Page 1 of 1

Khinh Dân và Sợ Dân

PostPosted: Tue Jun 10, 2014 9:16 pm
by NewsReporter
VOA - Arts and Entertainment

Các nhà lãnh đạo Việt Nam
Từ ngày Trung Quốc mang giàn khoan HD-981 đến thềm lục địa Việt Nam, trong phản ứng của nhà cầm quyền Việt Nam, có mấy hiện tượng đáng chú ý:

 

Thứ nhất, tất cả những lời phát biểu quan trọng nhất mà giới lãnh đạo Việt Nam tuyên bố đều ở ngoài Việt Nam: Một, ở Philippines (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) và hai, ở Singapore (Đại tướng Phùng Quang Thanh). Ở trong nước, với chính người Việt Nam, tất cả đều im lặng. Tại sao? Lý do dễ hiểu: Họ hoàn toàn coi thường người dân trong nước. Với dân chúng Việt Nam, họ không cần giải thích. Họ không cần phát biểu. Khi cần, họ ra lệnh. Không nghe lệnh, họ đánh hoặc bắt. Vậy thôi.

 

Thứ hai, nhà cầm quyền Việt Nam khuyến khích người Việt ở hải ngoại xuống đường biểu tình phản đối hành động gây hấn ngang ngược của Trung Quốc, nhưng ở trong nước, họ lại cấm. Tại sao? Ở đây, lại có đến hai lý do: Một, họ coi thường người dân trong nước; và hai, quan trọng hơn, họ sợ. Có hai cái sợ: Một, sợ Trung Quốc nổi giận; và hai, sợ dân chúng biến các cuộc biểu tình chống Trung Quốc thành những cuộc biểu tình chống lại họ. Tại sao họ lại sợ như vậy? Cũng có hai lý do: Một, họ thiếu tự tin; và hai, quan trọng hơn, họ biết dân chúng không thích và không tin họ, thậm chí, còn cho họ đã bán đứng Việt Nam cho Trung Quốc. Cái sợ ấy làm cho họ yếu hẳn đi. Trước hết, yếu với nhân dân: Họ tự cô lập mình thành một thiểu số lúc nào cũng phập phồng lo âu; hai, yếu với Trung Quốc: họ không có được sự hậu thuẫn của dân chúng trong cuộc đương đầu với Trung Quốc, cả về phương diện quân sự lẫn phương diện ngoại giao; cuối cùng, yếu trong các cuộc thương lượng với thế giới: Họ không đại diện cho ai cả.

 

Thứ ba, chỉ có các nhà lãnh đạo chính phủ, từ Thủ tướng xuống Bộ trưởng và Đại tướng, còn Tổng bí thư, người, trên nguyên tắc, có vai trò lãnh đạo cao nhất thì lại hoàn toàn lánh mặt. Báo chí thế giới tường thuật ông Nguyễn Phú Trọng xin sang Trung Quốc để nói chuyện với Tập Cận Bình hai lần nhưng cả hai lần đều bị từ chối. Chả lẽ ông chỉ muốn nói chuyện với Tập Cận Bình nhưng lại không có gì để nói với mấy triệu đảng viên và dân chúng Việt Nam? Tại sao? Tôi không biết. Nhưng tôi biết chắc chắn một điều: Ông đang thoái thác vai trò lãnh đạo của mình. Ông đang trốn tránh trách nhiệm. Ông hoàn toàn không xứng đáng với chiếc ghế và những bổng lộc ông đang có.

 

Thứ tư, như phần lớn các nhà bình luận trên thế giới nhận định, chính quyền Việt Nam rất bối rối trong việc đối phó với sự gây hấn của Trung Quốc. Sự im lặng bất thường của Nguyễn Phú Trọng hoặc những phát ngôn mâu thuẫn nhau của những người lãnh đạo thuộc loại cao cấp nhất trong chính phủ có thể xem như một biểu hiện của sự bối rối ấy.

 

Bản thân sự bối rối ấy, thật ra, rất đáng ngạc nhiên. Đã đành chính trị luôn có những bất ngờ. Tuy nhiên, dưới mắt giới quan sát quốc tế, việc Trung Quốc mang giàn khoan HD-981 đến thăm dò dầu khí ngay trên thềm lục địa Việt Nam là một điều có thể đoán trước được. Từ cả hơn 10 năm nay, Trung Quốc luôn luôn khẳng định chủ quyền trên Biển Đông, luôn luôn bày tỏ ý đồ thăm dò và khai thác dầu khí trên Biển Đông và luôn luôn xúc tiến việc hiện đại hoá hải quân cũng như các kỹ thuật thăm dò và khai thác dầu khí dưới lòng biển. Không cần tinh tế, người ta cũng biết Trung Quốc sẽ làm gì.

 

Nhưng dường như chính quyền Việt Nam lại không biết. Có lẽ họ quá tin tưởng vào quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Có điều, một sự tin tưởng như vậy có thể khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi, trên thực tế, lâu nay, Trung Quốc chưa từng chứng tỏ bất cứ thiện chí hoà giải nào đối với Việt Nam. Họ vẫn luôn luôn lấn hiếp Việt Nam. Có vô số các biến cố nho nhỏ xảy ra gần như khá thường xuyên trong những năm qua chứng tỏ thái độ gây hấn ngang ngược của Trung Quốc. Tại sao chính quyền Việt Nam không thấy? Nói họ nhẹ dạ có lẽ không đúng. Có lẽ còn những lý do sâu xa gì khác. Nhưng có một điều chắc chắn: không có một lý do nào liên hệ đến chiến lược hay sự tính toán khôn ngoan nào cả. Nếu khôn ngoan, bây giờ họ đã không đến nỗi bối rối như vậy.

 

Thứ năm, ngoài sự bối rối, giới phân tích chính trị cũng nhận ra một điểm khác ở nhà cầm quyền Việt Nam: sự phân hoá. Tựu trung có hai nhóm khác nhau: Một nhóm muốn ngả về Tây phương, một nhóm muốn tiếp tục thoả hiệp với Trung Quốc. Cần nói ngay: trong hoàn cảnh Trung Quốc đang xâm lấn lãnh hải Việt Nam, một chủ trương thoả hiệp cũng đồng nghĩa với một chủ trương đầu hàng, hơn nữa, một sự phản bội. Nói có một bộ phận trong giới lãnh đạo Việt Nam muốn thoả hiệp với Trung Quốc cũng có nghĩa là nói trong họ có một số kẻ đã bán linh hồn cho Trung Quốc. Những kẻ ấy là ai? Chúng ta không biết. Những kẻ ấy thừa khôn ngoan để không bao giờ bộc lộ công khai quan điểm của mình. Chúng ta chỉ biết chắc chắn một điều: Họ phải khá đông và phải ở những cương vị quan trọng nên nhóm muốn ngả về Tây phương không thể làm gì được họ.

 

Trong cái gọi là nhóm muốn ngả theo Tây phương ấy cũng có thể có hai mức độ: Một, họ muốn thân thiện với Tây phương, muốn trở thành đối tác chiến lược với Tây phương để dùng sự hậu thuẫn của Tây phương chống cự lại Trung Quốc. Hai, muốn theo mô hình chính trị của Tây phương, nghĩa là, sẽ dân chủ hoá, dù, trên thực tế, chắc chắn họ chỉ chấp nhận biện pháp dân chủ hoá từ từ, từng bước, từng bước. Có lẽ trong giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay, người ta chỉ dừng lại ở mức độ thứ nhất. Khó tin là có ai trong giới lãnh đạo hiện nay nghĩ đến việc dân chủ hoá hoàn toàn.

 

Bất cứ đặc điểm nào nêu trên cũng đều là những điều đáng tiếc.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.