Quân đội Mỹ thu hẹp hỗ trợ chống khủng bố ở nam Philippines

PostThu Jul 10, 2014 12:39 pm

VOA - Arts and Entertainment

Nhóm Abu Sayyaf có thời khét tiếng với những vụ đánh bom qui mô lớn.

Quân đội Mỹ đang thu hẹp qui mô của chương trình hỗ trợ chống khủng bố ở miền nam Philippines sau hơn một thập kỷ luân phiên bố trí binh sĩ ở quốc gia Đông Nam Á này. Từ Manila, thông tín viên Simone Orendain gởi về bài tường thuật sau đây.


Các quan chức chính phủ Mỹ nói công việc của họ với quân đội Philippines đã “thành công trong việc làm giảm thiểu đáng kể khả năng của các nhóm khủng bố trong nước và xuyên quốc gia.”


Ông Casey Staheli là phát ngôn viên của Lực lượng Đặc nhiệm về những cuộc hành quân hỗn hợp đặc biệt ở Philippines, gọi tắt là JSOTF-P. Ông nói các nhóm khủng bố đã chuyển đổi thành những thành phần tội phạm.


“Đã đến lúc đánh giá lại vị trí của chúng tôi ở đây và cách tốt nhất để chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các lực lượng an ninh Philippines. Với mục đích như vậy, các nhà hoạch định quân sự của cả Mỹ và Philippines đang tìm cách điều chỉnh sự hiện diện của chúng tôi trong chương trình JSOTF-P.”


Ông Staheli nói trọng tâm của lực lượng Mỹ đang chuyển đổi từ việc giúp đỡ Philippines trong những hoạt động có tính chất chiến thuật ở thực địa thành sự hỗ trợ về mặt chiến lược và hoạch định. Ông cho biết lực lượng này có 320 quân nhân Hoa Kỳ. Một toán nhỏ hơn của các viên chức cấp cao sẽ tham gia những công tác về chiến lược.


Một năm sau những vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 ở Mỹ, quân đội Hoa Kỳ đã bắt đầu bố trí binh sĩ theo cách luân phiên tới đảo Mindanao ở miền nam Philippines, nơi đặt sào huyệt của một nhóm khủng bố có liên hệ với al-Qaida.


Nhóm Abu Sayyaf có thời khét tiếng với những vụ đánh bom qui mô lớn. Nhưng trong 12 năm qua, số chiến binh của nhóm này đã giảm mạnh và hiện giờ chỉ còn vài trăm tay súng, trong lúc những cuộc phản công quân sự đã được tăng cường với sự hỗ trợ của binh sĩ Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, nguồn tài trợ của nhóm này cũng cạn kiệt vì hoạt động tài trợ khủng bố bị ngăn chặn trên khắp thế giới. Nhóm Abu Sayyaf đã từ bỏ những chủ trương ý thức hệ và trở thành một nhóm tội phạm chuyên thực hiện những vụ bắt cóc tống tiền, chặt đầu và đánh bom.


Ông Matt Williams, giám đốc quốc gia ở Philippines của công ty tư vấn rủi ro kinh doanh PSA, cho biết trong lúc Hoa Kỳ thu hẹp chương trình chống khủng bố ở Philippines, vẫn còn mối rủi ro khủng bố ở hai nước láng giềng là Malaysia và Indonesia.


"Phải chăng quân đội và các cơ quan tình báo Philippines giờ đây đã có khả năng để tiếp tục ngăn không cho những nhóm này xâm nhập Philippines, hay là chúng ta sẽ mất đi rất nhiều những thành quả đạt được trong 10 năm qua?"


Ông Carl Baker, một chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Washington, nói rằng chính phủ ở Manila và nhóm phiến quân Hồi giáo lớn nhất nước đã đạt được những tiến bộ lớn trong việc thành lập một vùng tự trị ở miền nam dựa theo một hòa ước ký kết hồi gần đây. Nhưng ông cho rằng vẫn còn những mối đe dọa trong nước.


"Vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Và trong những tình huống giống như vụ xung đột lâu năm đã diễn ra ở miền nam Philippines, chúng ta luôn luôn có những nhóm thoát ly. Những nhóm thoát ly này vẫn có thể gây ra nhiều sự cản trở."


Ông Rodolfo Mendoza, một chuyên gia về vấn đề khủng bố của Viện nghiên cứu Hòa bình, Bạo động và Khủng bố Philippines, cho biết những nhóm nhỏ hơn, tách ra từ các nhóm nổi dậy Hồi giáo, đang bắt tay với nhau.


"Tiến trình hòa bình đối với vẫn là một cánh cửa bị đóng kín. Họ bị xem là những kẻ khủng bố và do đó họ phải tối đa hóa các chương trình hoạt động khủng bố của họ. Bây giờ họ đang làm điều đó."


Tướng Domingo Tutaan, phát ngôn viên quân đội Philippines nói rằng sự thay đổi trong chương trình chống khủng bố của Mỹ sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động quân sự của Philippines ở miền nam.


"Họ cũng đã tiến hành những chương trình huấn luyện cho những huấn luyện viên, cho nên việc chuyển giao kiến thức và khả năng chuyên môn vẫn tiếp tục được thực hiện."


Ông Baker cho biết sự chuyển đổi này cũng diễn ra sau khi Philippines chuyển trọng tâm vào việc bảo vệ lãnh thổ và đối phó với những mối đe dọa từ bên ngoài. Chương trình hiện đại hóa quân đội của nước này nghiêng hẳn về việc tăng cường khả năng phòng vệ trước những vụ tấn công có thể có của những nước khác.


Phát ngôn viên Casey Staheli cho biết Lực lượng Đặc nhiệm về những cuộc hành quân hỗn hợp đặc biệt ở Philippines “sẽ không còn tồn tại” vào nửa đầu của năm 2015.


NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Văn Nghệ Và Điện Ảnh - Arts and Entertainment

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1028 guests

cron