Công nghiệp hải sản Thái Lan phủ nhận liên hệ tới buôn người
Thái Lan thu về hơn 7 tỉ đôla hàng năm trong tư cách là một nước xuất khẩu hải sản lớn hàng thứ ba trên thế giới. Nhưng ngành này đã bị tai tiếng vì có liên hệ đến nạn buôn người. Giới lãnh đạo ngành cung cấp tôm và cá ngừ nói họ bị bôi nhọ một cách bất công, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp của họ hiện đang sử dụng hàng trăm ngàn người.
Ngành đánh cá Thái Lan trông cậy vào lao động di trú. Các tổ chức nhân quyền và truyền thông Tây phương đã phát hiện được những bằng chứng về một hệ thống nô lệ tàn bạo sử dụng những công nhân bị mua bán.
Ông Min Min Chan, người Miến Điện khai rằng cách đây 8 năm, lúc 17 tuổi, ông bị một người tuyển mộ lừa gạt và bán cho một tàu đánh cá Thái Lan với giá xuýt xoát trên 600 đô la.
Ông nói trong vài năm, ông làm việc vất vả trên tàu, ít ngủ, ít nước uống và ít thực phẩm. Và khi ông bị bệnh nặng, thuyền trưởng cũng nói là ông không được nghỉ ngơi.
Ông Chan cho biết: “Tôi nghĩ nhảy xuống nước chết đi còn hơn là chết vì bị những người này tra tấn. Khi tôi sắp sửa nhảy xuống biển thì bạn tôi ôm tôi lại cứu mạng tôi.”
Sau đó ông trốn thoát và lánh mình trên đảo Ambon của Indonesia cho đến năm nay khi ông được Tổ chức Di dân Quốc tế giúp hồi hương.
Những lời khai như vậy khiến cho Thái Lan bị liệt kê trong danh sách những nước vi phạm buôn người tệ nhất trên thế giới.
Trong phúc trình hàng năm về vấn đề này, công bố thứ Sáu tuần trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viện dẫn những cuộc thăm dò nói rằng có khoảng từ 17% đến 57% những người trong ngành hải sản Thái Lan làm việc trái với ý muốn của họ.
Những số liệu thống kê này bị các giới chức ngành hải sản Thái Lan bác bỏ. Họ nêu nghi vấn về các nguồn tin và tính tin cậy của những dữ liệu.
Hiệp hội Ngành Cá ngừ Thái Lan, thành lập vào năm ngoái, nói họ cho phép bên ngoài kiểm chứng để đảm bảo là các công nhân được đối xử phù hợp với đạo đức.
Tại một cuộc họp báo ngày hôm qua, một liên minh ngành tôm đông lạnh Thái Lan tuyên bố là “không có nô lệ liên hệ đến hệ thống cung cấp tôm.”
Một nhà lãnh đạo ngành này, ông Panisuan Jamnarnwej, nói không có nạn bóc lột lao động trong ngành tôm của Thái Lan từ nhiều năm qua.
Cựu chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Đông lạnh Thái Lan nói ngành này không thể đánh liều che giấu những thông tin gây thiệt hại.
Ông Jamnarnwej nói: “Chúng tôi phải giải quyết vấn đề nhận xét của người tiêu dùng. Chúng tôi phải cung cấp sự thật. Nếu chúng tôi nói dối, sớm muộn gì, việc này cũng bị phát hiện và hậu quả còn tệ hại hơn những gì xảy ra lúc này.”
Phóng viên Đài VOA Steve Herman hỏi “Như thế ông tin tưởng là những tin tức ông có được là đúng sự thật phải không?”
Ông Panisuan Jamnarnwej trả lời là đúng.
Sự phơi bày thông tin này đang có tác dụng. Một số nhà bán lẻ quốc tế lớn đang không nhận các nguồn cung cấp có liên hệ đến cáo buộc nô lệ. Những người mua ở nước ngoài đang có kế hoạch làm việc với những tổ chức phi chính phủ để cố gắng bảo đảm rằng không có lao động cưỡng bách trong dây chuyền cung cấp hải sản.