Quân đội Mỹ cho biết họ đã thả dù vũ khí, đạn dược và tiếp liệu y tế cho những người Kurd đang bảo vệ thành phố Kobani ở miền bắc Syria trước cuộc tấn công của phiến quân Nhà nước Hồi giáo. Các nhà phân tích nói rằng hành động có thể gây căng thẳng cho các mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với Thổ Nhĩ Kỳ. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật của thông tín viên đài VOA Victor Beattie.
Bộ Tư lệnh Miền trung của quân đội Mỹ cho biết 3 chiếc vận tải cơ C-130 đã thực hiện những phi vụ thả dù tiếp liệu ở vùng phụ cận Kobani, trong đó có những vũ khí nhẹ do chính quyền người Kurd ở Iraq cung cấp. Các chuyến thả dù đầu tiên trong cuộc chiến ở thành phố biên giới này có mục đích giúp cho chiến binh người Kurd bảo vệ Kobani trước cuộc tiến công của Nhà nước Hồi giáo.
Thông cáo của quân đội Mỹ cho biết 135 cuộc không kích do Hoa Kỳ dẫn đầu gần Kobani đã làm chậm lại đà tiến của nhóm Nhà nước Hồi giáo trong trận đánh mà Ngũ giác đài nói đã gây tử vong cho hàng trăm chiến binh của nhóm khủng bố này.
Hôm thứ sáu, Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Miền trung, Đại tướng Lloyd Austin nói rằng những vụ không kích ở Syria và Iraq có mục đích làm sút giảm năng lực chỉ huy và kiểm soát của nhóm Nhà nước Hồi giáo.
"Chúng tôi đã có được những hiệu quả như mong muốn và chúng tôi tìm kiếm những bằng chứng của điều này chẳng những trong hoạt động đánh giá thiệt hại, mà quan trọng hơn nữa, chúng tôi nhận thấy những sự thay đổi trong cách thức hoạt động và chiến thuật của địch quân, phản ánh một sự sút giảm trong năng lực của họ và những hạn chế đối với sự di chuyển của họ. Thí dụ, chúng tôi không còn thấy họ di chuyển trên khắp nước trong những đoàn công voa lớn. Giờ đây họ di chuyển phần lớn trên một nhóm nhỏ những chiếc xe dân sự. Điều này gây cản trở cho khả năng tập trung và gia tăng khả năng tác chiến của họ. Chúng tôi cũng nhận thấy họ thay đổi cách thức truyền tin liên lạc, cho thấy họ không thể phối hợp, điều hợp các hoạt động của họ."
Tướng Austin nói rằng nhóm Nhà nước Hồi giáo đã dồn nhiều nỗ lực cho mục tiêu chiếm được Kobani và cảnh báo rằng thành phố gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ này có thể bị thất thủ, mặc dù ông cảm thấy phấn khởi trước quyết tâm bảo vệ thành phố của các chiến binh người Kurd.
Ông Rick Brennan, một nhà phân tích cấp cao của tổ chức nghiên cứu RAND Corporation ở Washington, cho biết việc Thổ Nhĩ Kỳ không chịu giúp các chiến binh người Kurd đã phương hại tới nỗ lực chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo.
"Việc Thổ Nhĩ Kỳ không để cho Mỹ sử dụng các căn cứ không quân ở nước họ để tấn công Nhà nước Hồi giáo và không để cho chiến binh người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ đến giúp các chiến binh người Kurd ở Kobani đang tạo ra một tác động tiêu cực đối với những hoạt động dài hạn ở Kobani."
Ông Brennan cũng nhanh chóng đề cập tới việc Thổ Nhĩ Kỳ phải đối phó với những hoạt động đòi ly khai của người Kurd thiểu số ở nước họ và Ankara đã hối thúc liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo đối đầu với Tổng thống Syria Bashar al-Assad để chấm dứt cuộc nội chiến bùng ra hồi tháng 3 năm 2011.
Hôm thứ bảy vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã thảo luận qua điện thoại với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về tình hình Kobani và những biện pháp để chặn đúng đà tiến của Nhà nước Hồi giáo. Đôi bên cam kết hợp tác với nhau để chống lại nhóm khủng bố này.
Hôm qua, ông Erdogan tuyên bố ông chống đối việc cung cấp vũ khí cho chiến binh người Kurd ở Kobani. Ông cho rằng Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd, tổ chức chính trị chính của người Kurd ở Syria, và cánh quân sự của đảng này tương đương với Đảng PKK ở Thổ Nhĩ Kỳ, là tổ chức mà cả Ankara lẫn Washington đều xem là một tổ chức khủng bố.
Các nhân vật tranh đấu ủng hộ người Kurd cho đài VOA biết rằng giới hữu trách Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn không cho các nhà tranh đấu ở Pháp, Đức và một số nước khác trong Liên hiệp Âu Châu tiếp tế lương thực và thuốc men cho Kobani. Ông Arizona Harki, một nhà tranh đấu ở Pháp, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ chẳng những ngăn chận việc vận chuyển các loại tiếp liệu phi sát thương mà còn ngăn không cho chiến binh người Kurd trở về Syria để chiến đấu chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm nay đã gặp gỡ các giới chức của Indonesia, Australia, Brunei, Philippines và Singapore tại Jakarta, nơi ông tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Joko Widodo.
Một giới chức tháp tùng Ngoại trưởng Kerry cho biết ông hy vọng Indonesia, Malaysia và Brunei – các nước có đa số dân theo đạo Hồi, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Ông cho biết Washington muốn tăng cường sự hợp tác với các nước Đông Nam Á để ngăn chận việc tuyển mộ chiến binh người nước ngoài, chống lại những chiến binh đó khi họ về nước, phá vỡ hoạt động kinh tài của các phần tử cực đoan và vô hiệu hóa những sự tuyên truyền của các nhóm khủng bố.
Các cuộc không kích ở Kobani:
Khói lửa bốc lên từ một đám cháy sau cuộc không kích ở Kobani, Syria, ngày 19/10/2014.
Chiến binh người Kurd đi bộ qua một con đường ở thị trấn Kobani, Syria, ngày 19/10/2014.
Khói bốc lên sau một cuộc không kích của liên minh ở Kobani, Syria, nhìn từ một đỉnh đồi ở ngoại ô Suruc, biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, ngày 19/10/2014.
Truyền thông theo dõi trận chiến ở Kobani trên một ngọn đồi ở ngoại ô Suruc, biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, ngày 19/10/2014.
Phi cơ chiến đấu của Mỹ thực hiện các vụ không kích phe chủ chiến Nhà nước Hồi giáo ở Kobani, ngày 19/10/2014.
Các chiến binh người Kurd tiến đến vị trí bên cạnh một chiếc xe tải nhỏ gắn súng máy trong hình ảnh chụp với ống kích 'siêu tele' xuyên qua các đám mây từ một đỉnh đồi ở ngoại ô Suruc, ngày 19/10/2014.
Các cột khói từ sau các vụ không kích giăng kín bầu trời Kobani, ngày 19/10/2014
Trẻ em người Kurd từ thị trấn Kobani ngồi phía sau một hàng rào tại trại tị nạn ở thị trấn phía đông nam Suruc trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, ngày 19/10/2014.
Trẻ em tị nạn người Kurd từ thị trấn của Kobani tại thị trấn đông nam Suruc trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, ngày 19/10/2014.
Người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ theo dõi diễn tiến ở thị trấn Kobani từ cửa khẩu Mursitpinar trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, ngày 19/10/2014.
Phóng viên ảnh chụp hình thị trấn Kobani từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria tại thị trấn đông nam Suruc, ngày 19/10/2014.
- Người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ theo dõi cuộc chiến ở Kobani từ cửa khẩu Mursitpinar trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, ngày 19/10/2014.
Khói bốc lên sau một cuộc oanh kích ở Kobani trong lúc giao tranh ác liệt tiếp diễn giữa các chiến binh người Kurd và nhóm chủ chiến Nhà nước Hồi giáo, ngày 19/10/2014.
Tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70) và USS George HW Bush tại Vịnh Ả Rập, ngày 18/10/2014.