Số phụ nữ bị tử vong trong khi sinh nở giảm phân nửa

PostTue May 06, 2014 12:23 pm

VOA - Arts and Entertainment

Phúc trình của WHO về số tử vong khi sinh con.Phúc trình của WHO về số tử vong khi sinh con.
— Một cuộc khảo cứu mới cho thấy những cái chết của các bà mẹ trong khi sinh nở vì các biến chứng lúc mang thai đã giảm bớt một nửa tính từ năm 1990. Nhưng Tổ chức Y tế Thế giới nói phần lớn các nước sẽ không đạt được mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ năm 2015 là giảm bớt 2/3 số tử vong trong khi sinh nở.

Các số liệu mới của Liên Hiệp Quốc cho thấy số các bà mẹ sống sót trong khi sinh nở tăng 45% so với năm 1990. Năm ngoái, số phụ nữ chết vì các biến chứng là 289.000 người so với 523.000 vào năm 1990.

Một cuộc khảo cứu thứ nhì của WHO có liên quan nêu ra các nguyên do gây ra tử vong trong khi sinh nở đã thay đổi trong vòng 24 năm vừa qua. Trong năm 1990, báo cáo nói phụ nữ chết vì băng huyết, nhiễm trùng và cao huyết áp trong khi mang thai.

Nay, báo cáo này nói hơn 1 trong số 4 trường hợp tử vong lúc sinh nở là vì các tình trạng sức khỏe sẵn có từ trước, như bị bệnh tiểu đường, nhiễm HIV, sốt rét hay mập phì.

Giám Ðốc Nghiên cứu và Sức khỏe Sinh sản của WHO, bà Marleen Temmerman là đồng tác giả cuộc khảo cứu. Bà nói các ca bị bệnh không lây nhiễm đang gia tăng trên khắp thế giới. Bà nói thêm rằng các tình trạng sức khỏe như mập phì và tiểu đường trở nên tệ hơn trong khi mang thai và có thể đe dọa đến mạng sống.

Bà nói vùng châu Phi phía nam sa mạc Sahara vẫn là khu vực có nhiều nguy cơ nhất bị chết vì các biến chứng trong khi mang thai và lúc sinh nở:

“Nếu ta nhìn vào rủi ro suốt đời của một người phụ nữ, hay thiếu nữ có thể chết trong khi mang thai và lúc sinh nở, thì tỷ lệ là 1 trong 40 ở phía nam sa mạc Sahara, so với ước chừng 1 trong 3.500 ở châu Âu hay thế giới Tây phương chẳng hạn.”

Tổ chức Y tế Thế giới nói tiến bộ liên tục trong việc giảm thiểu số tử vong trong khi sinh nở đang được thực hiện. Nhưng tổ chức nói đã có quá ít tiến bộ trong việc ngăn ngừa những vụ mang thai trong giới vị thành niên, những vụ phá thai, chết trong khi sinh nở, và các vụ nhiễm trùng bệnh lây lan qua đường tính dục và HIV trong 20 năm vừa qua.

Cuộc khảo cứu quy trách phần lớn hiện tượng này cho tình trạng thiếu dịch vụ và giáo dục tính dục tổng quát có chất lượng, nhất là ở các nước nghèo. Cuộc khảo cứu nêu ra rằng hơn 15 triệu thiếu nữ từ 15 đến 19 tuổi sinh con mỗi năm. Phần nhiều các vụ mang thai là do quan hệ tính dục không được sự đồng thuận của cả hai bên.

Báo cáo nói 10 nước chiếm khoảng 60% các cái chết trong khi sinh nở trên toàn cầu. Các nước này gồm Ấn Ðộ, Nigeria, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Indonesia, Pakistan, Tanzania, Kenya, Trung Quốc và Uganda.

Cuộc khảo cứu cho biết rủi ro suốt đời cao nhất về tử vong khi sinh nở là ở Somalia và Chad. Cuộc khảo cứu nói 11 nước đang đi đúng hướng trong việc đạt mục tiêu Thiên niên kỷ là cắt giảm 75% các trường hợp chết trong khi sinh nở.

Phối hợp viên WHO của toán phục trách trẻ vị thành niên và những khối người có nguy cơ, bác sĩ Lale Say, nói với đài VOA rằng không có công thức kỳ diệu cho việc đạt được các kết quả này. Bà cho biết:

“Chẳng hạn như ở Rwanda - một trong những sự thúc đẩy lớn nhất để Rwanda xử lý những trường hợp tử vong trong khi sinh nở là tăng cường các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình toàn quốc và sự cải thiện lớn trong việc sử dụng biện pháp ngừa thai trong các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.”

Bác sĩ Say nói Kampuchea đã cắt giảm tỷ lệ tử vong trong khi sinh nở bằng cách gia tăng công tác đỡ đẻ tại các cơ sở y tế và nâng cấp kỹ năng của nhân viên y tế. Bà nói có ít các bà mẹ hơn chết tại Nepal nhờ việc hợp thức hóa phá thai và nước này đã khích lệ phụ nữ sinh nở tại các cơ sở y tế.

WHO nói các biện pháp can thiệp như tiếp cận với các cơ sở kế hoạch hóa gia đình và ngừa thai, dịch vụ đỡ đẻ và sự sẵn sàng tiếp cận với nhân viên y tế và thiết bị thuốc men có thể cứu được mạng sống của phụ nữ và các trẻ sơ sinh.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Văn Nghệ Và Điện Ảnh - Arts and Entertainment

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1028 guests

cron