Hệ thống giam giữ di dân Úc ảnh hưởng sức khỏe tâm thần của
Một bác sĩ tâm thần nói với một ban Điều tra Nhân quyền Australia rằng các giới chức di trú Úc đã yêu cầu ông giấu nhẹm những con số thống kê về tình trạng sức khỏe tâm thần đang xấu đi của những đứa trẻ bị tạm giam. Ông Peter Young là Giám đốc Y tế của Bộ Di Trú trong ba năm cho tới hồi gần đây. Ông Young là nhân vật cao cấp nhất – từ trong nội bộ- đã lên án hệ thống giam giữ di dân của Úc.
Mohsin, một thiếu niên sắc tộc Haraza đến từ Afghanistan, đã trốn sang Pakistan khi mới lên 7 tuổi. Gia đình của Mohsin đã chạy trốn những vụ bạo động giữa các cộng đồng dân cư, nhưng sau đó phải đối mặt với mối hiểm nguy mới.'
"Em đã ở Pakistan. Mỗi ngày đều có những vụ giết người nhắm đúng mục tiêu, mỗi ngày đều có bom nổ."
Trong cuộc tìm kiếm tuyệt vọng để tìm một nơi an toàn, Mohsin trốn sang Úc bằng thuyền khi còn là một đứa trẻ cách đây 4 năm. Cậu bé bị giam giữ nhiều tháng trong trại tạm giam người nhập cư trước khi được cấp quy chế tị nạn.
"Tình trạng rất là căng thẳng, và luôn luôn bị trầm cảm. Trung tâm tạm giam cũng giống như một nhà tù. Em đã trông thấy nhiều trẻ em trạc tuổi mình tự hủy hoại bản thân, vì chán đời hoặc bị căng thẳng tinh thần.
Trả lời câu hỏi của phóng viên là cụ thể em đã trông thấy những đứa trẻ ấy làm gì, Mohsin đáp:
“Chúng tự hủy hoại thân thể, tự cắt vào da. Đại khái như vậy, những điều hết sức vô lý khi phải chứng kiến xảy ra trước mắt.”
Một cuộc điều tra do Ủy ban Nhân quyền Australia tiến hành về những trẻ em bị tạm giam đã nghe lời chứng của một cựu giám đốc đứng đầu một toán bác sĩ tâm thần của Bộ Di Trú. Bác sĩ Peter Young tố cáo các giới chức y tế đã yêu cầu ông giấu nhẹm những con số thống kê về sức khỏe tâm thần của những đứa trẻ bị tạm giam. Bác sĩ Young phát biểu:
"Những đứa trẻ này tự chúng đã thuộc nhóm dễ phát triển những triệu chứng rối loạn lo âu, trầm cảm và một loạt các chứng rối loạn hành vi. Sự thực là Bộ Di Trú đã bị chấn động vì sự tiết lộ các kết quả này, và theo tôi nghĩ họ không biết phải làm gì. Vì thế họ đã yêu cầu chúng tôi không phổ biến kết quả, chúng tôi không trình bày những kết quả đó cho họ một cách chính thức. "
Các nhà vận động từ lâu cho rằng các trung tâm tạm giam của Bộ di trú Úc không phải là nơi chốn cho trẻ em.
Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền, Giáo sư Gillian Triggs, cho biết ban điều tra đã được nghe những câu chuyện khủng khiếp về tác động của trại giam đối với trẻ em. Giaó sư Triggs nói:
"Chúng tôi đã yêu cầu những người chứng kiến cung cấp cho chúng tôi những ví dụ cụ thể về các hành vi tự huỷ hoại thân thể hoặc có ý định tự sát. Một trong những cách đó là uống thuốc rửa chén hay bột giặt. Tự đập đầu vào tường là hành động rất phổ biến. Nhảy xuống từ những điểm cao. Chúng tôi đã nghe có nhiều người lấy túi nhựa trùm kín đầu, sử dụng khăn trùm đầu để treo cổ. Rất nhiều ví dụ."
Các giới chức di trú Úc khẳng định là những đứa trẻ được chăm sóc tốt trong những trại tạm giam.
Bộ trưởng Bộ Di trú Australia Scott Morrison nói những cáo buộc về một vụ che đậy tình trạng sức khỏe tâm thần của trẻ em sẽ được điều tra kỹ lưỡng. Ông phát biểu:
"Những lời chứng sẽ được cung cấp, sẽ được kiểm tra, và sẽ có một phúc trình được soạn thảo, tôi sẽ xem xét phúc trình này. Và như tôi luôn luôn trình bày- giờ tôi đã nghe Hội Chữ thập đỏ, tôi đã lắng nghe những người khác tại các trung tâm tạm giam, tổ chức Save the Children, họ đã đến với tôi tại các cuộc họp mà tôi tổ chức. Họ đã đưa ra những đề nghị hay, tôi đã lắng nghe những đề nghị đó và chúng tôi đã cải thiện các điều kiện, không chỉ tại Nauru, mà còn trên đảo Christmas. Quý vị hãy nhớ rằng chính chính phủ của chúng tôi đã cho phép những đứa trẻ cắp sách đến trường trên đảo Christmas. Khi tôi lên nắm chức Bộ trưởng Di trú, không có quỹ tài trợ cho trẻ em đi học mỗi ngày. "
Chính phủ Australia hôm thứ ba cho biết sẽ phóng thích một số trẻ em hiện đang bị giam cầm, và trả các em về với cộng đồng.
Động thái này đã được các tổ chức nhân quyền hoan nghênh một cách thận trọng. Những thay đổi đó chỉ áp dụng cho trẻ dưới 10 tuổi và nằm trong số những người đến Australia trước tháng Bảy năm ngoái.
Như vậy sẽ có khoảng 150 trẻ em được phóng thích, tuy nhiên sẽ còn 500 em khác tiếp tục bị giam giữ tại Nauru, trên đảo Christmas và trong các trại tạm giam khác trên lục địa nước Úc.