Việt Nam gánh thiệt hại sau các vụ bạo động chống Trung Quốc
Vụ trưởng Vụ Ngoại thương của Bộ Thương Mại Trung Quốc, ông Trương Ký, nói các vụ công nhân biểu tình bạo động gần đây tại các khu công nghiệp lớn của Việt Nam để phản đối Bắc Kinh đã gây ra những tổn thất kinh tế to lớn cho Hà Nội và nếu việc này tiếp diễn sẽ không những làm tổn thương cảm tình của người Trung Quốc mà còn ảnh hưởng tới lòng tin của các nhà đầu tư Trung Quốc đối với Việt Nam.
Hàng vạn người biểu tình đã đập phá hàng trăm công xưởng mà họ cho là có công nhân hay chủ nhân người Trung Quốc và nổi lửa đốt 15 nhà máy khác tại Hà Tĩnh.
Tập đoàn MMGC của Trung Quốc hôm qua loan báo có 4 công nhân bị thiệt mạng tuần qua trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc.
Trước đó, số thương vong chính thức được xác nhận là 2 người chết và hơn trăm người bị thương trong các vụ bạo động ở Bình Dương và Hà Tĩnh khởi sự từ ngày 13/5.
Trung Quốc đã rút hàng ngàn công nhân ra khỏi Việt Nam và loan báo ngưng một số kế hoạch trao đổi song phương với Hà Nội. Chưa có thống kê về tổn thất của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam.
Trao đổi mậu dịch Việt-Trung đạt 65,5 tỷ đô la hồi năm ngoái, với mức tăng trưởng 30% mỗi năm. Trong nhiều năm nay, Bắc Kinh là bạn hàng lớn nhất của Hà Nội, và Việt Nam nhập khẩu hàng Trung Quốc nhiều hơn xuất khẩu sang thị trường này.
Các công ty du lịch Trung Quốc cũng đã ngưng các tour đưa du khách sang Việt Nam, trong khi người dân Việt tiếp tục kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc và khách Trung Quốc. Đã có khách sạn công khai thông báo không tiếp khách Trung Quốc chừng nào Bắc Kinh chưa dời giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Ông Lu Jianren, nhà nghiên cứu tại Viện Trung Quốc-ASEAN thuộc đại học Quảng Tây, nói các vụ bạo động gây phản ứng ngược cho cả hai nền kinh tế Việt-Trung nhưng Việt Nam gánh chịu nặng nhất vì nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào hàng hóa của Trung Quốc từ các mặt hàng nhu yếu phẩm cho tới các sản phẩm công nghiệp tiên tiến.
Ký giả Vũ Hoàng Lân từ California đang có mặt tại Đà Nẵng, ghi nhận:
“Cả người dân lẫn nhà nước lần này cùng phản đối hành động của Trung Quốc, cái đó quá rõ ràng. Cái khác nhau là ở cách biểu hiện. Người dân tẩy chay khách Trung Quốc, hàng Trung Quốc, các nhà máy Trung Quốc, nhưng nhà nước rõ ràng không có chủ trương làm như vậy. Hậu quả của việc này đã bắt đầu tác động lên việc làm ăn buôn bán ở đây. Ở Bình Dương các nhà máy đập phá, hiện hàng ngàn người không có công ăn việc làm ở đó rồi. Rất đông du khách ở Đà Nẵng là người Trung Quốc, bây giờ họ rút hết về nước. Chiều nay đi taxi, anh taxi cho biết mấy bữa này thành phố Đà Nẵng không làm ăn gì được. Anh ta nói từ sáng đến 7 giờ tối anh mới chạy cuốc thứ hai mà thôi. Điều này cho thấy tất cả những biến động gì đều rơi ngược ngay lập tức vào đời sống bình thường của ngừơi dân Việt Nam.”
Hôm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Hà Nội điều tra, trừng trị những ai gây ra các vụ biểu tình bạo động, tăng cường biện pháp bảo vệ tài sản và công dân Trung Quốc, cũng như bồi thường thiệt hại cho phía Trung Quốc.
Tối cùng ngày, Thủ tướng Việt Nam loan báo Hà Nội sẽ trì hoãn thời hạn thu thuế tới 2 năm đối với các doanh nghiệp bị tổn thất và sẽ tính tới việc cắt giảm thuế xuất-nhập khẩu cho họ.
Ông Dũng cho biết Việt Nam cũng sẽ giảm 30% thuế tiêu thụ đặc biệt cho các công xưởng bị thiệt hại và có kế hoạch cắt giảm chi phí thuê đất đai đối với các doanh nghiệp vừa kể cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong khâu cấp visa cho công nhân nước ngoài qua làm việc cho họ.
Ông Dũng cũng thúc giục các công ty bảo hiểm nhanh chóng đánh giá mức độ thiệt hại và chi trả bồi thường.
Ngoài ra, ông cũng chỉ thị các ngân hàng hỗ trợ các công ty bị ảnh hưởng nhanh chóng khôi phục lại hoạt động.
Việt Nam chưa công bố tổng số tổn thất từ các vụ bạo động chống Trung Quốc.
Tại cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN ở Miến Điện hôm qua, Bộ Trưởng Quốc phòng Việt Nam kêu gọi đôi bên Việt-Trung kiềm chế để giải quyết tranh chấp và vãn hồi ổn định cho khu vực.
Ông Thanh nói với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc rằng Việt Nam cam kết bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình theo luật quốc tế, kể cả Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, và duy trì hữu nghị-hợp tác toàn diện với Trung Quốc.
Biểu tình chống Trung Quốc ở Bình Dương và Đồng Nai
- Xe tải bị đốt cháy trong cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Bình Dương.
- Một nhà máy ở Bình Dương bị đốt. Phía trước là biểu ngữ với hàng chữ 'Chúng tôi yêu Việt Nam. Hãy bảo vệ chén cơm."
- Người biểu tình phản đối Trung Quốc nhắm mục tiêu vào khu công nghiệp ở Bình Dương. Ðám đông phóng hỏa đốt mọi thứ, từ vật liệu, máy tính, cho tới các trang thiết bị và máy móc khác.
- Một nhà máy ở Bình Dương bị đốt. Phía trước là biểu ngữ với hàng chữ 'Chúng tôi yêu Việt Nam. Hãy bảo vệ chén cơm."
- Một tấm bảng với hàng chữ "Công ty chúng tôi không phải là công ty Trung Quốc."
- Người biểu tình tại Khu Công Nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
- Biểu tình tại Khu Công Nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
- Biểu tình tại Khu Công Nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
- Công ty nước ngoài treo biểu ngữ ủng hộ Việt Nam.