Các lực lượng an ninh Trung Quốc, cả sắc phục lẫn thường phục, trong tư thế cảnh giác cao, kiểm tra giấy tờ tùy thân của người qua lại khu vực này và không cho phép phóng viên báo chí đến quảng trường để đưa tin.
Trung Quốc chưa bao giờ công bố đầy đủ thông tin về biến cố ngày 3 và 4 tháng 6 năm 1989 khi quân đội tàn sát hàng trăm, nếu không phải là hàng ngàn, người biểu tình tay không.
Trung Quốc không cho phép bàn luận công khai về vụ tàn sát này, và đã dùng mọi biện pháp để tẩy xóa mọi ký ức tại quốc gia này về biến cố Thiên An Môn.
Tòa Bạch Ốc hôm thứ Tư kêu gọi Trung Quốc phải kiểm kê những người bị giết hại, bắt giữ, hay mất tích liên quan đến vụ trấn áp này.
Thông cáo của Tòa Bạch Ốc nói rằng Hoa Kỳ “sẽ luôn lên tiếng ủng hộ các quyền tự do cơ bản mà người biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn mưu tìm.”
Washington cũng yêu cầu Bắc Kinh trả tự do cho hàng chục người chỉ trích chính phủ đang bị bắt giam hoặc quản thúc tại gia trước dịp đánh dấu này.
Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Ba đã bênh vực cho những vụ bắt giam này, và nói rằng Trung Quốc chỉ trừng phạt những “kẻ vi phạm luật pháp” chứ không phải “những người bất đồng chính kiến.”
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng bênh vực cho vụ đán áp năm 1989, và nói rằng Trung Quốc “từ lâu” đã đi đến kết luận về vụ này rồi. Thay vào đó Trung Quốc đã tập trung vào phát triển kinh tế nhanh chóng kể từ đó.
Ông Trầm Đồng là sinh viên năm thứ ba tại Đại học Bắc Kinh khi vụ tàn sát này xảy ra. Ông nói với đài VOA rằng lúc đó ông không nghĩ là quân đội Trung Quốc lại giết thường dân.
“Đó là một trong những chuyện mà một ngày trước đó chúng ta cho rằng nó không thể nào có được, nhưng ngày hôm sau nó lại trở thành một chuyện có thật. Nói rõ hơn, tôi chắc rằng không một ai nghĩ rằng chuyện đó xảy ra. Nhưng khi giờ khắc ấy thực sự đến với chúng ta, mọi yếu tố trước đó dường như đã dẫn đến hậu quả không tránh được ấy.”
Ông Trầm Đồng đã bị buộc phải rời khỏi Trung Quốc nếu muốn yên thân sau vụ đàn áp. Ông nói vụ tàn sát này tiêu biểu cho một cơ hội bị bỏ lỡ đối với Ðảng Cộng sản để họ cởi mở hơn với ý nguyện của người dân.
Trung Quốc lẽ ra có thể đi theo con đường phát triển quân bình hơn thay vì theo đuổi cách làm bất cân xứng này, hướng hoàn toàn vào chủ nghĩa vật chất, mà nay hậu quả là nền tảng đạo đức và xã hội ở Trung Quốc bị phá vỡ.
Cuộc biểu tình năm 1989 bao gồm mọi thành phần người Trung Quốc, trong đó có cả những đảng viên Cộng sản. Nhiều người bày tỏ sự bất mãn đối với tình trạng thiếu tự do ngôn luận, bất bình đẳng ngày càng nhiều, và tham nhũng tràn lan trong chính quyền.
Mặc dù bàn luận về vụ tàn sát ở Bắc Kinh này là điều cấm kỵ ở Trung Quốc đại lục, hàng chục ngàn người theo dự trù sẽ tham gia cuộc thắp nến tưởng niệm tại khu vực bán tự trị Hồng Kông vào chiều tối thứ Tư.