Nhìn lại những diễn biến vừa qua, VOA đã phỏng vấn 3 chuyên gia về chính trị Đông Nam Á để đưa ra phân tích và nhận định.
Tiến sĩ Vũ Tường là giáo sư ngành Chính trị học thuộc Đại học Oregon. Joshua Kurlantzick là nhà báo, nhà nghiên cứu cao cấp khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations). Và Ernest Z. Bower là Cố vấn cao cấp, Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Hợp tác Quốc tế (Center for Strategic & International Studies).
VOA: Vừa qua căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tăng cao đột biến liên quan đến việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào vùng biển mà Việt Nam nói thuộc lãnh hải của mình. Nhiều người cho rằng chính phủ Việt Nam gần như bật đèn xanh cho hàng loạt những cuộc biểu tình phản đối khắp cả nước. Liệu đây là một quyết định đã tính toán kỹ lưỡng hay chỉ là phản ứng nhất thời để đáp lại hành động của Trung Quốc?
TS Vũ Tường: Tôi nghĩ là quyết định này đã được tính toán. Tính kỹ bao nhiêu thì mình không biết nhưng đây là một quyết định có tính toán, vì trước giờ chính phủ Việt Nam kiểm soát rất chặt những cuộc biểu tình và đây là lần đầu tiên họ nới lỏng và có một vài dấu hiệu khuyến khích biểu tình. Nhưng mà như chúng ta thấy các cuộc biểu tình này đã ra ngoài tầm kiểm soát của họ nên thành ra khó có thể nói họ có tính kỹ đến tất cả những yếu tố liên quan.
Kurlantzick: Tôi nghĩ họ [chính phủ Việt Nam] có lẽ cảm thấy ngày càng bất lực trong tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, nhưng tôi hoài nghi họ muốn điều này xảy ra vì bất cứ vụ bất ổn nào cũng làm họ cảm thấy khó chịu. Rõ ràng không có cuộc biểu tình lớn nào được tiến hành mà không được chính phủ cho phép, nhưng cũng giống như trước đây họ rất cảnh giác về chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ cho phép biểu tình. Ban đầu việc cho phép biểu tình là một động thái có tính toán vào ngày 11 tháng 5, nhưng tôi không cho rằng chính phủ tính toán để xảy ra những vụ tấn công nhà máy thậm chí còn không phải là của Trung Quốc, vì việc này làm xấu hình ảnh của họ. Chính phủ hiện có lẽ rất lo lắng về vụ này.
Bower: Tôi không tin rằng chính phủ Việt Nam, bằng bất cứ cách nào, đóng một vai trò trong việc cổ xúy cho những vụ biểu tình đó. Thực ra tôi nghĩ rằng những vụ biểu tình làm họ lo ngại vì chính phủ Việt Nam hiểu rằng một phần chiêu thức của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan HD-981 vào thềm lục địa của Việt Nam là khiêu khích người Việt Nam phạm sai lầm, để Trung Quốc có thể lấy cớ lấn tới và chiếm giữ vị trí giống như họ đã làm với Philippines ở Bãi cạn Scarborough. Do vậy tôi nghĩ chính phủ Việt Nam không dính dáng tới những vụ biểu tình.
VOA: Thưa ông Bower, ông cho rằng chính phủ Việt Nam không có ý định để biểu tình nổ ra. Vậy thì tạo sao trong những ngày qua truyền thông trong nước lại được phép đưa tin dồn dập về những sự kiện này?
Bower: Việt Nam không thể trông cậy vào điều gì ngoại trừ việc phơi bày những hành động của Trung Quốc. Rất nhiều người không biết chuyện này nhưng Trung Quốc vẫn đang có những hành động chèn ép tương tự đối với Hàn Quốc. Thực tế là Hàn Quốc từng bắt giữ hơn 300 tàu đánh cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển của Hàn Quốc. Và tôi nghĩ rằng hầu hết những nước láng giềng của Trung Quốc đều cố giữ kín chuyện bị Trung Quốc chèn ép và không tường thuật mọi chuyện trên báo đài. Nhưng tôi nghĩ Việt Nam vào lúc này cảm thấy rằng họ phải cho thế giới biết những hệ lụy từ những hành động của Trung Quốc là gì. Đó là lý do vì sao tôi nghĩ lần này có sự minh bạch hơn và Việt Nam nhận ra rằng chỉ ngoại giao song phương thôi sẽ không thể kéo Trung Quốc quay lại.
VOA: Một bài xã luận đăng trên tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc gợi ý rằng Việt Nam đang dựa vào những cuộc biểu tình chống Trung Quốc làm “con bài mặc cả” trong đàm phán tranh chấp và rằng lối suy nghĩ đó là “ngây thơ.” Và mới đây, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc phát biểu ở Washington rằng Trung Quốc sẽ không chịu “mất dù chỉ một tấc đất.” Liệu dư luận Việt Nam có thể gây sức ép lên Bắc Kinh?
TS Vũ Tường: Phía đảng Việt Nam thì muốn duy trì quan hệ tốt với Bắc Kinh vì họ trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin và trung thành với sự lãnh đạo của Trung Quốc, nhưng họ không muốn phản đối mạnh mẽ qua kênh đảng nên họ muốn dùng những cuộc biểu tình của dân chúng để tạo thế cho họ nói chuyện được với những lãnh đạo Trung Quốc và thuyết phục lãnh đạo Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Chúng ta phải xem là hiệu quả của hành động đó thế nào thì mới có thể nói được cái vấn đề là có ngây thơ hay không. Thì cũng có thể là nó ngây thơ vì những cuộc biểu tình đã vượt quá phạm vi cho phép và dẫn tới thiệt hại tài sản kinh tế nhân mạng của người Trung Quốc, nên thành ra có thể là bây giờ Trung Quốc có thể phải nghĩ lại và họ lại phải chịu đàm phán với Việt Nam. Nhưng mà đó không phải là do chính phủ Việt Nam tính toán trước được mà là do những cuộc biểu tình tự phát đã dẫn đến tình huống đó.
Kurlantzick: Bức xúc của dân chúng Việt Nam sẽ không tác động tới Trung Quốc. Tôi không cho rằng dư luận Việt Nam sẽ khiến Trung Quốc giảm quy mô hoạt động [trên Biển Đông]. Tôi có thể nghĩ ra những việc khác nằm cao hơn trên danh sách. Chẳng hạn như việc kết hợp hoạt động của Việt Nam, Mỹ, Nhật ở Biển Đông; việc các thành viên ASEAN cùng nhau thương nghị quyết liệt hơn; một tuyên bố chung của ASEAN trong một hội nghị đặt ưu tiên đàm phán cho một bộ quy tắc ứng xử; việc Trung Quốc bị tòa án trọng tài xử thua Philippines; hay một sự can thiệp trực tiếp hơn của Mỹ. Có rất nhiều thứ tôi có thể nghĩ ra sẽ buộc Trung Quốc thay đổi lập trường, nhưng tôi không nghĩ dư luận Việt Nam sẽ có tác động đáng kể.
Bower: Việc Trung Quốc đưa giàn khoan là động thái được tính toán rất kỹ. Tôi nghĩ chúng ta đang thấy một gian đoạn mới của ông Tập Cận Bình. Đây rõ ràng không phải là động thái của một mình công ty dầu CNOOC mà được sự chấp thuận ở cấp cao nhất. Tôi nghĩ dư luận Việt Nam thôi không đủ để kéo Trung Quốc quay lại. Tôi nghĩ Việt Nam cũng hiểu rõ Trung Quốc bởi vì hai nước là những “láng giềng có quan hệ tốt” trong quá khứ, gồm cả cấp Đảng. Việt Nam, và tôi nghĩ tất cả chúng ta, đều hiểu rằng sẽ phải cần tới dư luận toàn cầu để đẩy lùi Trung Quốc. Vì Trung Quốc rồi sẽ nhận ra rằng những hành động quyết liệt sẽ làm suy yếu lợi ích an ninh quốc gia của chính mình và hạn chế sự tiếp cận năng lượng, nước, thực phẩm và đường giao thương nếu họ làm xấu đi quan hệ với các nước láng giềng ở Biển Đông và những nước lân cận.
VOA: Sự kiện giàn khoan này sẽ ảnh hưởng ra sao đến những phe nhóm chính trị trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam? Liệu sự kiện này sẽ đánh dấu một sự đổi chiều trong chính sách của Việt Nam liên quan đến tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc?
Bower: Cũng khó nói. Có những phe nhóm chính trị trong nội bộ chính phủ Việt Nam. Trong trường hợp này, quan trọng nhất là nhóm có chủ trương dân tộc là nhóm đang lo ngại nhiều hơn trước những đòi hỏi đầy tham vọng của Trung Quốc. Tôi nghĩ hành động của Trung Quốc như việc đặt giàn khoan dầu trên thềm lục địa của Việt Nam sẽ gây tổn hại cho phe thân Trung Quốc và khiến phe này co cụm lại trong chính trường Việt Nam.
TS Vũ Tường: Tôi nghĩ là nếu có sự đổi chiều trong chính sách của Việt Nam thì trước hết nó phải thay đổi cán cân quyền lực trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam. Phe thân Trung Quốc, phe bảo thủ thì cái quyền lực của họ phải giảm đi thật nhiều hoặc là họ mất quyền lực thì chính sách mới có thể thay đổi. Còn nếu không thì tôi nghĩ họ vẫn muốn duy trì chính sách cũ từ trước đến nay là bảo vệ quan hệ tốt giữa Việt Nam với Trung Quốc, mặc dù có thể là mất đi một số quyền lợi về kinh tế cũng như là bị đe dọa về mặt an ninh.
- Xe tải bị đốt cháy trong cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Bình Dương.
- Một nhà máy ở Bình Dương bị đốt. Phía trước là biểu ngữ với hàng chữ 'Chúng tôi yêu Việt Nam. Hãy bảo vệ chén cơm."
- Người biểu tình phản đối Trung Quốc nhắm mục tiêu vào khu công nghiệp ở Bình Dương. Ðám đông phóng hỏa đốt mọi thứ, từ vật liệu, máy tính, cho tới các trang thiết bị và máy móc khác.
- Một nhà máy ở Bình Dương bị đốt. Phía trước là biểu ngữ với hàng chữ 'Chúng tôi yêu Việt Nam. Hãy bảo vệ chén cơm."
- Một tấm bảng với hàng chữ "Công ty chúng tôi không phải là công ty Trung Quốc."
- Người biểu tình tại Khu Công Nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
- Biểu tình tại Khu Công Nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
- Biểu tình tại Khu Công Nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
- Công ty nước ngoài treo biểu ngữ ủng hộ Việt Nam.