa đáng đã được áp dụng.

Theo tường thuật của báo chí, sau khi được thả, Hassan đã vượt biên sang Syria và gia nhập hàng ngũ của các chiến binh Nhà nước Hồi giáo.


Ông Semih Idiz, một nhà bình luận của nhật báo Taraf ở Thổ Nhĩ Ky,ø cảnh báo rằng vụ tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Đan Mạch về vấn đề này có phần chắc sẽ kéo dài.


"Đương nhiên là Đan Mạch rất tức giận. Chúng tôi đã thấy có những bình luận và phát biểu từ cấp cao nhất. Ngay cả ông tổng thống cũng đã lên tiếng nói rằng vấn đề chưa chấm dứt."


Chính phủ Đan Mạch dự trù nêu ra sự dính líu của Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ này khi Liên hiệp Châu Âu nhóm họp vào ngày 31 tháng 10 để tìm cách xác định vấn đề là Thổ Nhĩ Kỳ có tuân thủ các tiêu chuẩn của liên hiệp hay không.


Tuy nhiên, Ankara cũng có một cách để chống lại Copenhagen.


Hồi tuần trước, một tòa án Đan Mạch đã tha bổng cho 10 người Kurd bị tố cáo là đã chuyển gần 24 triệu đô la cho đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Thổ Nhĩ Kỳ. PKK, tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ cấm hoạt động, đã chiến đấu để đòi thêm quyền tự trị cho người Kurd. Đảng này bị Liên hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Nhà bình luận Idiz cho biết việc 10 nghi can người Kurd được thả chỉ làm gia tăng cảm nghĩ của phía Thổ Nhĩ Kỳ là Đan Mạch có thái độ đạo đức giả về việc chống khủng bố.


"Trong nhiều năm nay Ankara đã đòi Đan Mạch dẫn độ những người mà họ cho là các phần tử khủng bố PKK. Họ cũng đòi Đan Mạch đóng cửa một kênh truyền hình mà Thổ Nhĩ Kỳ nói là cái loa tuyên truyền của PKK, một tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là tổ chức khủng bố. Do đó, chúng ta thấy có yếu tố ăn miếng trả miếng trong vụ tranh chấp này."

Đan Mạch không phải là nước duy nhất ở Châu Âu quan tâm về việc Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do cho những nghi can khủng bố."


Tường thuật của báo chí cho biết Anh Quốc cũng tức giận vì hai công dân của họ nằm trong số gần 200 phần tử hiếu chiến mà Thổ Nhĩ Kỳ đã thả khỏi nhà giam để đổi lấy 49 người Thổ Nhĩ Kỳ bị Nhà nước Hồi giáo bắt làm con tin.


Các nhà phân tích cho rằng những vụ việc này có phần chắc sẽ làm gia tăng mối lo ngại về lập trường của Ankara trong cuộc chiến đấu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo.


Tuy nhiên, nhà bình luận Idiz cho rằng các quốc gia phương Tây không muốn đánh mất một đồng minh quan trọng là Thổ Nhĩ Kỳ, một nước giáp ranh với Syria và Iraq.


"Tôi nghĩ rằng đây là một tình huống tiến thoái lưỡng nan, bởi vì ấn tượng chung đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong việc này là không tích cực. Tuy Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh thiếu tích cực, nhưng dù sao thì họ cũng là một đồng minh mà NATO phải làm việc chung bằng cách này hay cách khác, bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ nằm ngay bên cạnh Syria."


Các mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các quốc gia phương Tây đang được nhiều người chú tâm theo dõi, trong lúc thành phố Kobani có thể bị lọt vào tay nhóm Nhà nước Hồi giáo. Tuy Ankara cho biết họ sẽ để cho các lực lượng người Kurd ở Iraq tới Kobani để chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi giáo, các nhà phân tích cho rằng điều đó chưa đủ để giảm thiểu mối lo ngại về lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống lại nhóm quá khích của người Hồi giáo Sunni.