Tướng Trung Quốc Cốc Tuấn Sơn bị truy tố về tội tham nhũng
Cuộc điều tra bí mật làm cho Trung tướng Cốc Tuấn Sơn thân bại danh liệt đã kéo dài trong hơn hai năm.
Trong thời gian đó, truyền thông Trung Quốc đã loan tải những bài tường thuật có tính chất rời rạc về những gì mà nhân viên điều tra đã phát giác: những vụ mua bán trái phép lên tới hàng tỉ đô la, cùng với những bức tượng bằng vàng ròng và một kho rượu quí dưới tầng hầm trong dinh thự của ông.
Giám đốc, vụ án của ông Cốc Tuấn Sơn, nguyên Phó Bộ trưởng Bộ Hậu cần của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đã được chuyển sang cho một tòa án quân sự.
Ông bị truy tố về các tội tham nhũng, biển thủ, sử dụng công quỹ một cách sai trái và lạm dụng chức quyền.
Tuy cuộc điều tra ông Cốc Tuấn Sơn đã bắt đầu dưới thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, các nhà phân tích nói rằng việc ông bị chính thức truy tố là kết quả trực tiếp của chiến dịch mà ông Tập Cận Bình đã phát động để bài trừ tệ nạn tham nhũng.
Ông Hà Gia Hoằng, giáo sư luật của Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nói rằng ở Trung Quốc, quân đội là một vương quốc tự trị, không minh bạch, và hiếm khi được công chúng giám sát; cho nên vụ án ông Cốc Tuấn Sơn thu hút sự chú ý cao độ của người dân.
"Điều này cho thấy một cách rõ ràng quyết tâm của giới lãnh đạo mới trong việc đấu tranh chống tham nhũng, dồn mọi nguồn lực để đấu tranh và đấu tranh cho tới cùng."
Khi xác nhận việc ông Cốc Tuấn Sơn bị chính thức truy tố, truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm thứ hai đã tập trung nói về những hậu quả tiêu cực của nạn tham ô trong quân đội.
Một bài bình luận của tờ Nhân dân Nhật báo nói rằng “những phần tử cặn bã như Cốc Tuấn Sơn làm hoen ố hình ảnh vinh quang của Giải phóng quân.”
Hồi đầu năm nay, tạp chí Tài Tân ở Trung Quốc cho biết ông Cốc Tuấn Sơn lợi dụng chức vụ để mua đi bán lại những khu đất do quân đội làm chủ, và đã làm giàu dựa vào những hoạt động qua lại giữa các thị trường tự do và thị trường bị kiềm chế.
Những vụ mua bán địa ốc đó bao gồm những vùng đất đắt tiền ở Bắc Kinh, Thượng Hải cũng như đất đai ở tỉnh Hà Nam, là quê của ông.
Ông Kerry Brown, giáo sư ngành Trung Quốc học của Đại học Sidney, cho biết những tội phạm của ông Cốc Tuấn Sơn là phó sản của sự phát triển không được giám sát ở Trung Quốc, trong đó những người có quyền thế thâu tóm phần lớn kết quả của sự tăng trưởng kinh tế.
"Sẽ là một điều kỳ lạ nếu những người trong các tập đoàn có quyền thế, như xí nghiệp quốc doanh, như các quan chức, lại không lợi dụng chức vụ để làm giàu. Bởi vì tiền bạc của cải đã có sẵn ở đó để họ chiếm lấy mà không có một sự kiềm chế nào về mặt quản lý nhà nước hoặc về mặt đạo đức."
Các nhà phân tích nói rằng mục tiêu lớn hơn của chiến dịch chống tham nhũng là tìm cách thay đổi cách thức hành sử quyền lực ở Trung Quốc và loại bỏ tệ nạn ô dù và những vụ lạm dụng quyền trắng trợn.
Ông Cốc Tuấn Sơn nằm trong số các giới chức cao cấp nhất bị nhắm làm mục tiêu trong chiến dịch chống tham nhũng hiện nay. Các nhà phân tích, trong đó có giáo sư Brown, tin rằng ông Tập Cận Bình đang tìm cách chỉnh đốn Quân đội Giải phóng Nhân dân mà ông lãnh đạo trong tư cách Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
"Trong một ý nghĩa nào đó thì việc có hành động chống lại họ như thế này chứng tỏ cho mọi người thấy rằng họ không có đặc quyền một cách hoàn toàn. Họ cũng là một phần của cơ cấu quyền lực, của toàn bộ mạng lưới quyền lực và vì vậy họ cần phải được đối xử với cùng một cách thức như những lãnh vực truyền thống hơn như lãnh vực chính trị.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng chi tiết của vụ xử ông Cốc Tuấn Sơn sẽ không được tiết lộ đầy đủ cho công chúng vì có dính líu tới những thông tin bí mật của quân đội."
Truyền thông nước ngoài cho rằng lời khai của ông Cốc Tuấn Sơn có thể được dùng trong những cuộc điều tra riêng rẽ nhắm vào các nhà lãnh đạo đã nghỉ hưu, như ông Từ Tài Hậu, cựu phó chủ tịch ủy ban quân sự trung ương, hay ông Châu Vĩnh Khương, là người từng cầm đầu hệ thống an ninh của Trung Quốc.