Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho hay đa số các vụ hành quyết ở Iran là những vụ phạm tội có liên quan đến ma tuý. Nữ phát ngôn viên Ravina Shamdasani nói những tội ác này không gây chết người và vì thế không hội đủ tiêu chuẩn luật quốc tế áp dụng cho hình phạt tử hình.
Bà Shamdasani nói: “Chúng tôi đã nhiều lần báo cho chính phủ biết về các mối quan ngại của chúng tôi, và đã có một số dấu hiệu đáng khích lệ hồi năm ngoái khi các tù nhân chính trị được phóng thích. Vì thế, chúng tôi hy vọng và phấn khởi trước các dấu hiệu này, nhưng dường như, ít nhất trong bảy tuần lễ vừa qua, các vụ hành quyết thực ra lại tăng lên.”
Bà Shamdasani nói một số người đã bị hành quyết một cách bí mật và ít nhất bảy người bị hành quyết công khai trong năm nay. Phương pháp thông thường nhất là treo cổ. Bà nói Văn phòng Nhân quyền đặc biệt quan ngại về vụ hành quyết mật được báo cáo hồi tháng trước về hai thành viên của cộng đồng thiểu số Ả Rập Ahwaz.
Bà nói hai người này, tên là Hadi Rashedi và Hashem Sha’bani, đã không được xét xử một cách công bằng như luật quốc tế đã định. Bà nói theo tin ghi nhận thì họ đã không được tiếp xúc với một luật sư và gia đình họ trong thời gian chín tháng đầu bị bắt. Bà cho biết theo lời cáo buộc, họ đã bị tra tấn để buộc phải thú tội.
Bà Shamdasani nói với đài VOA rằng hai người đã bị kết án tử hình về tội “thù ghét Thượng Ðế,” tham ô, và có hành vi chống lại an ninh quốc gia.
Bà nói: “Vấn đề đối với cáo trạng 'thù ghét Thượng Đế' là tội này được định nghĩa quá mơ hồ và thiếu rõ ràng nên có thể áp dụng cho rất nhiều loại vi phạm. Tôi chắc chắn tội báng bổ cũng thuộc loại này. Nhưng nói còn có thể áp dụng cho rất nhiều loại vi phạm khác nữa. Và đây là lý do vì sao cáo trạng này đặc biệt có vấn đề… Sự kiện hai người này bị hành quyết nêu ra các vấn đề nghiêm trọng, ngoài những thắc mắc mà chúng ta thường có về việc áp dụng án tử hình tại Iran vì các tội có liên quan đến ma tuý, về các vi phạm không đi tới mức chịu án tối đa - sự kiện sự thực là họ từ nhóm dân thiểu số và họ làm việc cho các tổ chức văn hóa là nguyên nhân xa hơn cho sự quan ngại”.
Cơ quan Liên Hiệp Quốc báo cáo có ít nhất 500 người đã bị hành quyết trong năm 2013, bao gồm 57 trường hợp công khai. Tuy nhiên, một số nguồn khác cho rằng con số này có thể cao tới 625 người. Cơ quan này cho biết trong số những người bị hành quyết có các tù nhân chính trị, các thành viên của các nhóm sắc tộc thiểu số và 28 phụ nữ.
Các nhà hoạt động nhân quyền Liên Hiệp Quốc thúc giục Teheran lập tức dừng việc hành quyết và đưa ra một pháp lệnh hoãn án tử hình.