Khi Quốc hội Việt nam thông qua việc xét duyệt đạo luật Hôn nhân và Gia đình, các nhà hoạt động cho quyền lợi của những người đồng giới và chuyển giới đã thất vọng. Nhưng bất kể trở ngại, họ vẫn tiếp tục tranh đấu. Từ Hà Nội, thông tín viên Marianne Brown gửi về bài tường thuật cho đài VOA.
Khi Bộ Tư pháp đề nghị bao gồm các cặp đồng tính trong việc cải tổ bộ luật Hôn nhân và gia đình năm 2012, nhiều người hy vọng sự kiện này sẽ mở đường để Việt Nam trở thành nước đi đầu về quyền dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới trong khu vực.
Thoạt đầu, một số người tin rằng Việt Nam có thể trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Châu Á hợp thức hóa các cuộc hôn nhân đồng tính. Nhưng khi cuộc tranh luận diễn tiến, thì các hy vọng này đã dần bị xói mòn.
Khi cuối cùng được thông qua tháng trước, bộ luật đã bãi bỏ một điều khoản xác định quyền hợp pháp được chung sống của các cặp đồng tính. Ông Lê Quang Bình, giám đốc viện Kháo cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, còn gọi tắt là iSEE, nói rằng đó là một thất vọng lớn.
“Việt Nam đã không thực sự bảo vệ quyền được sống với người mình yêu thương cho những người đồng tính, song tính và chuyển giới, (còn gọi là LGBT) ở Việt Nam. Tôi nghĩ Việt Nam có thể làm nhiều hơn là chỉ cải từ ‘cấm’ qua từ ‘không thừa nhận’ hôn nhân đồng giới.”
Nhiều nhà lập pháp nói họ tin là các quan hệ đồng tính nên được quy định trong bộ dân luật hơn là Bộ luật Hôn nhân và Gia đình. iSEE nay đang làm việc với Bộ Tư pháp để bao gồm quyền của những người chuyển giới được thay đổi giới tính và bao gồm các những cuộc kết hôn theo dân luật.
Nhưng ông Bình nói như thế vẫn chưa đủ.
“Ðối với dân luật, thì nội dung chủ yếu là hệ quả pháp lý của các cặp đồng giới, nhưng theo Bộ luật Hôn nhân và Gia đình thì nội dung là tình thương yêu, các mối quan hệ, sự cam kết. Nó mang nhiều ý nghĩa hơn so với dân luật. Nó hoàn toàn khác về mặt ý nghĩa pháp lý.”
Hai năm vừa qua đã chứng kiến cộng đồng đồng giới, song giới và chuyển giới trở nên tự tin hơn và công khai hơn, với các hoạt động nổi bất khắp nước, từ những cuộc trình diễn vũ điệu và âm nhạc cho đến các cuộc triển lãm ảnh.
Cô Nguyễn Thanh Tâm thuộc một toán nằm sau Viet Pride, cuộc diễn hành đầu tiên của những người đồng giới ở Việt Nam, khởi đầu vào năm 2012.
Cô nói mọi người nên được hưởng quyền kết hôn bất kể xu hướng tình dục hay lai lịch giới tính.
“Nhưng đồng thời đây không phải là hình thức bình đẳng duy nhất mà chúng tôi muốn đạt được. Chúng tôi còn muốn có một thái độ chấp nhận đối với tính đa dân về tính dục, và mọi sự khác biệt mà mọi người có.”
Hội Phụ nữ và các đại biểu Quốc Hội nói xã hội Việt Nam chưa sẵn sàng chấp nhận những thay đổi mà những người hoạt động tán thành. Nhưng một số người nêu thắc mắc liệu luật lệ nên đi theo hay hướng dẫn công luận.
Cô Tâm nói tiếp:
“Tôi nghĩ ở những nước như Mỹ, các luật lệ bày tỏ thái độ và nếu thay đổi luật lệ thì mọi sự sẽ yên vị. Nhưng tôi không cho rằng bối cảnh ở Việt Nam đi theo hướng đó. Chúng ta phải nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ của công chúng cùng lúc với việc thay đổi luật lệ và 2 việc đó phải hỗ trợ cho nhau.”
Xã hội sẵn sàng cho một sự thay đổi như thế, theo nhận định của bà Pauline Oosterhoff, đồng tác giả của cuộc khảo cứu “Thương lượng các Không gian Công cộng và Pháp lý: Sự Xuất hiện của một phong trào LGBT ở Việt Nam) do Viện Nghiên cứu Phát triển thực hiện.
“Ta có thể thấy toàn bộ sự động viên mà những người ngoài đường phố đã được rất nhiều sự ủng hộ. Nhưng tôi nghĩ Hội Phụ nữ chẳng hạn hoặc một số bộ phận của Hội Phụ nữ, hoặc một số bộ phận của Ủy ban Nhân dân chưa sẵn sàng.”
Lòng hiếu thảo được coi rất trọng ở Việt Nam, khi nói về bổn phận của người con trai trưởng, được trông đợi sẽ chăm sóc cha mẹ già.
Nhưng trở ngại này cũng là một phần của một khung cảnh lớn hơn - những hạn chế rộng rãi hơn về xã hội dân sự nói chung.
Sau đây là ý kiến của bà Oosterhoff:
“Tôi cũng nghĩ rằng có một sự siết chặt nói chung ở Việt Nam vào lúc này bởi vì tất cả tình hình chính trị nội bộ. Tôi cảm thấy có những hạn chế sâu rộng hơn trong các tổ chức xã hội dân sự vào lúc này. Do đó cũng có thể là sự việc không được tính toán đúng về thời điểm.”
Bà mô tả tiến bộ về xã hội dân sự giống như bước nhảy phổ biến cha cha cha - một bước tới, một bước qua trái, qua phải, rồi lại lùi và tiến.
Cũng như bộ dân luật, ông Bình nói iSEE đang làm việc về một bộ luật bình đẳng và chống kỳ thị mà Việt Nam đã cam kết thông qua trong 4 năm sắp tới.
Trong khi đó, những người hoạt động chuẩn bị cho cuộc diễn hành Viet Pride lần thứ ba vào tháng 8, dự kiến sẽ lớn nhất từ trước tới giờ.